Nguyễn Hồng Vinh
Kính tặng Đảng bộ và nhân dân huyện Vụ Bản
Cuối chiều nắng vẫn vàng như mật
Trải khắp đồng xanh ngút chân trời
Bờ mương cỏ mướt, đàn bò mập
Người, xe nườm nượp rộn đường vui
Cùng anh say ngắm nông thôn mới
Đường nhựa rộng dài dọc ngõ thôn
Em đứng hồi lâu mà chưa rõ
Lối về nhà cũ, rẽ gần hơn?
Chuông chùa Hổ Sơn thong thả điểm
Va vào vách núi, vọng thinh không
Công chúa Huyền Trân(1) bừng tỉnh giấc
Tiếng nước non lay thức ngàn năm?!
Khói nhang nghi ngút trên ngôi mộ
Nguyễn Bính – thi sĩ của đồng quê
Câu thơ đau đáu hồn dân tộc
Hoa chanh hương tỏa, nức tháng ba
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (2)
Bài thơ nằm lòng bao đôi lứa
Đang độ xuân thì, yêu đắm say!
Văn Cao – nhạc sĩ như còn đây
Ngắm lớp cháu con hát mê say
Bài Tiến quân ca như lời hịch(3)
Không để ngoại xâm chạm đất này!
Núi Đôi (4) sừng sững trong tâm khảm
Hình cô du kích gác tình riêng
Kẻ thù giết em quăng mất xác
Anh sững sờ, đứng lặng giữa đồi thông!
Em tự hào là người Vụ Bản
Đất sinh bao quan võ, quan văn
Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Trần Huy Liệu…(5)
Những người con tâm huyết, tài danh
Rời đất địa linh, nhân kiệt, nhân văn
Lòng trào dâng hy vọng, tin yêu
Quá khứ hào hùng là bệ phóng
Gặt mùa vui, đầy hoa trái ngọt lành!…
Vụ Bản, chiều 11/5/2024
——————
1 Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là con gái út của Vua Trần Nhân Tông. Vì sự nghiệp mở mang và giữ yên bờ cõi, đúng 18 tuổi trăng tròn, đã vâng lời cha sang Chiêm Thành làm vợ Vua Chế Mân để giữ mối bang giao, hòa hiếu. Sau khi về nước, Trần Huyền Trân đi tu ở chùa Hổ Sơn, Vụ Bản.
2 Thơ Nguyễn Bính.
3 Bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, đã được chọn làm Quốc ca Việt Nam.
4 “Núi Đôi” là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Cao.
5 Tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị được nhắc trong bài này đều sinh ra ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/chieu-tren-dat-hung-oanh-6cb3e36/