Thấu chi là dịch vụ đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) cung cấp, cho phép khách hàng chi tiêu vượt quá số tiền thực có trong tài khoản, đáp ứng nhu cầu khi cần chi tiêu gấp nhưng không có đủ tiền trong tài khoản, giúp người dân không phải tìm đến các kênh “tín dụng đen” khi có nhu cầu cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, hiện nay đối tượng vay thấu chi đã được mở rộng hơn, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng và đặc biệt lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, với việc tích hợp công nghệ và kiểm soát tốt dữ liệu khách hàng, nhiều ngân hàng đang thúc đẩy mạnh các sản phẩm cho vay thấu chi, cho vay trực tuyến linh hoạt đối với cá nhân và doanh nghiệp giúp dòng vốn chảy tốt hơn vào nền kinh tế.
Các sản phẩm vay thấu chi đa dạng, giải ngân dễ dàng giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh cuối năm. (Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xưởng Hà Tươi, thị trấn Ngô Đồng – Giao Thủy). |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định và Bắc Nam Định vừa đồng loạt tung ra 6 gói sản phẩm cho vay thấu chi phù hợp với từng nhóm khách hàng. Trong đó, khách hàng không quá 70 tuổi hoặc không có nợ quá hạn (từ nhóm 2 trở lên) sẽ được ngân hàng xem xét cho vay thấu chi tối đa 12 tháng với hạn mức đa dạng. Cụ thể, đối với nhóm khách hàng cá nhân vay theo thu nhập từ tiền lương, ngân hàng này cấp hạn mức thấu chi tối đa 800 triệu đồng. Trường hợp khách hàng có tài sản đảm bảo bằng trái phiếu (Agribank phát hành), có số dư tiền gửi tại ngân hàng này hoặc thế chấp bất động sản, ngân hàng cho vay linh hoạt dựa trên nhu cầu vay vốn và kết quả định giá tài sản. Hạn mức tối đa các khoản vay này có thể đạt 5 tỷ đồng/khách hàng cá nhân, hoặc 50% giá trị tài sản bảo đảm. Đối với khách hàng pháp nhân (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác), Agribank cũng áp dụng điều kiện vay tương tự, nhưng hạn mức cao hơn, tối đa 20 tỷ đồng (đối với nhóm khách hàng pháp nhân có tài sản bảo đảm là trái phiếu của Agribank hoặc số dư tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng) và 5 tỷ đồng (đối với nhóm doanh nghiệp có tài sản đảm bảo là bất động sản).
Không chỉ Agribank, nhiều NHTM khác đều đã tung ra các sản phẩm cho vay thấu chi với hạn mức và thời hạn cho vay linh hoạt. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Nam Định mới đây đã phối hợp với VNPT Money triển khai chương trình cho vay thấu chi có khuyến mại hoàn tiền khi thanh toán không dùng tiền mặt, hạn mức tối đa 200 triệu đồng/khoản vay. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định triển khai nhiều ưu đãi cho khách hàng là cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước với hạn mức cho vay thấu chi tối đa 500 triệu đồng/người. Techcombank có sản phẩm cho vay thấu chi không có tài sản đảm bảo cho phép các khách hàng ưu tiên được vay thấu chi tối đa 150 triệu đồng không cần chứng minh thu nhập. Trong khi đó, MB, ACB… cũng đang có các sản phẩm tương tự. Hạn mức vay thấu chi online tối đa qua ứng dụng điện thoại thông minh của MB là 50 triệu đồng; ACB là 100 triệu đồng.
Chị Lê Diệp Anh trú tại phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) là kế toán Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Tiến Đạt cho biết: “Tiền lương được trả qua tài khoản ngân hàng, cơ bản đủ chi tiêu những việc trong gia đình. Để phòng khi có việc gấp phải dùng đến số tiền lớn hay mua sắm thêm đồ gia dụng, tôi đã chủ động chọn gói vay thấu chi với hạn mức 50 triệu. Vay thấu chi có lãi suất rất linh hoạt, ví dụ tôi có hạn mức 50 triệu, nhưng tháng này tôi chỉ tiêu 5 triệu thì chỉ phải trả lãi cho 5 triệu. Tháng sau tôi dùng bao nhiêu, tôi trả lãi suất bấy nhiêu. Tôi có thể sử dụng gói vay này bất cứ lúc nào”. Còn anh Nguyễn Trường Giang trú tại phường Bà Triệu đang trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà mới. Để có tiền mua sắm trang thiết bị, anh vay thấu chi của ngân hàng 30 triệu. Với số tiền này, hàng tháng anh chỉ phải trả khoảng 200 nghìn đồng tiền lãi, việc trả lãi cũng rất tiện lợi. Anh Giang cho biết: “Số lãi này sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản trả lương của tôi. Việc trừ trực tiếp sẽ giúp khách hàng không bị quên việc trả lãi cho ngân hàng, tiết kiệm thời gian đi lại, tiện lợi cho khách hàng”.
Hiện có nhiều hình thức vay thấu chi như: vay tín chấp, vay thế chấp, vay thấu chi thẻ tín dụng, vay thấu chi trực tuyến, vay thấu chi tài khoản tiết kiệm. Tùy vào thu nhập và điều kiện của người dân sẽ có các hình thức vay thấu chi khác nhau. Tại một số ngân hàng, khách hàng không quá 70 tuổi hoặc không có nợ quá hạn sẽ được ngân hàng xem xét cho vay thấu chi tối đa 12 tháng với hạn mức đa dạng. Nếu trước kia, đối tượng vay thấu chi là cán bộ công tác tại các đơn vị có trả lương qua ngân hàng, thì nay đã mở rộng cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vay vốn để sản xuất. Ngoài ra, cá nhân có tài sản thế chấp là bất động sản tại các khu đô thị cũng có thể vay thấu chi với hạn mức lên tới 2 tỷ đồng. Với mỗi đối tượng vay vốn, ngân hàng sẽ xây dựng những hạn mức khác nhau dựa trên 2 yếu tố: nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của khách hàng đảm bảo có thể trả nợ được. Vì hạn mức linh hoạt, chỉ cần đăng ký một lần và sử dụng trong một năm nên người vay cần lưu ý nộp đủ tiền vào tài khoản để trả nợ đúng hạn. Nếu có nhu cầu vay vốn tiếp, ngân hàng sẽ tiếp tục xây dựng hạn mức mới, tránh để rơi vào nợ xấu.
Theo các chuyên gia ngành Ngân hàng, các điều kiện cho vay thấu chi sẽ đơn giản hơn các loại hình cho vay khác. Lãi suất cho vay thấu chi cũng là một trong những mức lãi suất ưu đãi mà khách hàng cảm thấy hấp dẫn, đồng thời hình thức sử dụng thấu chi là hình thức sử dụng vốn khá linh hoạt trong việc khách hàng có thể linh động và gần như tự chủ động được việc sử dụng vốn của mình. Thông thường, ngân hàng sẽ căn cứ vào nguồn thu nhập của khách hàng để xác định hạn mức và nhu cầu khách hàng mong muốn. Ngoài ra với khách hàng là cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vay để kinh doanh, ngân hàng sẽ dựa trên hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng, nhu cầu thực tế của khách hàng đang cần vốn như thế nào thì cán bộ sẽ xây dựng hạn mức phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.
Với xu hướng phát triển nhanh của các hệ sinh thái ngân hàng số, hoạt động cạnh tranh trong mảng tín dụng tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối các thông tin khách hàng liên quan đến nghĩa vụ tài chính (thuế, phí) cũng như các dữ liệu về dòng tiền của khách hàng sẽ là nền tảng để các ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ hoặc đối tác thứ ba kết hợp, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính tín dụng tiện lợi theo hướng giao dịch trực tuyến, cho vay thấu chi, cho vay không cần tài sản đảm bảo, kể cả các khoản vay có giá trị lớn giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, đáng tin cậy, giảm thiểu rủi ro vay lãi ngoài, gặp “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và xã hội./.
Bài và ảnh: Đức Toàn