Những tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; chủ động bám sát các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, văn bản chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, chính quyền địa phương… để tập trung triển khai thực hiện toàn diện các mặt hoạt động, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, kiểm tra nhu cầu vốn tín dụng chính sách tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giao Thủy. |
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp đã tập trung thực hiện phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn kịp thời giữa các địa bàn, các chương trình theo đúng quy định của Ngân hàng CSXH; đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để, hiệu quả; giải ngân “đúng, trúng” các chương trình theo kế hoạch được giao, nhất là nguồn tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; cho vay học sinh, sinh viên (HS,SV) học kỳ II năm học 2022-2023. Các thành viên của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã đã tích cực tham gia các phiên họp, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Tăng cường giám sát hoạt động của tổ giao dịch xã và tham dự các cuộc họp giao ban tại các phiên giao dịch xã để phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý nguồn vốn, triển khai các chương trình tín dụng chính sách, nắm tình hình, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động mọi mặt, chất lượng tín dụng chính sách; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ do Ngân hàng CSXH Việt Nam giao, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương được bổ sung, các phòng giao dịch đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp phân giao chỉ tiêu kế hoạch, phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác tập trung giải ngân phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 13.909 lượt khách hàng (trong đó 1.188 HS,SV được giải ngân kỳ tiếp theo) với số tiền 549,5 tỷ đồng, bằng 66,9% cùng kỳ năm trước. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 154,9 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 132,8 tỷ đồng; hộ cận nghèo 105,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm 92,1 tỷ đồng. Dư nợ tính đến hết tháng 6-2023 đạt 4.039,8 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 156,8 tỷ đồng, đạt 78,2% kế hoạch với 96.695 khách hàng còn dư nợ. Ngân hàng CSXH các huyện đều có dư nợ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, một số đơn vị có mức tăng trưởng cao như: Nghĩa Hưng tăng 22,1 tỷ đồng, Ý Yên tăng 20,9 tỷ đồng, Hải Hậu tăng 18,6 tỷ đồng, Giao Thủy tăng 17,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng CSXH đã hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, phục vụ đời sống sinh hoạt cho 236 hộ nghèo, 1.383 hộ cận nghèo, 1.759 hộ mới thoát nghèo và 10.531 đối tượng chính sách khác; góp phần giúp 339 hộ thoát nghèo, 1.462 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 1.352 lao động; 1.375 HS,SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để hỗ trợ chi phí học tập; xây dựng 15.504 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 51 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Nợ xấu duy trì mức thấp, chỉ 0,14% trên tổng dư nợ. Các hoạt động giao dịch tại xã tiếp tục ổn định, đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã là 90,5%, tỷ lệ thu nợ gốc 94%, tỷ lệ thu lãi 99,9%. Kết quả đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch tại xã của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh luôn được xếp loại tốt với 9/10 Phòng Giao dịch huyện xếp loại tốt, 1 Phòng Giao dịch xếp loại khá (Mỹ Lộc). Một số đơn vị có chất lượng hoạt động giao dịch xã cao như: Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh…
Tại huyện Giao Thủy, tính đến đầu tháng 8-2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng là 459,8 tỷ đồng với 12.324 khách hàng, tăng 18 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 7,6 tỷ đồng với 119 hộ vay vốn; hộ cận nghèo đạt 110,8 tỷ đồng/1.822 hộ; hộ mới thoát nghèo đạt 86,7 tỷ đồng/1.261 hộ; giải quyết việc làm đạt 36,8 tỷ đồng/499 hộ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 189,8 tỷ đồng/9.733 hộ; HS,SV có hoàn cảnh khó khăn đạt 18,2 tỷ đồng/497 hộ; cho vay hộ nghèo khó khăn về nhà ở đạt 1,2 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đạt 7,6 tỷ đồng. Dư nợ bình quân cho vay qua tổ đạt 1,3 tỷ đồng; tương đương 37 triệu đồng/khách hàng. Nợ quá hạn đến hết ngày 31-7-2023 là 598 triệu đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ. Tại xã Giao Thiện, chúng tôi gặp anh Đinh Xuân Sự, xóm 7, đang tất bật chuẩn bị thức ăn cho tôm thẻ chân trắng. Anh Sự chia sẻ: “Đầu năm 2023, người nuôi tôm thẻ chân trắng chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Giá thức ăn tăng, thời tiết nắng nóng bất thường nên lợi nhuận nuôi tôm sụt giảm, rất khó khăn về vốn để tái đầu tư”. Nhờ Hội Phụ nữ xã giới thiệu, gia đình anh Sự đã được tiếp cận kịp thời với gói vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo cùng với vốn tự có của gia đình để đầu tư cải tạo hơn 4.000m2 ao đầm, ổn định sản xuất, sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Đến nay, tôm sinh trưởng tốt, bình quân mỗi ao thu hoạch về 5-7 tấn, trừ chi phí, gia đình anh cũng thu về từ 1,2 tỷ đồng, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm ổn định cho 3 lao động với thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/tháng. Anh Ngô Văn Hòa ở xóm 3 là chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú với diện tích 7,5ha cũng được Ngân hàng CSXH huyện Giao Thủy tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để ổn định sản xuất.
Với nỗ lực của toàn hệ thống, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục được khơi thông, “chảy” mạnh về địa bàn nông thôn, tiếp sức cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách ổn định sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững giai đoạn 2021-2025./.
Bài và ảnh: Đức Toàn