Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện
Sáng 8/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết đường dây 500kV mạch 3.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại hội nghị – Ảnh: Cấn Dũng |
Chia sẻ tại hội nghị về việc tổ chức triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đường dây 500kV mạch 3, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cho biết, các dự án đường dây 500kV mạch 3 có tổng chiều dài khoảng 519 km, điểm đầu là Trung tâm điện lực Quảng Trạch thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phố Nối thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên.
Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuộc 2 dự án thành phần đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa và Nam Định I – Thanh Hóa có tổng chiều dài 132,78 km với 299 vị trí cột và 137 khoảng néo, đi qua 11 huyện/thị, tổng diện tích đất thu hồi là 34,45ha, ảnh hưởng đến 1361 hộ dân và tổ chức, 101 hộ dân phải di dời tái định cư.
Cụ thể như sau, đoạn tuyến thuộc dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có chiều dài 74,6 km với 166 vị trí cột, 82 khoảng néo, đi qua địa bàn các huyện thị gồm: Thị xã Nghi Sơn (42VT), huyện Như Thanh (11VT), Nông Cống (66VT), Triệu Sơn (17VT), Đông Sơn (12VT), Thiệu Hóa (18VT).
Tổng diện tích đất thu hồi là 23,75ha. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất và hành lang an toàn: 879 hộ, trong đó: tại vị trí móng có 483 hộ và hành lang an toàn có 396 hộ. Số 50 hộ dân phải di dời tái định cư, trong đó: có 22 hộ tự TĐC phân tán và 28 hộ TĐC tập trung.
Đoạn tuyến thuộc dự án đường dây 500kV Nam Định I – Thanh Hóa có chiều dài 58,18 km với 133 vị trí cột, 55 khoảng néo, đi qua địa bàn các huyện Nga Sơn (55VT), Hà Trung (12VT), Hậu Lộc (30VT), Hoằng Hoá (4VT), Yên Định (4VT), Thiệu Hoá (28VT). Tổng diện tích đất thu hồi là 10,7ha, ảnh hưởng đến 482 hộ dân và tổ chức, 51 hộ dân phải di dời tái định cư.
Đoạn tuyến đường dây 500kV mạch 3 trên địa bàn Thanh Hóa đi qua nhiều khu dân cư, đất canh tác trồng cây nông nghiệp, đất trồng lúa, đất ở và qua nhiều vùng, địa phương người dân có tập quán văn hóa khác nhau.
Theo ông Nguyễn Doãn Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện đầu tư các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên): “Các tỉnh phải tập trung để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bao gồm vị trí móng, hành lang tuyến và mặt bằng triển khai công trình tạm phục vụ thi công theo đúng thời hạn cam kết”, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.
Nêu cụ thể, ông Nguyễn Doãn Anh cho hay, về công tác chỉ đạo, điều hành: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, đồng thời giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chịu trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, với mục tiêu bàn giao kịp thời mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công các dự án theo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tổ chức thực hiện: Định kỳ, đột xuất họp với chủ đầu tư và các bên liên quan, sau mỗi cuộc họp đều có văn bản thông báo về kế hoạch triển khai các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, các mốc tiến độ từng hạng mục công việc, các khó khăn vướng mắc và cách thức phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, xác định cụ thể việc nào là của địa phương, việc nào là của chủ đầu tư để từ đó các bên phối hợp triển khai đồng bộ.
Các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các bên liên quan tổ chức thực hiện song song, đồng thời các khâu, các bước trong công tác giải phóng mặt bằng gồm: Đo đạc bản đồ trên thực địa, kết hợp với điều tra, quy chủ, xác định nguồn gốc sử dụng đất, thu thập các giấy tờ pháp lý của thửa đất.
Theo quy định phải có thiết kế kỹ thuật được duyệt thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới phê duyệt bản đồ địa chính, để đẩy nhanh tiến độ, cho phép Chủ đầu tư thực hiện đo đạc thực địa, công khai kết quả đo đạc, đo đạc đến đâu mời đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực địa ngay đến đó để đến khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt thì có thể ký phát hành ngay bản đồ địa chính.
Tổ chức triển khai kê kiểm đồng loạt trên đoạn tuyến: huy động tối đa nhân lực phối hợp với Chủ đầu tư tổ chức thành nhiều tổ để thực hiện kê kiểm đồng loạt trên tất cả các huyện xã.
Bên cạnh đó, chỉ đạo công an xã kịp thời xác định nhân hộ khẩu của từng hộ gia đình. Đối với các người dân vắng mặt tại địa phương không bố trí được thời gian, công việc trở về làm các thủ tục, cán bộ tư pháp xã tổ chức đến tận nơi người dân sinh sống để lấy thông tin, ký hồ sơ; hỗ trợ tiền tàu xe để hộ dân về địa phương nếu có nhu cầu.
Tổ chức họp dân, công khai dự án, các tài liệu liên quan, kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tính chất quan trọng, cấp thiết của các dự án để người dân đồng thuận, ủng hộ, sớm bàn giao giao mặt bằng.
Theo quy định, các dự án sẽ mất nhiều thời gian cho công tác lập, duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tỉnh đã cho phép chủ đầu tư lập sơ bộ phương án bồi thường theo chính sách, đơn giá hiện hành của tỉnh, thực hiện tạm ứng trước tiền theo phương án cho các hộ dân để tiếp nhận mặt bằng thi công, sau đó hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi khung chính sách được phê duyệt.
Đối với các vị trí móng cột nằm trong rừng: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng phối hợp, hỗ trợ Chủ đầu tư cung cấp hồ sơ liên quan, tạo điều kiện cho phép mở đường công vụ, công trình tạm vào thi công trước các vị trí móng để đảm bảo tiến độ. Đồng thời phối hợp Chủ đầu tư báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ xem xét điều chỉnh bổ sung các quy định hướng dẫn về đường tạm thi công qua rừng.
Thi công Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá (Ảnh Đình Dũng) |
Tạo được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân
Về kết quả thực hiện, Bí thư tỉnh Thanh Hóa thông tin, theo quy định hiện hành, trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải trải qua nhiều bước, nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, thông thường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án tương tự phải mất từ 2 – 3 năm mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, đối với các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong vòng 7 tháng, đảm bảo đáp ứng tiến độ thi công trên công trường.
Cụ thể như sau: Đoạn tuyến thuộc dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa hoàn thành bàn giao mặt bằng móng cột ngày 4/3/2024, hành lang tuyến ngày 30/5/2024; đoạn tuyến thuộc dự án đường dây 500kV Nam Định I – Thanh Hóa hoàn thành bàn giao mặt bằng móng cột ngày 15/2/2024, hành lang tuyến ngày 30/4/2024.
“Đây là thành tích nổi bật về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, là một trong rất ít các Dự án thực hiện rất tốt, rất nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đã tạo được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân nên không phải thực hiện các biện pháp hành chính để bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất” – ông Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra, động viên lực lượng lao động thi công đường dây 500kV mạch 3 tại Thanh Hoá |
Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp
Chia sẻ bài học kinh nghiệm, ông Nguyễn Doãn Anh cho rằng, sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành; sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương từ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh được giao phụ trách, các Sở ban ngành đến chính quyền các cấp huyện/xã và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng của các dự án. Sự phối hợp, hỗ trợ chủ động, kịp thời giữa các cấp chính quyền địa phương với chủ đầu tư và các bên liên quan.
Cùng với đó, làm tốt công tác dân vận, tạo sự ủng hộ của người dân: Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội địa phương từ thôn, xã, huyện phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư đã đến từng nhà, rà từng tên để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đồng thuận, đồng sức, đồng lòng hỗ trợ việc thi công.
Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, quan tâm, giải quyết thấu đáo nguyện vọng của người dân, các vướng mắc, kiến nghị của các hộ dân được giải quyết kịp thời.
Vận dụng mọi cơ chế, chính sách để đảm bảo lợi ích của người dân, đồng thời minh bạch chế độ, chính sách và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, lấy việc giải thích, vận động, khuyến khích người dân ủng hộ dự án làm nòng cốt.
Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức xã hội. Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn viên thanh niên bám sát các hộ dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án, hỗ trợ người dân di dời, tháo dỡ công trình, di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới, hỗ trợ Chủ dự án chặt hạ cây cối, giải phóng hành lang an toàn, điều tiết giao thông…
Có những cách làm sáng tạo như kết hợp tuyên truyền, vận động trên mạng xã hội, các kênh truyền thông xã hội số. Ban dân vận các huyện, xã đều tổ chức các nhóm tuyên truyền, vận động trực tiếp.
Trung ương Đoàn đã tổ chức phát động “Đợt thi đua cao điểm 30 ngày, đêm tình nguyện vượt nắng, thắng mưa tham gia hỗ trợ công trình đường dây 500kV mạch 3”. Phát huy sức trẻ, xung kích, tình nguyện theo đúng tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Tỉnh đoàn Thanh Hóa thành lập 75 đội hình thanh niên tình nguyện với 1.500 đoàn viên, thanh niên thi công, tích cực tham gia hỗ trợ công tác vận động người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa vật kiến trúc, vận chuyển vật tư thiết bị, đảm bảo công tác an toàn giao thông trong quá trình thi công kéo dây.
Hội liên hiệp Phụ nữ các địa phương đã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà đồng thời hỗ trợ tổ chức công tác hậu cần, nơi ăn, chốn ở, đi lại của các lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia dự án.