Trong kỷ nguyên số, khi mà các thể loại sách nói, sách điện tử lên ngôi, sách in vẫn không hề bị lãng quên mà vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa đọc. Vẫn có số lượng lớn người yêu sách quan tâm sưu tầm những cuốn sách viết tạo nên nét văn hóa rất riêng giữa nhịp sống, văn hoá thời đại công nghệ.
Khách hàng phấn khởi khi tìm được cuốn sách cũ yêu thích tại Nhà sách Mạnh Thủy (thành phố Nam Định). |
Dạo qua những hiệu sách cũ trên địa bàn thành phố Nam Định, đặc điểm dễ nhận thấy là những cửa hàng bán sách cũ luôn nép mình bên góc đường, trong các con ngõ nhỏ với tấm biển cũ kỹ, khiêm nhường. Bước vào nơi đây, người đọc sẽ được gặp muôn hình vạn trạng các loại sách được in cách đây vài năm, vài chục năm hay có khi lên tới cả trăm năm. Những cuốn sách được chuyền tay qua bao người, bao thế hệ; càng cũ, càng có giá trị. Nằm trên con ngõ nhỏ trên phố Lê Hồng Phong, cửa hàng sách cũ Mạnh Thủy chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông nhưng lúc nào cũng đông khách. Với đủ loại sách từ sách giáo khoa, sách tham khảo đến sách văn học, ngoại ngữ, nghiên cứu, lịch sử, từ điển, tiểu thuyết, báo, tạp chí… trong đó, nhiều cuốn sách xuất bản cách đây vài chục năm, giấy đã chuyển sang màu nâu xỉn, gáy rách sờn nhưng vẫn được chủ cửa hàng bảo quản cẩn thận để không bị mối mọt. Dù là sách cũ nhưng vẫn theo kiểu “cũ người, mới ta” nên tiệm sách cũ Mạnh Thủy hàng ngày vẫn luôn có nhiều người tìm đến. Đến đây mua sách văn học, nghiên cứu, lịch sử đa phần là người lớn tuổi, họ tìm lại quá khứ, những cuốn sách một thời đã qua. Học sinh đến tìm mua truyện tranh, từ điển và sách giáo khoa. Người tầm trung tuổi mua tiểu thuyết, sách văn học, nghiên cứu… Để tìm được một cuốn sách cũ ưng ý không phải điều đơn giản với mỗi độc giả. Sách cũ tuy có giá trị lớn lao về mặt tư liệu nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… nhưng lại không có nguồn nào nhất định, hầu hết là những cuốn sách được nhiều gia đình bán lại hoặc người sưu tầm thu mua từ… đồng nát. Vì thế người mua cũng phải cực kỳ có duyên.
Theo những người mê sách cũ, những bản dịch cũ được thực hiện bởi những dịch giả chuyên nghiệp, lối văn phong lạ lẫm cuốn hút. Những người dịch trước thường là các nhà văn, nhà thơ… nên câu chữ không bị bó hẹp trong tư duy lối mòn, cũng vì thế mà giàu cảm xúc hơn. Sách càng cũ càng có giá trị bởi từng được thực hiện bởi những dịch giả danh tiếng. Chúng tôi gặp bác Trần Văn Toán, nhà ở đường Phù Nghĩa đạp xe đến hiệu sách để tìm cuốn Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim xuất bản năm 1949. Đây là cuốn sách bác Toán đã dặn nhà sách từ nhiều tháng trước mà chưa tìm được. Ngoài ra, bác Toán rất mong muốn tìm được bản truyện “Đôi lứa xứng đôi” được xuất bản vào những năm 1940 hay tập truyện “The Godfather” (Bố già) đầu tiên được dịch tại Việt Nam. Bác Toán cho biết: “Tôi có niềm đam mê đọc sách từ ngày còn trẻ và hiện giờ tôi cũng đã sưu tầm được khá nhiều sách quý từ những hiệu sách cũ. Những cuốn tôi đang mong muốn tìm cũng được nhiều người khao khát sở hữu nhưng tôi không nản. Cứ chịu khó tìm biết đâu một ngày không xa tôi sẽ mua được, như vậy thì vui lắm”.
Chị Phạm Hằng đang là giáo viên Ngữ Văn tại một trường THCS ở huyện Hải Hậu nhưng cứ khi có thời gian chị lại tìm lên thành phố Nam Định để tìm những cuốn sách cũ yêu thích từ khi còn là sinh viên. Chị cho biết: Những cuốn sách chị thích phần lớn đã tái bản như cuốn tiểu thuyết: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Kiêu hãnh và định kiến” hay “Thép đã tôi thế đấy”… nhưng cầm quyển sách cũ người đọc cảm nhận thời gian như quay trở lại đầy cảm xúc và kỷ niệm. “Những cuốn sách này đã phần nào làm giàu có cho tâm hồn của tôi mà còn giúp tôi trân quý những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, có thêm kiến thức trong cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện đôi lứa, những trang sách kinh điển còn phản ánh cả một bộ mặt xã hội với các mối quan hệ rối ren và cách các nhân vật trong đó xử lý những tình huống. Những cuốn sách cũ rời phố về quê, góp thành những gương mặt thân quen trên bàn học một thời của tôi” – chị Hằng chia sẻ.
Không chỉ người lớn tuổi mà còn có rất nhiều học sinh, sinh viên đến hiệu sách cũ tìm mua sách giáo khoa, tài liệu phục vụ cho học tập và những quyển truyện tranh, truyện ngắn cũ. Em Nguyễn Văn Đức, học sinh lớp 11 cho biết: “Em rất muốn tìm mua tập truyện “Tứ quái” bản cũ cho em trai mình mà các cửa hàng đều không có. Đây là bộ truyện trinh thám của thiếu nhi được xuất bản năm 1979. Truyện in mới thì có nhiều và giá khá cao, từ 600 nghìn đến gần 2 triệu đồng tùy bản, nên em muốn tìm sách cũ vừa rẻ vừa cùng em trai mình trở lại tuổi thơ trong những trang truyện còn in màu giấy cũ”. Nhiều ông bố, bà mẹ cũng cho biết, họ đưa con đi tìm sách cũ không chỉ thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân và vì giá sách cũ “mềm” hơn, các đầu sách đa dạng, có thể thoải mái lựa chọn, mà còn muốn con của mình cảm nhận được không gian và cả sắc màu thời gian của những cuốn sách cũ.
Trong không gian của những hiệu sách cũ, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng trật tự xem sách, cẩn thận lật, nâng niu những trang sách đã nhuốm màu thời gian. Giá bán sách cũ ở đây cũng rất phù hợp được tính theo cân hoặc bán lẻ, giá rẻ nhất khoảng 7.000-8.000 đồng, cao nhất cũng chỉ vài chục nghìn hoặc hơn 100 nghìn đồng mỗi cuốn. Có những cuốn sách quý, sách cổ in bằng giấy rơm có thể lên đến 300-400 nghìn đồng/cuốn/bộ. Các chủ nhà sách cho biết, vào đầu năm học mới, sách giáo khoa cũ bán vẫn “chạy” nhất. Nếu sách cũ các loại bán theo cân thì những bộ sách giáo khoa cũ lại được bán giảm giá từ 40-50% so với sách giáo khoa mới. Từ đầu năm đến nay, cửa hàng sách cũ Mạnh Thủy đã bán được 57 tấn sách cũ, trong đó có cả sách giáo khoa. Khách hàng của cửa hàng ở khắp trong tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước.
Sách xưa dẫu thiết kế đơn giản, cũ kỹ, cổ điển nhưng với những người yêu sách, tìm về sách cũ cũng đồng thời là sự tìm về những kỷ niệm, quá khứ. Đó có thể là những cuốn sách ngày xưa được một ai đó tặng hay những cuốn sách đã từng “nghiện” trong quá khứ, cảm thấy tâm đắc và giờ đến hội sách cũ để tìm, mua lại những kỷ niệm xa xưa. Những quyển sách cũ, nhàu nát tưởng như chỉ bằng tiền vài cân giấy vụn nhưng việc tìm kiếm và lưu giữ sách cũ nó không chỉ là một thú vui mà đó còn là cách gìn giữ kiến thức một cách rất trân trọng.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/giatri-tu-nhung-trang-sach-cu-242424f/