Những tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ, gia trại thời gian qua phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thời tiết, khí hậu nắng nóng kéo dài, nền nhiệt trong ngày luôn duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến sức đề kháng, khả năng tăng trọng của vật nuôi. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục duy trì ở mức cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, nhất là giá lợn hơi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao là do 70% nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm chịu ảnh hưởng từ mức tăng giá nguyên liệu nhập khẩu. Mặt khác, theo tính toán của các hộ chăn nuôi, nếu thực hiện tốt an toàn sinh học, không để xảy ra dịch bệnh, giá thành chăn nuôi lợn ở các doanh nghiệp đã từ 50-52 nghìn đồng/kg, ở các trang trại khoảng 55 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi. Tuy nhiên, giá lợn hơi hiện bán ra chỉ từ 47-50 nghìn đồng 1kg, dưới giá thành sản xuất.
Trang trại nuôi gà Ai Cập siêu trứng của hộ ông Nguyễn Văn Phúc, xã Trực Hùng (Trực Ninh). |
Mặc dù đối diện với không ít khó khăn nhưng các hộ, chủ trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi luôn nỗ lực tìm cách để vượt qua khó khăn. Chị Lương Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Công Danh (Giao Thuỷ) cho biết: “Tuy khó khăn nhưng Công ty vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn 500 con lợn thịt; cố gắng tiết kiệm mọi chi phí đầu vào chứ không phải giảm sản xuất vì phải đảm bảo đời sống của đội ngũ người lao động; chú trọng hơn cho chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng. Công ty đang đẩy mạnh liên kết với 5 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở các xã trọng điểm chăn nuôi lợn Móng Cái để cung cấp nguồn lợn sữa phục vụ xuất khẩu và đầu tư dây chuyền hiện đại, đồng bộ giết mổ lợn thịt, lợn sữa xuất khẩu, công suất 5.000 con/ngày; đồng thời hoàn thiện hơn chuỗi liên kết giá trị khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, linh hoạt trong khâu phân phối sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm thịt lợn của Công ty được thị trường đánh giá tốt và tin tưởng lựa chọn tiêu dùng. Công ty đang nâng cấp quy trình sản xuất, chất lượng, xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh tham gia thị trường xuất khẩu”.
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, dự ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại của tỉnh ta đạt 107.142 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đàn trâu ước có 7.619 con, tăng 0,6%, sản lượng thịt trâu đạt 566 tấn tăng 1,1%; đàn bò 28.670 con, sản lượng thịt bò đạt 1.746 tấn, tăng 20,8% so với 6 tháng năm 2022. Đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) 630.943 con, giảm 0,5%; trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 81.828 tấn, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2022. Đàn gia cầm 9,214 triệu con, tăng 2,2%; trong đó đàn gà 6,562 triệu con, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng 18.602 tấn, tăng 5,1%. Sản lượng trứng gia cầm 256.536 nghìn quả, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong những năm gần đây, các loại vật nuôi khác đã được người chăn nuôi đầu tư, phát triển và cung cấp sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, ít xảy ra dịch bệnh và sản phẩm tiêu thụ tương đối tốt. Tuy nhiên phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh tận dụng, quy mô nhỏ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở nuôi chim yến, 3 cơ sở nuôi giun quế, 5 cơ sở nuôi vịt trời và 82 cơ sở nuôi ong mật… Phương thức chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt, tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng tích cực trong sản xuất; chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn thảo dược của Cơ sở chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh), bình quân mỗi năm cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 80-100 tấn thịt lợn thương phẩm, doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng. Cơ sở có 3 sản phẩm sơ chế và chế biến sâu gồm: thịt lợn sống, ruốc và xúc xích Hiền Thục được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển Sở NN và PTNT đã tích cực khuyến cáo người chăn nuôi chú trọng đẩy mạnh cơ cấu nguồn giống vật nuôi theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giống đặc sản phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đẩy mạnh thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò; chương trình Sind hóa, nâng cao tầm vóc đàn bò được triển khai nhằm tạo con lai có năng suất, chất lượng thịt cao. Khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống từ các cơ sở giống uy tín, an toàn dịch bệnh, không nhập giống không rõ nguồn gốc… Quan tâm công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng cường truyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn, quản lý, xử lý tốt nguồn chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường. Thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật; chủ động giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; tăng cường lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật, nhất là tại các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh mới phát sinh.
Trước những khó khăn hiện nay thì việc thông tin, định hướng thị trường, hỗ trợ việc phòng, chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm và cho vay vốn ưu đãi, mở rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, kinh tế tuần hoàn… được xem là những giải pháp căn cốt cần được ngành chức năng, chính quyền các địa phương chỉ đạo, triển khai và hỗ trợ thực hiện để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì, phát triển đàn vật nuôi, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi của tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Đại