Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển cao về công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực, quốc tế, tỉnh đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) sẵn sàng cung ứng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 3 năm (2021-2023) ước đạt 144.106 tỷ đồng, tăng bình quân 12,4%/năm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai 160 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn. Nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn đã được phân cấp lại cho các huyện, thành phố để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; phần còn lại lồng ghép với các nguồn lực khác để ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi. Trong đó, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm như: đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1); tỉnh lộ 487B, 488C; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hoá thời Trần (giai đoạn 1); cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy – Ninh Cơ).
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh, dự báo tổng nhu cầu vốn của các dự án ưu tiên sẽ cần khoảng 725 nghìn tỷ đồng cho thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2020-2025 dự kiến cần khoảng 269 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 455,9 nghìn tỷ đồng. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu đề ra đến năm 2030, tỉnh định hướng cơ cấu vốn đầu tư, xác định các dự án, đối tác ưu tiên thu hút đầu tư để chủ động đảm bảo tính đồng bộ của cả giai đoạn và tính khả thi trong thu hút, bố trí vốn cũng như triển khai đầu tư. Đối với nhóm dự án thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư các dự án có tính cấp thiết để tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển của tỉnh, của ngành, địa phương; mang lại lợi ích kinh tế – xã hội tích cực, có tính lan tỏa sâu rộng giữa các vùng, miền; đảm bảo về môi trường, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng. Cụ thể, ưu tiên đầu tư các dự án thuộc 4 nhóm ngành, lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, điện và văn hóa xã hội. Hạ tầng giao thông ưu tiên đầu tư các dự án có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ; các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương; đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, phát triển các ngành, sản phẩm, lĩnh vực quan trọng của địa phương. Lĩnh vực thủy lợi, đê điều, ưu tiên lựa chọn các dự án phục vụ tưới, tiêu vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tiêu cho các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung, các khu vực chưa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu. Lĩnh vực hạ tầng điện lực, ưu tiên đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các KCN, CCN mới, các khu vực đang thiếu hụt điện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, ưu tiên đầu tư các dự án trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội công lập; cơ sở cai nghiện…
Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh chú trọng thu hút các dự án đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh bao gồm: Hạ tầng khu kinh tế, KCN, CCN; hạ tầng điện phục vụ các khu, CCN, các khu vực sản xuất công nghiệp trọng điểm của tỉnh, Khu kinh tế Ninh Cơ, các công trình trạm, truyền tải điện từ các nhà máy sản xuất điện (nhiệt điện, điện gió, điện khí…); các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển; cảng, bến cảng, logistics; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Nam Định; các trung tâm thương mại, siêu thị lớn; các dự án phát triển các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại khu vực ven biển, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái khu vực nhà thờ đổ Hải Lý; dự án đầu tư khai thác tuyến đường thuỷ nội địa phục vụ du lịch, các dự án phát triển các tuyến, điểm du lịch, đầu tư xây dựng các khu thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí; các dự án nâng cấp, xây mới các công trình văn hoá, bảo tồn phát huy các di sản văn hoá phi vật thể; xây dựng bệnh viện, cơ sở điều trị, khám, chữa bệnh ngoài công lập; xây dựng các trường học liên cấp, trường quốc tế; xây mới, nâng cấp các nhà máy cấp nước sạch; xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung tại các huyện theo quy hoạch.
Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư phát triển sản xuất thuộc các lĩnh vực công nghiệp; nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên phát triển trên cơ sở các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan về tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp thiết yếu và phù hợp như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu…; ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh có lợi thế. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ưu tiên thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Thu hút đầu tư vào các địa bàn có địa hình phù hợp, khu chăn nuôi tập trung, không đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình tại các khu đô thị, khu vực có mật độ dân cư cao, không đảm bảo về khoảng cách và xử lý môi trường.
Về đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương, đối với dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thì khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án FDI mà không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ, thuê lại nhà xưởng), phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay. Không cố định theo quốc gia hay đối tác nào mà tùy theo lĩnh vực và công nghệ cụ thể và sự phát triển của lĩnh vực đó trên thế giới, thế mạnh, thị phần của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đó để nhận định năng lực đầu tư và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, khả năng bền vững, sinh lời của dự án. Không thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động quá lớn với công nghệ giản đơn có thể làm xáo trộn cung – cầu lao động, ảnh hưởng tới các dự án khác. Đối với đầu tư trong nước, tỉnh ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở chi nhánh hạch toán độc lập tại tỉnh để triển khai các dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng của tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các CCN đã được thành lập. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.
Bằng việc chủ động các dự án, đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, Nam Định nỗ lực hướng tới thu hút được các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư các dự án phát triển trọng điểm với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả cao hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy