Kỳ I: Những kết quả đáng ghi nhận
(tiếp theo và hết)
Kỳ II: Nhận diện “điểm nghẽn” và giải pháp tháo gỡ
Theo UBND tỉnh, trong phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh tuy có sự tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực thời gian qua còn một số bất cập. Nội lực, năng lực cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn hạn chế, khó khăn trong việc đầu tư mới, mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ. Tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư các dự án lớn vào các ngành công nghiệp trọng điểm. Mặc dù đã thu hút được số lượng đáng kể các dự án công nghiệp mới nhưng số dự án có quy mô lớn còn ít. Các dự án chủ yếu đầu tư vào một số ngành thế mạnh truyền thống của tỉnh như: dệt may, da giày, cơ khí; chưa thu hút được các dự án lớn đầu tư vào một số lĩnh vực tỉnh có tiềm năng như: chế biến nông, thủy, hải sản. Phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo sự liên kết phát triển giữa ngành, nghề có lợi thế của tỉnh như công nghiệp chế biến với ngành nông, lâm, thủy, hải sản; các nhóm ngành phụ trợ với ngành may mặc, ngành cơ khí; giữa vùng trồng nguyên liệu phục vụ trong ngành sản xuất dược chưa thực sự thống nhất. Trình độ thiết bị công nghệ còn ở mức độ nhất định, chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ trong sản xuất. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Tại hầu hết các ngành, bao gồm cả dệt may là ngành chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh, vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu và thị trường tiêu thụ nước ngoài khiến sản xuất bị động, chi phí cao, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị, kinh tế – xã hội trong và ngoài nước. Mức tăng trưởng của các ngành cơ khí, điện, điện tử còn thấp.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận sẵn sàng cung ứng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Bên cạnh đó, tỉnh chưa có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp. Giai đoạn từ 2012-2020 UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nam Định. Các cơ chế, chính sách khuyến khích khác hiện nay đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn, nhưng trình độ của một số học viên sau đào tạo của một số ngành nghề vẫn chưa đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp, khi tham gia vào quá trình sản xuất vẫn phải đào tạo lại. Cơ cấu đào tạo trước đây vẫn chú trọng đến lao động thủ công hoặc thực hiện một khâu đơn giản trong quy trình sản xuất, chưa có đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động thời gian qua còn hạn chế. Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất (dệt, may mặc, da giày).
“Điểm nghẽn” lớn nhất là cơ sở hạ tầng công nghiệp, đặc biệt hạ tầng giao thông đối ngoại, có nhiều bất lợi do xa các trục giao thông lớn, tỉnh chưa có các tuyến giao thông chiến lược kết nối với bên ngoài, dẫn đến việc kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn cũng như các cảng hàng không, cảng biển lớn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Đánh giá chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng các địa phương trong cả nước cho thấy, Nam Định có nhiều điểm bất lợi về cơ sở hạ tầng nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng giao thông đường bộ. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI đến địa phương.
Để khắc phục bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo bước chuyển dịch căn bản trong phát triển công nghiệp, tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở xây dựng chiến lược, chương trình hành động và các đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030; tiếp tục cập nhật để rà soát các nội dung phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương. Tỉnh xác định đến năm 2030 phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo, theo hướng có chọn lọc các lĩnh vực công nghiệp mà Nam Định đang có lợi thế, có ý nghĩa nền tảng; có khả năng tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị quốc gia. Duy trì và phát triển các ngành hàng truyền thống hiện có với 6 nhóm ngành hàng cụ thể như: Dệt may, cơ khí chế tạo và gia công kim loại, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu, sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu, sản xuất da, giày và các sản phẩm liên quan, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống.
Tỉnh cũng xác định các ngành hàng dự kiến đẩy mạnh phát triển gồm: Công nghiệp luyện thép và sản phẩm sau thép; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, điện khí, điện gió, chế biến khí, điện năng lượng mặt trời, điện rác…); công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp gắn với phát triển vùng kinh tế biển như luyện thép và sản phẩm sau thép; chế biến nông sản, thủy sản; điện gió, điện khí, chế biến khí; sản xuất vật liệu xây dựng. Lấy công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa là nền tảng chủ đạo; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu là trung tâm; công nghiệp thông minh là đột phá; công nghiệp xanh là hướng đi bền vững. Trên cơ sở phân bố không gian phát triển công nghiệp tập trung, tỉnh tiếp tục duy trì phát triển những ngành công nghiệp hiện có, chú trọng thu hút các dự án trọng điểm là động lực thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025, tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng đạt khoảng 48,5-49% tổng GRDP của tỉnh; đến năm 2030, dự kiến đạt khoảng 50-51% và tầm nhìn đến 2050 đạt khoảng 50-55%. Đến năm 2030, hình thành rõ các khu vực sản xuất công nghiệp, cụ thể: Khu vực thành phố và vùng lân cận ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Khu vực nông thôn khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; quan tâm đến các ngành công nghiệp phục vụ chế biến nông, lâm sản. Khu vực kinh tế biển phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, thu hút đa ngành nghề, đa lĩnh vực nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường và an ninh – quốc phòng. Trên cơ sở định hướng không gian phát triển công nghiệp, bố trí các khu, cụm công nghiệp (CCN) sản xuất tập trung cho phù hợp và hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất trong công nghiệp. Thời kỳ 2021-2030, tỉnh quy hoạch mới 8 KCN với diện tích là 1.454,80ha, nâng tổng số lên 12 KCN với tổng diện tích 2.546ha vào năm 2030. Tổng số CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là 70 CCN với tổng diện tích khoảng 3.133,5ha.
Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương: Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, thuỷ lợi trọng điểm có tính kết nối, liên kết vùng, làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định. Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất, các hoạt động cải tiến năng suất, chia sẻ thông tin, dữ liệu về năng suất phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; chú trọng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công nghiệp. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hoá, điện tử viễn thông nhằm đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy