Với sự xuất hiện ngày càng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh hợp tác chuyển giao, đầu tư ứng dụng công nghệ mới để gia tăng hàm lượng KHCN cho sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thắng Lợi (thành phố Nam Định) thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng các sản phẩm đúc. |
Trong chương trình, kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030, các ngành, các địa phương đều chú trọng đưa ra mục tiêu, yêu cầu thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới để tranh thủ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hiện tại của địa phương, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ… Tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhất là thu hút đầu tư, để xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới hiện đại và thu hút các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp có năng lực công nghệ hiện đại. Quan tâm ưu tiên tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp hiện đại như cơ khí chế tạo, vật tư, thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, dược phẩm, hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt – may… và một số ngành công nghiệp có thế mạnh.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp làng nghề, củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới. Đáng kể, trong thực hiện nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các sở, ngành và đơn vị liên quan đã hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới để sản xuất, chế tạo các chi tiết sản phẩm, nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu như: nấu luyện thép hợp kim chất lượng cao với giá chỉ bằng 40-50% giá hàng cùng loại nhập khẩu; ép thủy lực song động để sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu (gạch không nung) với công suất dây chuyền đạt 10 triệu viên/năm đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2011; sản xuất muối sạch với dây chuyền công nghệ hiện đại có công suất mỗi năm 22 nghìn tấn muối tinh và 10 nghìn tấn muối sấy; chế tạo máy chế biến lâm sản phay mộc đa năng PĐN-5 cung cấp cho các tỉnh trên cả nước; sản xuất lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO đốt rác bằng không khí tự nhiên phục vụ cư dân khu vực nông thôn… Các chương trình, hoạt động hỗ trợ này đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc thay thế dần các dây chuyền công nghệ nhập khẩu trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp cơ khí.
Nhiều doanh nghiệp đã tiếp thu, làm chủ công nghệ chế tạo tự động hóa; ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (vật liệu kim loại và hợp kim tiên tiến), vật liệu phục vụ ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu tái chế trong xây dựng công trình giao thông, composit… Điển hình là Công ty TNHH Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) áp dụng giải pháp chuyển đổi số với sự kết hợp nhiều công nghệ như sử dụng lò luyện nhiệt liên tục tự động và giải pháp internet vạn vật IoT đã giúp tiết kiệm điện, giảm gần 40% so với trước khi áp dụng; đồng thời giảm nhân lực vận hành và góp phần tăng năng suất, an toàn lao động trong nhiệt luyện. Đây cũng là nền tảng để công ty xây dựng nhà máy thông minh 4.0 trong tương lai. Ngoài ra, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KHCN là: Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) và Công ty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) đang thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong tỉnh trong giai đoạn vừa qua có sự cải thiện đáng kể về trình độ công nghệ, tuy nhiên vẫn chưa cao. Các doanh nghiệp đã tích cực triển khai hoạt động mua sắm thiết bị, cải tiến toàn bộ hoặc một phần dây chuyền công nghệ, dần thay thế các dây chuyền công nghệ đã cũ song hiệu suất sử dụng, năng lực vận hành dây chuyền công nghệ vẫn đang ở mức trung bình. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH và CN), Nam Định có 63% số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ tích hợp tự động hóa, tự động hóa hoàn toàn và cơ khí chính xác; 36% doanh nghiệp vẫn sử dụng dây chuyền công nghệ cơ khí kết hợp với sản xuất thủ công. Có 64,6% số thiết bị, máy móc của doanh nghiệp tại Nam Định đang sử dụng được mua/nhập từ những năm 2011 trở lại đây, còn lại khoảng 27,2% số thiết bị, máy móc đã được sử dụng và nhập cách đây khoảng 20 năm. Trải qua quá trình hoạt động sản xuất, nhiều thiết bị đã hao mòn, giảm năng lực song chỉ có 55% doanh nghiệp cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất để phù hợp với tiêu chuẩn cũng như hiệu quả sản xuất; 20% số thiết bị máy móc của các doanh nghiệp vẫn nguyên trạng, hoạt động tốt; còn lại 25% số dây chuyền công nghệ bị giảm sút về khả năng hoạt động ở mức từ 10-30%. Các hoạt động chuyển giao công nghệ qua các năm cho thấy số lượng doanh nghiệp thực hiện chuyển giao, ứng dụng công nghệ đạt mức thấp và số lượng công nghệ được chuyển giao qua từng năm cũng ở mức thấp…
Theo chỉ tiêu về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 tăng 15%/năm và giai đoạn 2026-2030 tăng 20%/năm số doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ 8 doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ 80 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chủ lực, nhất là trong vùng kinh tế ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ 50 doanh nghiệp hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng nông thôn…
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch và xúc tiến đào tạo đội ngũ nhân lực KHCN đáp ứng về số lượng, cơ cấu, chất lượng, đảm bảo cho nhu cầu phát triển về kinh tế – xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư cho Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN; thành lập các Vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo công nghệ. Hoàn thiện các cơ chế chính sách đào tạo, sử dụng, thu hút, đãi ngộ các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại Nam Định. Thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ứng dụng, chuyển giao, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của sản phẩm; trọng tâm là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, kinh tế biển. Thực hiện các Chương trình tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng, phát triển tài sản trí tuệ. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương để hỗ trợ xuất khẩu. Từng bước hình thành và phát triển thị trường KHCN phục vụ chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh