Với bề dày truyền thống văn hóa, Nam Định là nơi hội tụ và lưu giữ được nhiều di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống. Tiêu biểu như “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xếp chữ “Thiên” trong Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản). |
Vùng đất hội tụ di sản
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nam Định hiện có gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu, trong đó quần thể Phủ Dầy (Vụ Bản) với hơn 20 công trình đền, đình, phủ, tiêu biểu như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh, được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên và tôn vinh vai trò của phụ nữ trong đời sống. Nghi lễ chầu văn, một phần cốt lõi của tín ngưỡng này, đã phát triển mạnh tại Nam Định từ thế kỷ XVII, lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Chầu văn là kho tàng văn hóa dân gian phong phú, kết hợp huyền thoại, truyền thuyết và các giá trị đạo đức, ca ngợi công trạng của các nhân thần, thiên thần. Từ nghi lễ này hình thành nghệ thuật hát văn và hầu đồng, được cộng đồng sáng tạo và thực hành trong không gian thiêng. Nghi lễ hòa quyện các lớp diễn xướng, dân ca, dân vũ trên nền nhạc cụ truyền thống, tái hiện hình tượng các vị Thánh sống động và đầy sức hút.
Hiện nay, Nam Định có hơn 500 người tham gia thực hành nghi lễ chầu văn, trong đó nhiều cung văn và nghệ nhân xuất thân từ các làng nghề truyền thống như Khả Lang (Ý Yên) và Kim Thái (Vụ Bản). Tỉnh cũng có 12 bản hội và hơn 10 câu lạc bộ hát văn hoạt động tích cực, góp phần duy trì và phát huy giá trị di sản. Với những giá trị văn hóa to lớn, nhiều di tích và nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nam Định đã được công nhận: Phủ Quảng Cung và Phủ Dầy được xếp hạng di tích quốc gia; nghi lễ chầu văn và lễ hội Phủ Dầy được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sức sống bền bỉ và giá trị nhân văn của tín ngưỡng này trong việc kết nối cộng đồng.
Ngoài thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Nam Định tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt. Nghệ thuật hát Ca trù, từng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, là một nét đẹp đặc trưng. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản vẫn bảo tồn những giai điệu tinh tế, trữ tình của loại hình nghệ thuật này qua sự truyền dạy giữa các thế hệ. Trong đó, phở Nam Định, một biểu tượng ẩm thực nổi tiếng, đã vượt ra khỏi ranh giới địa phương để trở thành thương hiệu quốc gia. Với hương vị đặc trưng từ nước dùng đậm đà, bánh phở mềm mại và thịt bò tươi ngon, phở Nam Định hấp dẫn thực khách cả trong và ngoài nước. Nghề sơn mài Cát Đằng là nghề thủ công truyền thống độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ. Các sản phẩm sơn mài từ làng nghề Cát Đằng mang giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh tài hoa và tinh thần lao động miệt mài của người dân địa phương. Nam Định còn nổi tiếng với các lễ hội truyền thống giàu giá trị lịch sử và văn hóa như: Đền Trần, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Đại Bi, Đền Đức Thánh Tổ (Yên Xá), Đền chùa Linh Quang, Chùa Cổ Lễ, Thái Bình Xướng Ca. Các lễ hội đã tái hiện sống động những phong tục, tập quán lâu đời, đồng thời truyền tải các giá trị nhân văn và tinh thần gắn kết cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân và khẳng định bề dày truyền thống văn hóa của vùng đất Nam Định.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, Nam Định đã triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND ngày 15/6/2021, phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”. Đề án đáp ứng yêu cầu lồng ghép trong quy hoạch phát triển du lịch, văn hóa và di sản của tỉnh, góp phần thực thi nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà Chính phủ đã cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh. Cùng với đó, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã được đề ra nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, đồng thời tránh việc thương mại hóa các nghi lễ. Đặc biệt, Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định, thành lập từ năm 2020 với hơn 450 hội viên và 4 chi hội trực thuộc, đã tích cực tổ chức các hoạt động quan trọng để thực hiện cam kết với UNESCO và Đề án đến năm 2030. Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản, đấu tranh chống các hành vi sai lệch, phối hợp tổ chức nhiều triển lãm, hội thảo, giao lưu tại các di tích thờ Mẫu. Hội có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 5 Nghệ nhân Ưu tú, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cộng đồng tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hội còn vận động cộng đồng tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, qua đó góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể. Tiêu biểu như sưu tầm tài liệu về nghi lễ Chầu văn, quy trình chế tác sơn mài và nghiên cứu nguồn gốc cũng như sự phát triển của phở Nam Định – biểu tượng ẩm thực nổi tiếng của quốc gia. Đồng thời, ngành Văn hóa phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng giáo dục, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ thông qua các chương trình giảng dạy tại trường và các buổi học ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng tỉnh… Công tác tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân cũng được đặc biệt quan tâm. Các nghệ nhân cao tuổi – những người đóng vai trò quan trọng trong việc thực hành và truyền dạy di sản – được đề xuất kịp thời xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Đây là động lực để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu. Ngoài ra, tỉnh Nam Định còn tích cực quảng bá di sản thông qua các sự kiện văn hóa lớn, triển lãm chuyên đề và hội thảo khoa học. Các sản phẩm làng nghề truyền thống như sơn mài Cát Đằng, được giới thiệu tại các hội chợ và triển lãm quốc tế, qua đó đưa hình ảnh Nam Định đến gần hơn với bạn bè trong nước và thế giới.
Sự phong phú về các di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vị thế của Nam Định là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc. Từ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến các di sản văn hóa phi vật thể khác, mỗi nét đẹp đều góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc, thể hiện sự gắn bó bền chặt giữa cộng đồng với di sản. Sự quan tâm và đầu tư từ các cấp chính quyền, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định ở hiện tại và tương lai.
Bài và ảnh: Viết Dư
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202412/di-san-van-hoa-phi-vat-the-nhung-gia-tri-can-bao-ve-ee216d5/