Cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng là một trong những “đòn bẩy” đắc lực giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo hiệu quả, bền vững.
Được tiếp vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng, ông Nguyễn Văn Vinh ở đội 12, xã Nghĩa Hùng đã phát triển mô hình nuôi bò sinh sản hiệu quả, có thu nhập ổn định. |
Ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện bổ sung 600 triệu đồng, nâng số dư nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 2,850 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu nguồn vốn ngân sách địa phương được giao năm 2023. Từ nguồn vốn Trung ương giao và ngân sách huyện bổ sung, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đã nhanh chóng điều chỉnh nguồn phù hợp giữa các địa bàn, các chương trình theo quy định, tạo điều kiện cho nguồn vốn được giải ngân nhanh, giúp hàng nghìn hộ nghèo, các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống, giúp nhiều học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập.
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tích cực củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo quyết liệt trưởng các thôn, xóm phối hợp cùng Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách ngay từ cấp thôn, xóm. Các trưởng thôn/xóm, thường vụ hội, đoàn thể cấp xã đã trực tiếp cùng sinh hoạt, bình xét vốn vay ngay từ cấp cơ sở, tham gia việc quản lý, xác nhận đối tượng được vay vốn, phối hợp cùng ngân hàng, hội, đoàn thể các cấp tham gia công tác xử lý nợ đến hạn và nợ bị rủi ro. Đối với huy động tiền gửi của tổ viên tổ TK và VV, Phòng giao dịch đã phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác giao chỉ tiêu huy động đến Hội cấp xã, tổ TK và VV, chỉ đạo các tổ TK và VV tích cực tuyên truyền vận động tổ viên tham gia tiết kiệm định kỳ hàng tháng, vận động khách hàng nâng mức gửi định kỳ, tại buổi họp giao ban hàng tháng có đánh giá kết quả thực hiện cụ thể. Do vậy công tác huy động tiết kiệm qua tổ đã dần đi vào nề nếp, số dư tiền gửi của tổ viên tổ TK và VV tăng đều hàng tháng, hộ vay đã quen dần với việc tiết kiệm để trả nợ vay khi đến hạn nên đã tích cực, tự nguyện tham gia.
Đến hết tháng 10-2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 593,243 tỷ đồng với 15 nghìn khách hàng còn dư nợ. Doanh số giải ngân đạt 124,111 tỷ đồng với 2.608 lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách. Vốn tín dụng chính sách chủ yếu được giải ngân tập trung vào các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm. Một số xã tích cực tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi, khai thác đối tượng vay vốn nên có dư nợ cao như: Nghĩa Sơn dư nợ 50,212 tỷ đồng; Nghĩa Hải dư nợ 53,210 tỷ đồng; Nghĩa Lạc dư nợ 30,287 tỷ đồng; Nghĩa Thành dư nợ 24,304 tỷ đồng… Đến hết ngày 31-10-2023, tổng nợ xấu toàn huyện là 225 triệu đồng, chỉ chiếm 0,03% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định. 100% số tổ TK và VV, trên 98,8% số hộ đang có dư nợ tham gia gửi tiết kiệm, trong đó có 95% số hộ tham gia gửi định kỳ đều hàng tháng, mức gửi cũng được nâng lên từ 70 đến 100 nghìn đồng.
Tại xã Nghĩa Hùng, kinh tế nông nghiệp của các hộ gia đình ở vùng trũng ven đê của xã đã khởi sắc chuyển biến mạnh mẽ với động lực từ vốn tín dụng CSXH. Chị Cao Thị Thêm ở đội sản xuất 12 cho biết: “Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 99 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, tôi đã đầu tư gây dựng đàn vịt với 1.700 con vịt đẻ và hơn 4.000 con vịt thịt. Bình quân mỗi ngày gia đình chúng tôi cung ứng ra thị trường hơn 1.400 trứng vịt sạch cho các thương lái và lò ấp trứng xung quanh giúp đem lại thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng”. Không chỉ sử dụng hiệu quả vốn vay để thoát nghèo bền vững, chị Thêm còn là tổ trưởng tổ TK và VV tích cực, giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại xóm 12 được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi với nguồn vốn tín dụng chính sách. Hiện tại tổ TK và VV của chị Thêm có dư nợ 4,3 tỷ đồng với 56 thành viên vay vốn. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững như gia đình ông Nguyễn Văn Vinh với mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi ếch; chị Nguyễn Thị Na với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt, chị Đoàn Thị Cúc với mô hình trang trại VAC tổng hợp… Chị Đoàn Thị Cúc cho biết: Thời điểm bão giá, mọi chi phí về cám, giống đều cao, nên nguồn vốn cho vay theo chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện đã kịp thời giúp gia đình vơi bớt áp lực về chi phí đầu tư, yên tâm ổn định sản xuất. Dự kiến trong dịp tết sắp tới, đàn lợn hơn 200 con được xuất bán sẽ cho gia đình chị thu về hơn 200 triệu đồng.
Từ nay đến cuối năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng tích cực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, hoạt động của tổ TK và VV; tập trung đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ rủi ro; tích cực làm tốt công tác huy động vốn dân cư; tập trung giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2023 đã được giao./.
Bài và ảnh: Đức Toàn