Với những đôi bàn tay khéo léo, những người thợ vẫn ngày ngày cần mẫn “giữ lửa” ở nhiều làng nghề truyền thống trong tỉnh, trong đó có làng nghề chiếu đậu Văn Đoan ở làng nghề Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Trong thời tiết tháng 7, nắng như đổ lửa, chúng tôi đến giáo xứ Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) để tìm hiểu về nghề làm chiếu đậu của người dân nơi đây. Theo các bậc cao niên, nghề làm chiếu đậu đã tồn tại hơn 100 năm nay, đến năm 2022 chiếu của làng được UBND huyện công nhận sản phẩm OCOP. Trải qua thời gian dài nhiều biến động, lúc thịnh, lúc suy nhưng người dân trong làng vẫn quyết giữ được nghề cho đến ngày hôm nay. Đã hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương, ông Mai Văn Đoan, ở xóm 14 được biết đến là người có tâm huyết trong việc gìn giữ, phát triển nghề làm chiếu đậu. Ông Đoan cho biết, ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ dạy cách làm chiếu nên mỗi công đoạn, thao tác như nằm lòng. Những chiếc chiếu đậu ở làng nghề Xuân Dục có những tiêu chuẩn rất khắt khe, đòi hỏi ở người thợ phải có kỹ thuật cao, kiên nhẫn, tỉ mỉ ở nhiều công đoạn, trong đó công đoạn quan trọng nhất là chọn nguyên liệu cói và đay. Nguyên liệu để dệt nên những chiếc chiếu ở Xuân Dục được người dân sử dụng là cói nước mặn nhập từ Quảng Xương (Thanh Hóa), bởi lẽ cói nước mặn cho ra sợi cói cao, mềm mại, có độ bền, đẹp theo thời gian. Sợi đay dùng để dựng giàn dệt phải là sợi phơi thật khô qua nhiều nắng nên có độ mềm mại, bền chặt nhất định. Sau khi chọn được những sợi cói đạt tiêu chuẩn, người thợ bắt đầu tiến hành phân loại cói. Cói sau khi thu hoạch được chia ra làm nhiều loại dài ngắn khác nhau gồm: từ 1,6m đến 1,8m; từ 1m đến 1,2m và dưới 1m. Sau đó, người thợ dệt chiếu tiếp tục tuyển chọn cói một lần nữa. Lần này, cói được phân loại kỹ hơn để dệt thành các loại chiếu theo chiều dài của cói.
Ông Mai Văn Đoan, xóm 14, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) giới thiệu sản phẩm chiếu đậu của gia đình. |
Sau khi đã có đủ nguyên liệu, người thợ dệt chiếu chuyển sang công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian và khó nhất trong quá trình dệt chiếu, đó là công đoạn dựng giàn dệt. Dựng xong giàn dệt, người thợ sẽ đi vào công đoạn chính là dệt chiếu. Dệt chiếu bắt buộc phải có 2 người, một người dập go, bắt mép chiếu, một người văng cói vào đường dệt. Ở công đoạn này, dập go phải đều tay, văng cói phải linh hoạt. Khi chiếu được dệt xong, người thợ tháo chiếu ra khỏi giàn, dùng một dụng cụ được gọi là thanh ghim, ghim lại những đoạn cói thừa vào mặt trái; đây cũng là công đoạn cuối cùng để người thợ hoàn thành phần thô của chiếc chiếu.
Các công đoạn trong chu trình dệt chiếu đều rất phức tạp và kỳ công nên những người thợ dệt chiếu ở Xuân Dục phải phối hợp với nhau ăn ý, nhịp nhàng và cẩn thận. Hiện nay, sản phẩm chính được sản xuất nhiều nhất ở Xuân Dục là chiếu đậu và chiếu in. Chiếu đậu Văn Đoan là loại chiếu cao cấp màu trắng, dày, không in hoa văn, chủ yếu để phục vụ các lễ hội truyền thống, các dịp cưới hỏi nên dệt cần nhiều kỹ thuật và công sức. Những sợi cói dùng để dệt chiếu đậu phải tròn, săn, cân đối gốc ngọn, nhiều cật, ít ruột và màu trắng xanh. Đay phải là đay lụa bánh tẻ, xe nhỏ, săn, chắc được đặt làm riêng từ những hộ xe đay có tay nghề cao. Chiếu đậu cao cấp đòi hỏi kỹ thuật dệt tỉ mỉ, chắc tay nên một ngày người thợ chỉ dệt được từ 2-2,5 chiếc. Chiếu in có thời gian hoàn thành ngắn hơn chiếu đậu vì được dệt lỏng tay hơn. Sau khi dệt xong, chiếu trắng thông thường sẽ có thêm một công đoạn nữa là in hoa văn lên mặt chiếu. Khuôn in hoa văn là khuôn đồng chạm thủng mô tả các họa tiết như: hoa trái, chữ, hình và năm sản xuất… Người thợ đặt khuôn lên tấm chiếu trắng trải trên phản gỗ, lấy chổi sơn quét lên khuôn để in hoa văn. In xong, người thợ đưa chiếu đến lò hấp. Chiếu sau khi được đem hấp sẽ bóng hơn, đẹp hơn, có giá trị thẩm mỹ cao. Loại chiếu này thường được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày trong mỗi gia đình. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Những năm 1999, 2000 trở về trước là thời “hoàng kim” của chiếu đậu. Thời điểm đó, trong thôn có khoảng 1.000 hộ dân, nhà nào cũng 2 dàn làm, chưa kể làm khoán, trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm chiếu cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngày nay, nghề dệt chiếu ở Xuân Dục không còn nhộn nhịp, sôi động như trước do tác động của kinh tế thị trường cùng với sự du nhập của các loại chiếu nhựa, chiếu trúc, chiếu làm bằng máy nhưng làng nghề Xuân Dục vẫn còn những người thợ dệt chiếu bền bỉ làm nghề, giữ nghề, truyền nghề. Xác định sử dụng sản phẩm truyền thống vẫn đang được nhiều người tiêu dùng ưa thích, nghề sản xuất chiếu cói là giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nên chính quyền địa phương đã chú trọng việc giữ gìn nghề truyền thống của làng. Làng nghề hiện có khoảng 180 hộ tham gia nghề sản xuất chiếu cói. Ngoài số hộ có điều kiện đầu tư máy móc để làm chiếu, các hộ gia đình vẫn giữ nếp dệt chiếu cói thủ công truyền thống, dù công việc lời lãi chẳng được là bao, song họ vẫn nặng lòng, miệt mài “giữ lửa” nghề dệt chiếu truyền thống của làng./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh