Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) ở huyện Giao Thủy tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù, sáng tạo trong lao động, triển khai nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ hiệu quả, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cựu chiến binh Trần Viết Toan, xã Giao Thiện (Giao Thủy) kinh doanh áo cưới, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Hội CCB huyện Giao Thủy hiện có gần 12 nghìn hội viên sinh hoạt tại 26 hội cơ sở. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, bám sát tình hình nhiệm vụ của địa phương và truyền thống của Hội CCB, những năm qua, Ban Chấp hành Hội CCB huyện đã phát động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào “CCB chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “CCB tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”… Phong trào “CCB tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” được các cấp Hội CCB huyện phát động sâu rộng và thu hút đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng tham gia. Cùng với việc phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế, các cấp hội CCB huyện còn tạo điều kiện cho CCB vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bằng ý chí tự lực, tự cường, nhiều hội viên đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư đánh bắt, thu mua, chế biến thủy hải sản, dịch vụ nghề cá, phát triển tiểu thủ công nghiệp… Năm 2017, với mục đích tạo điều kiện để hội viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm, những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, Hội CCB huyện đã thành lập câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện nay, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, sôi nổi với 33 hội viên. Nhiều mô hình của hội viên CCB sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tích cực trong phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Điển hình như Hội CCB xã Giao An có gần 600 hội viên. Những năm qua, để hỗ trợ hội viên có thêm nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế, Hội CCB xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH quản lý 5 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho 117 lượt hộ vay với dư nợ trên 3,5 tỷ đồng. Với sự tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội CCB, hội viên CCB trong xã đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng phát triển ngành nghề. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo giúp đỡ CCB, cựu quân nhân thoát nghèo. Tiêu biểu như cơ sở nuôi ba ba của gia đình hội viên Mai Văn Hải, chi hội Thiện Xuân; mô hình nuôi tôm kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình CCB Đinh Ngọc Khơi, chi hội Thủy Nhai… Gia đình CCB Mai Văn Hải hiện có hơn 40 ao nuôi ba ba, mỗi năm sản xuất được trên 100 vạn giống ba ba và 40 tấn ba ba thương phẩm, cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Bắc, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 8 công nhân với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Còn ở xã Giao Thiện, đồng chí Đinh Thanh Cung, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: “Để thực hiện hiệu quả phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, Hội CCB xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, Hội CCB xã còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham dự 2-3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Để hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, Hội CCB xã tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả ở trong và ngoài huyện”. Với sự đồng hành của Hội CCB xã, đến nay, trên địa bàn xã Giao Thiện ngày càng có nhiều mô hình hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như CCB Trần Viết Toan đã nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới để phát triển kinh doanh ở địa phương. Năm 2019, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của internet và các kênh bán hàng trên mạng xã hội, ông Toan đã mạnh dạn đầu tư, nhập áo cưới thô của các hộ sản xuất ở xã Giao Lạc (là địa phương có nghề sản xuất váy cưới nổi tiếng trên địa bàn tỉnh) về để trang trí, hoàn thiện lại và bán trên mạng xã hội. Từ những ngày đầu còn đầy bỡ ngỡ, đến nay cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho 14 lao động với mức lương từ 14-20 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày cơ sở của ông Toan nhận trên 100 đơn hàng đi các tỉnh trong cả nước và xuất bán đi các nước lân cận như: Lào, Campuchia với giá bán từ 2 đến 5 triệu đồng/chiếc váy cưới. Từ sự năng động, dám nghĩ, dám làm của ông Toan, 2 con trai của ông cũng đang theo nghề và tiếp tục mở rộng quy mô thị trường của cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thoa, Chủ tịch Hội CCB huyện Giao Thủy cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội CCB huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác vốn nhằm tạo điều kiện cho hội viên CCB, người dân địa phương phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương và không ngừng nâng cao đời sống cán bộ, hội viên CCB”./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa