Dự án cao tốc nối Ninh Bình – Hải Phòng qua Nam Định sẽ tạo động lực, không gian cho nền kinh tế – xã hội của tỉnh cất cánh trong thời gian tới.
Việc phê duyệt dự án tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng được đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định, góp phần tăng tính kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và các địa phương trong khu vực. Đồng thời, dự án giao thông huyết mạch cũng góp phần rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa.
Nhiều dư địa tăng trưởng
Được biết, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 31/10/2024 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Binh – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.
Hướng tuyến Dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Nam Định, Thái Bình |
Ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình, theo phương thức đầu tư công đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp thực hiện dự án) phê duyệt quyết định đầu tư”.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay là 19.149,257 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784,55 tỷ đồng. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, nền đường rộng 24,75 m, mặt đường cấp cao A1. Tuyến đường có chiều dài khoảng 60,9 km, đoạn qua Nam Định dài 27,6 km, quan Thái Bình dài khoảng 33,3 km.
Điểm đầu dự án ở Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), điểm cuối ở khoảng Km80+200 tại nút giao giữa Quốc lộ 37 và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trên tuyến chính của dự án có 23 cầu với tổng chiều dài trên 7.346 m (trong đó địa phận tỉnh Nam Định có 14 cầu với tổng chiều dài 3.894,13 m). Có 4 công trình cầu vượt ngang với tổng chiều dài 853,6 m (trong đó địa phận tỉnh Nam Định có 2 cầu là cầu vượt nút giao đường tỉnh 489 C và cầu vượt ngang tại vị trí Km33+445,07).
Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 538,44 ha. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028 do Tập đoàn Geleximco thực hiện.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối với các tuyến đường lớn như cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới và các trục phát triển kinh tế khác như đường trục kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến Nam Định – Lạc Quần, tuyến Thái Bình – Cồn Vành.
Dự án cũng giúp kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương Duyên hải Bắc Bộ.
Ông Phạm Gia Túc – Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh: “Tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng qua Nam Định, Thái Bình có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực phía Nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và các tỉnh Duyên hải vùng Đồng bằng sông Hồng. Việc đầu tư tuyến cao tốc cùng mở ra không gian phát triển mới cho phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng trong thời gian tới. Đồng thời, giúp giảm chi phí logistics và đảm bảo an toàn giao thông”.
Đánh giá những điểm cộng về lợi thế sau khi dự án đi vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Kiểm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh cho biết: “Việc đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối trong tỉnh cũng như với Hà Nội, cảng Hải Phòng, các tỉnh và thành phố lân cận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như chúng tôi rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong việc di chuyển, cận chuyển hàng hóa, kết nối giao thương”.
Tạo đà cất cánh
Ông Phạm Gia Túc thông tin thêm: “Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm” để tạo đà cho Nam Định cất cánh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Trước những lợi thế khi dự án đi vào hoạt động, thời gian qua, tỉnh Nam Định cũng đã tiếp tục thực hiện các công tác nhằm hiện đại hóa mạng lưới giao thông, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội của địa phương. Nam Định đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển (với chiều dài toàn tuyến là 33 km, có 8 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025), nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng)…
Các tuyến đường giao thông huyết mạch được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ mở ra động lực, không gian phát triển mới cho tỉnh Nam Định nói riêng và toàn khu vực |
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định). Đẩy nhanh tiến độ, thông xe cầu Bến Mới nối Nam Định với Ninh Bình và cầu Đống Cao vượt sông Đào, chuẩn bị thủ tục khởi công xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ…
Với chủ trương giao thông đi trước một bước, Nam Định đã và đang ưu tiên, huy động nhiều nguồn để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả kết nối nội và ngoại vùng, tạo động lực mới phát triển kinh tế – xã hội.
Việc đầu tư và hoàn thành dự án tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Nam Định – Thái Bình kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng, kết nối các trục phát triển kinh tế, tạo động lực cho Nam Định “cất cánh”.
Theo diendandoanhnghiep.vn
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202411/du-an-cao-toc-ninh-binh-hai-phong-tao-da-phat-trien-moi-cho-nam-dinh-3f14ab7/