Tính đến tháng 9-2023, toàn tỉnh có 518 hợp tác xã (HTX), trong đó 390 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và quy trình sản xuất hiện đại, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, các HTX trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập cho HTX và các thành viên.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hội viên nông dân xã Giao An (Giao Thủy). |
Các HTX thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong và ngoài tỉnh… Trong lĩnh vực trồng trọt, thành viên HTX đã áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp); tăng cường bón phân hữu cơ, xây nhà lưới bảo vệ cây trồng để hạn chế dùng thuốc hóa học diệt sâu bệnh; thực hiện thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đúng nơi quy định. Tiêu biểu như HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) sản xuất sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX có 8 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh; đồng thời chế biến rơm rạ, sản xuất tiêu thụ phân hữu cơ vi sinh theo công nghệ Nhật Bản. HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) xây dựng nhà lưới thông minh với hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất các loại hoa cao cấp; đầu tư kho lạnh để bảo quản hoa. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) với chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo chất lượng cao, đã xây dựng vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha với hơn 50 hộ dân tham gia. HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân (Giao Thủy) tập trung sản xuất nông nghiệp theo quy trình tuần hoàn chất lượng cao, có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao…
Trong chăn nuôi, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nhiều HTX thực hiện sản xuất theo mô hình khép kín, sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo quy định. Chuồng trại chăn nuôi của các hộ thành viên HTX được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên để tránh gây ô nhiễm nguồn không khí, hạn chế dịch bệnh; chất thải được tập trung đúng nơi quy định, xử lý vi sinh thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt. Điển hình như HTX chăn nuôi sinh học Trực Thái (Trực Ninh) thường xuyên chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về chăn nuôi, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đầu tư máy chế biến hiện đại và chuẩn bị nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường để chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. HTX cũng đã xây dựng quy trình giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo theo quy trình VietGAP, cung ứng ổn định cho hàng chục chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ngoài ra phải kể đến HTX chăn nuôi Long Phú, xã Hợp Hưng (Vụ Bản); HTX chăn nuôi Thịnh Phát, xã Yên Bình, HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với mô hình chuồng trại thông minh… Trong nuôi trồng thủy sản, các HTX chuyển hướng từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh, chú trọng áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp và nuôi trồng chế biến thủy sản An Hòa, xã Hải Đông (Hải Hậu); HTX Chí Thiện, xã Giao Thiện (Giao Thủy) phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi; HTX nông nghiệp và thủy sản Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) với mô hình nuôi ốc hương công nghệ cao…
HTX dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu) phát triển mô hình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Để hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, Liên minh HTX tỉnh đã quan tâm tư vấn, hướng dẫn xây dựng, phát triển các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Nhiều HTX đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, quy hoạch được những vùng cánh đồng lớn, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập gia tăng cho HTX và thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 78 HTX thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với 126 chuỗi cho các hộ thành viên; 26 HTX ứng dụng công nghệ cao. Trong các năm 2022-2023, tỉnh đã tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của địa phương tại hội nghị giao thương kết nối cung cầu tổ chức tại thành phố Nam Định; hỗ trợ các HTX như: HTX thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản), HTX thanh niên Đại Dương, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng), HTX nông sản sạch Hải Hậu, xã Hải Toàn (Hải Hậu), HTX chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái (Trực Ninh) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương với các đối tác trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ HTX Khang Tường, xã Giao An (Giao Thủy) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thương mại khu vực Bắc Trung Bộ – Quảng Bình, hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình, Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc tổ chức tại Nam Định… Tỉnh cũng đã thành lập Hiệp hội Nông sản sạch và đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, HTX, trang trại giao lưu, giới thiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hàng hóa.
Nhờ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội cho HTX và các thành viên, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng