Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy hiệu quả trong bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội. Thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe là cần thiết.
Song các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các cơ sở thuyết phục, để luật được thông qua trên cơ sở thấu tình đạt lý, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhắc lại, trước đây, khi thảo luận về vấn đề này tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, mà nên quy định cùng xu hướng với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, mới đây, sau khi dự một đám cưới ở quê nhà, đại biểu cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe “có lẽ đúng”. Lý do là vì một bộ phận người dân vẫn còn nể nang nhau hơn là coi trọng pháp luật. Song đại biểu cho rằng, hiện nay vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các cơ sở thuyết phục để Quốc hội có thể quyết định sao cho khi luật được thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân và như thế luật sẽ có tuổi thọ cao.
Bổ sung ý kiến, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông. Theo đại biểu, quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh? Vì vậy, cần quy định trường hợp nào cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng, quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện giao thông là quá khắt khe, song thiết nghĩ, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần ủng hộ quy định này. Điều này nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng cho người dân, dần hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”… Trường hợp nếu người tham gia giao thông khẳng định không uống rượu, bia và nói có nồng độ cồn nội sinh thì nên tham khảo cơ sở y tế để tránh bị xử lý oan sai dù là rất hiếm gặp.
NAM TRỰC