Lao động cực nhọc mà giá bán muối thấp, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình nên càng ngày càng nhiều diêm dân không còn mặn mà với nghề làm muối. Phần lớn lao động hiện nay là người trung tuổi, người già gắn bó lâu năm với nghề. Lực lượng lao động chính là thanh niên hầu hết đều đi tìm công việc làm khác.
Diêm dân xã Bạch Long (Giao Thuỷ) bám nắng sản xuất muối. |
Vụ muối năm nay, tại cánh đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy) – “thủ phủ” muối của tỉnh thưa thớt diêm dân. Bà Đoàn Thị Hường, diêm dân xã Bạch Long cho biết, từ đầu năm đến nay có rất ít ngày nắng, tính bình quân diêm dân chỉ ra đồng làm muối được khoảng 2-3 ngày/tuần nên năng suất, sản lượng muối thấp hơn mọi năm. Không chỉ mất mùa, vụ muối năm nay còn mất cả giá. Hiện muối đang được các thương lái thu mua tại ruộng với giá chỉ 1.600-1.800 đồng/kg. “Nếu trời nắng to, một ngày chúng tôi lao động hết công suất có thể sản xuất được 80kg muối, thu về khoảng 150 nghìn đồng. Năm nay mưa nhiều, trong tháng 7 trời mưa liên tục nên diêm dân càng gặp nhiều khó khăn hơn” – bà Hường chia sẻ. Ngoài thu nhập thấp, diêm dân còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống ô nề, thống, chạt, sân phơi đã xuống cấp song mới chỉ được sửa chữa tạm thời. Một khó khăn nữa là hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã (HTX) diêm nghiệp đã có chuyển biến song không đồng đều, chưa tạo lập được mối quan hệ bền vững dựa trên cơ chế phân bổ lợi nhuận theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới lưu thông giữa “3 bên”: diêm dân – HTX – doanh nghiệp. Cũng bởi vậy, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế do năng lực vốn, kiến thức…, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống dẫn đến việc cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm bị hạn chế nên càng khó tăng thu nhập từ nghề. Ngoài ra, các mô hình khuyến diêm còn ít về số lượng, thực hiện đơn lẻ, thiếu giải pháp đồng bộ, tính thuyết phục chưa cao, thiếu bền vững…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, nên diện tích sản xuất và sản lượng muối thủ công đều giảm. Năm 2023, sản lượng muối thủ công của tỉnh ước đạt 21 nghìn tấn; sản lượng muối sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ước đạt 40 nghìn tấn; sản lượng muối chế biến tiêu thụ ước đạt 70 nghìn tấn. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm muối, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện chỉ đạo các HTX diêm nghiệp tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn bộ máy, tích cực chuyển đổi sang kinh doanh, dịch vụ. Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất muối sạch, đào tạo chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh muối cho diêm dân, chủ doanh nghiệp chế biến muối trên toàn tỉnh.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN và PTNT), từ năm 2022, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã liên kết với các hộ diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch phục vụ xuất khẩu” với quy mô 1ha. Tham gia mô hình này, các diêm dân được đào tạo về quy trình sản xuất muối sạch, được hỗ trợ kinh phí tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ làm muối. Khác với làm muối truyền thống, các công đoạn làm muối sạch cũng khắt khe hơn. Theo đó, nước biển sau khi lấy về phải qua hệ thống téc lọc, củ lọc rồi mới đưa lên sân phơi, các ô kết tinh cũng phải được rửa sạch sẽ, không để cặn bẩn; khi thu hoạch muối diêm dân phải đảm bảo chân, tay, dụng cụ lao động đều sạch… Tuy nhiều công đoạn, nhưng sản phẩm muối làm ra được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường khoảng 600 đồng/kg nên người dân cũng yên tâm. Vụ muối năm 2023, các hộ diêm dân tham gia dự án sản xuất được 86 tấn muối sạch. Hiệu quả bước đầu của mô hình mở ra hướng mới nhằm tăng giá trị sản xuất, hỗ trợ diêm dân trong khôi phục nghề làm muối.
Cùng với hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất muối, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX diêm nghiệp tham dự các hội nghị xúc tiến thương mại do Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức (bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến). Đồng thời hỗ trợ các diêm dân tham gia liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến muối, xây dựng thương hiệu, khuyến khích tham gia chương trình OCOP. Hiện một số sản phẩm chế biến từ muối đạt chuẩn sản phẩm OCOP như: “Muối biển sạch”, “Muối tinh sấy i-ốt” của Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải; “Muối biển siêu sạch”, “ Muối tinh i-ốt”, “Muối hạt sạch” của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất muối và bột canh Thanh Hương; “Muối biển sạch”, “Muối i-ốt” của Công ty TNHH Bình Chung. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế biến muối đã tích cực đầu tư công nghệ mới; liên kết với các địa phương sản xuất muối nhập muối nguyên liệu để chế biến các sản phẩm muối chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ muối, giúp diêm dân yên tâm bám nghề.
Thực hiện Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định” của UBND tỉnh, từ năm 2023 đến nay, Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành triển khai các dự án “Cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối” tại xã Bạch Long; “Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối”; “Phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch” tại 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, phấn đấu đến năm 2030 duy trì 326ha đất sản xuất muối, 30-40ha sản xuất muối sạch chất lượng cao… nhằm bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền, nâng cao đời sống cho diêm dân và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất muối sạch, muối chất lượng cao; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối; tăng cường quảng bá tiêu thụ các sản phẩm muối để nâng cao giá trị, góp phần ổn định và phát triển cuộc sống của diêm dân trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/go-kho-cho-nghe-muoi-e400adc/