Nguyễn Hùng Mạnh
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Nhiệm kỳ 2018-2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19, dịch bệnh trong chăn nuôi, thời tiết diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của nông dân. Bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực, chủ động, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.
Điểm nhấn trong nhiệm kỳ là công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội được chú trọng, củng cố và phát triển; tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đã tiến hành kết nạp 14.968 hội viên mới nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 305.344 hội viên. Qua phân loại, đánh giá hàng năm, cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt từ 90% trở lên. Các phong trào thi đua của Hội được triển khai sâu rộng, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bình quân mỗi năm đã có 252 nghìn số hộ nông dân đăng ký, trong đó có trên 129 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp Hội và hội viên nông dân còn làm tốt công tác tương trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống, vượt khó vươn lên thoát nghèo. 5 năm qua, các cấp Hội và các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã trực tiếp giúp đỡ hàng nghìn con giống các loại, hàng nghìn ngày công, hàng tỷ đồng cho các hộ khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, HND tỉnh triển khai kế hoạch vận động xây dựng Quỹ “Mái ấm nông dân” để hỗ trợ nâng cấp, xây mới nhà ở, trao tặng con giống có giá trị cao cho nhiều hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống. Nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các cấp Hội trực tiếp tặng 300-500 suất quà cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định và Chi nhánh Bắc Nam Định tặng 2.560 suất quà, tổng giá trị 1 tỷ 280 triệu đồng cho các hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. HND tỉnh đã ban hành Đề án số 01 về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023”. Hiện nay, 10/10 huyện, thành Hội có Quỹ hỗ trợ nông dân; 209/209 cơ sở đã thành lập Ban vận động Quỹ. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý là 35 tỷ 27,89 triệu đồng, tăng trưởng 11 tỷ 335 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Năm 2022, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, HND tỉnh đã phát động cuộc vận động tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh trên quy mô toàn tỉnh. Kết quả, sau một tháng phát động, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân trên 3,21 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh hiện nay đang được đầu tư xây dựng 183 mô hình HTX, tổ hợp tác, chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp; cho 2.063 hộ vay qua 357 dự án, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các dự án được đầu tư nguồn vốn đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. HND các cấp còn tín chấp cho nông dân vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng NN và PTNT là 11.935,242 tỷ đồng cho 38.648 hộ vay thông qua 1.710 tổ vay vốn; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.517,6 tỷ đồng cho 36.962 hộ vay thông qua 1.124 tổ tiết kiệm và vay vốn. HND tỉnh Nam Định là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ dư nợ thông qua thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng NN và PTNT.
Mô hình trồng su hào an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Dương (Ý Yên).
Ảnh: Ngọc Ánh
|
Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, HND các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. 5 năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức 54 lớp dạy nghề cho 1.696 lượt người; phối hợp tổ chức 305 lớp cho 10.183 lượt người, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%; đồng thời, tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 7.500 lượt người. Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285 nghìn lượt hội viên, nông dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, đưa các sản phẩm đặc trưng của Nam Định tới tay người tiêu dùng, góp phần quan trọng thúc đẩy đạt mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”.
Từ hoạt động hỗ trợ thiết thực của HND các cấp, cán bộ, hội viên, nông dân đã tích cực tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Kinh tế nông nghiệp duy trì phát triển khá. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tăng từ 106,74 triệu đồng năm 2018 lên 133,95 triệu đồng năm 2022. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 21.535 tỷ đồng, tăng 12,77% so với năm 2018. Hội viên nông dân đã tham gia xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với 453 mô hình “Cánh đồng lớn”, tổng diện tích 19.150ha (có 3.316ha được bao tiêu sản phẩm); hình thành trên 39 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay toàn tỉnh có 330 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Nông dân xã Giao Hải (Giao Thủy) phát triển nghề nuôi thủy sản.
Ảnh: Lại Đăng Khoa
|
Đặc biệt, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp HND trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tham gia, đảm nhận phần việc cụ thể trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu như: ủng hộ tiền, ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng; tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa; bảo vệ môi trường nông thôn; tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị, từng bước phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua, Hội đã hướng dẫn, trực tiếp thành lập mới 13 HTX, 170 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 183 mô hình với trên 2.500 thành viên tham gia. Hội viên nông dân tiếp tục hiến 74.338m2 đất; góp 10.629 ngày công, đóng góp trên 12 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Có 209/209 cơ sở Hội, 2.018/2.018 chi Hội có mô hình, việc làm cụ thể tham gia xây dựng NTM như các mô hình “Vườn kiểu mẫu”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng”, trồng và chăm sóc hàng cây nông dân. Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được nhân rộng; đến nay đã có 9 huyện triển khai xây dựng mô hình ở 153/201 cơ sở và 1.455 chi Hội. 100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh – vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các cấp HND trong tỉnh trồng mới được 204 hàng cây nông dân, tổng chiều dài 95,86km; nhận chăm sóc 209 hàng cây với tổng chiều dài 163,4km. Các hoạt động trên đã góp phần xây dựng nông thôn Nam Định ngày càng “sáng – xanh – sạch – đẹp”. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 188/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần và quyền làm chủ của nông dân ngày càng được cải thiện và phát huy.
Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2018-2023, nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới. Phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong tập hợp, vận động nông dân, đẩy mạnh các phong trào nông dân. Đoàn kết, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh toàn diện; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; góp phần xây dựng tỉnh Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.