Trong khí thế thi đua sôi nổi mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, người dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hân hoan vui mừng vì xã vừa cán đích chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số, là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện. Việc đưa công nghệ số đến với mỗi người dân, từng hộ gia đình, từng thôn xóm, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hiện đại hóa vùng quê cách mạng.
Giờ học ngoại khóa giới thiệu truyền thống lịch sử quê hương của thầy và trò Trường THCS Trực Tuấn (Trực Ninh). |
Một thời sục sôi khí thế cách mạng
Theo sách lịch sử đảng bộ xã, Trực Tuấn là nơi được gieo hạt mầm cách mạng từ rất sớm, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh. Đầu năm 1923, khi nhà giáo yêu nước Phạm Gia (quê Thanh Trì, Hà Nội) về dạy học ở làng Nam Lạng đã gieo vào lòng người dân chí khí cách mạng và tổ chức cho thanh niên tập võ, rèn luyện thân thể. Năm 1926, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng do Bác Hồ thành lập. Được giáo dục, rèn luyện thử thách qua hoạt động thực tiễn, một số học sinh, thanh niên của làng Nam Lạng nêu cao tinh thần giác ngộ cách mạng được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên huyện Trực Ninh. Tháng 8-1928, Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đầu tiên của huyện Trực Ninh được thành lập ở tại Đền Nam Lạng gồm 4 thành viên do nhà giáo Phạm Gia làm Chi hội trưởng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào quần chúng ở các thôn Cát Chử, Hương Cát phát triển sôi nổi. Tại thời điểm này, nhiều hội quần chúng cũng được thành lập như “Hội ái hữu”, “Hội tập võ”, “Hiếu học hội”, “Hội đọc sách báo”… đã thu hút nhiều thanh niên địa phương tham gia hoạt động để chống lại các thủ đoạn ru ngủ, đầu độc thanh niên của bọn thực dân, phong kiến; đồng thời rải truyền đơn kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh, ủng hộ nước Nga Xô viết đã làm bọn hào lý, quan lại hoang mang lo sợ.
Trước phong trào cách mạng sôi nổi ở Cát Chử, Hương Cát, thực dân Pháp đã tăng cường dò xét, truy bức, uy hiếp nhân dân, lùng bắt cán bộ cộng sản và quần chúng cách mạng. Tháng 10-1929, mật thám Pháp đã bắt nhà giáo Phạm Gia cùng một số đồng chí trong chi bộ. Địch khủng bố dữ dội, hoạt động của các hội quần chúng tạm thời lắng xuống. Để củng cố niềm tin trong nhân dân, đêm 10-12-1929 các đồng chí Ninh Sơn Đẩu và Trần Gia đã bí mật treo lá cờ Đảng trên ngọn cây gạo cạnh cầu Cao. Lá cờ đỏ búa liềm kiêu hãnh tung bay phấp phới trên nền trời xanh đã lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, khơi nguồn cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Trực Ninh; khiến kẻ thù tức tối, sợ hãi khí thế quật cường của nhân dân. Giữa năm 1943, Ban cán sự Đảng tỉnh được thành lập và tiến hành việc khôi phục cơ sở Đảng, tổ chức cơ sở Đảng làng Nam Lạng bắt được liên lạc, tiếp tục hoạt động và thành lập liên tiếp 3 tổ chức Việt Minh trực tiếp hướng dẫn thành lập các hội, đoàn thể cứu quốc, đẩy mạnh phong trào yêu nước; khôi phục các lớp học, tuyên truyền, vận động nhân dân quyên góp tiền của, mua sắm vũ khí, chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa.
Tháng 8-1945, thôn Nam Lạng được Tỉnh ủy Nam Định và Huyện ủy Trực Ninh chọn làm địa điểm chuẩn bị và tập trung lực lượng quần chúng yêu nước của xã và khu vực lân cận tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền phủ Trực Ninh. 15 giờ ngày 17-8-1945, lệnh tiến quân giành chính quyền huyện Trực Ninh được ban bố. Gần 200 tự vệ, thanh niên cứu quốc, quần chúng cách mạng cùng 5 đội viên đội võ trang tuyên truyền của tỉnh giương cao 5 lá cờ đỏ sao vàng cùng các khẩu hiệu lớn tiến về huyện, đi đến đâu nhân dân nơi đó nổi dậy hòa cùng đoàn tự vệ hô vang khẩu hiệu, uy hiếp bộ máy chính quyền phong kiến nửa thực dân, phá rào chiếm kho vũ khí. Bất lực trước sức mạnh như nước cuốn, bọn ngụy quyền phải mở cổng đón đoàn quân cách mạng, dâng nộp toàn bộ vũ khí, sổ sách, ấn tín. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn thắng lợi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc phủ Trực Ninh. Từ đây, khí thế giành chính quyền về tay nhân dân lan tỏa mạnh mẽ tới các địa bàn khác trên toàn tỉnh, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sản xuất giỏ hoa trang trí tại Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Việt Tiến, xã Trực Tuấn. |
Xây dựng quê hương văn minh – hiện đại
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện, Đảng ủy xã Trực Tuấn đã đề ra những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương. Năm 2016, xã đạt chuẩn xây dựng NTM; năm 2020 đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 năm sau, xã cán đích NTM kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số. Đây là những thành tựu cách mạng mới đáng tự hào mà Đảng bộ, nhân dân Trực Tuấn nỗ lực phấn đấu hoàn thành để tri ân các thế hệ cha ông đã gieo mầm. Những ngày này cờ, hoa rực rỡ dọc các tuyến đường thôn, xóm; biển chỉ dẫn, camera an ninh được lắp đặt tại các đường dong, ngõ thuận tiện cho việc đi lại và đảm bảo an ninh; Nhà văn hóa của các 10 xóm đều lắp đặt các bộ dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao và phát sóng wifi miễn phí phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hệ thống loa truyền thanh trước đây được cải tiến thành hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ số cài đặt sẵn lịch phát thanh; tiếp sóng, tiếp âm các chương trình của đài huyện, đài tỉnh; phát thanh viên không phải đến phòng thu mà có thể thu trực tiếp bằng điện thoại thông minh để phát chương trình đáp ứng yêu cầu hoạt động truyền thanh đại chúng. Xã đã xây dựng được một số sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương như thuốc đông y cổ truyền, gạo ST24, ST25, đồ thủ công mỹ nghệ giỏ hoa trang trí… Các sản phẩm đều được ứng dụng công nghệ số gắn mã QR code để có thể truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, bán trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thôn Nam Lạng Tây đã xây dựng thành công mô hình thôn thông minh. Chính quyền xã đã nâng cấp hệ thống đường truyền internet nhằm phục vụ chuyển đổi số; sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, văn bản được liên thông 3 cấp, 100% văn bản đến được tiếp nhận, phân bổ và xử lý theo quy định. Cán bộ, công chức xã thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện truyền thông số, mạng xã hội. Các Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chuyển đổi số như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy, chữa cháy; sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, giao dịch ngân hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn…
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Trực Tuấn tiếp tục đoàn kết, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, viết tiếp những trang sử đầy tự hào trong thời kỳ đổi mới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương