Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Về các làng hoa cây cảnh ở ngoại thành, chúng tôi cảm nhận được rõ nét không khí náo nức, sôi động, được hòa mình vào sắc xuân ngập tràn trong những khu vườn rực rỡ sắc màu hoa lá.
Nông dân phường Nam Phong (thành phố Nam Định) chăm sóc hoa cúc. |
Giới sành chơi cây trong cả nước mấy ai không biết tiếng làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Nam Điền (Nam Trực). Theo ngọc phả đình làng, năm 1211, quan Thái úy Tô Trung Tự đã đến Nguyễn Gia Trang, thấy đây là vùng đất đẹp, trù phú, dân cư đông đúc yên vui đã cho lập hành cung và truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho dân địa phương làm kế sinh nghiệp lâu dài. Dưới các triều đại phong kiến, Nguyễn Gia Trang đã là làng hoa nổi tiếng, nơi dừng chân ghé thăm của nhiều quan chức cao cấp trong triều. Năm Tân Sửu 1481, quan Bình Nguyên Phạm Đôn Lễ thời Vua Lê Thánh Tông đã đến thăm làng hoa và dâng vào đình làng bài thơ tạm dịch như sau: “Nghe nói ông Tô đến chốn này/ Sửa bình gia bảo giúp vua đây/ Dạy dân kế sống chia vũng đất/ Khuyên dạy trồng hoa cách tỉa cây”. So với các làng hoa nổi tiếng ở miền Bắc như Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Phụng Pháp, Hà Lũng, Đằng Hải thì Vị Khê là làng hoa cổ nhất, làng quất nguyên thủy của Việt Nam và là quê gốc của nhiều loài hoa dân tộc: lan, đào, trà my, đỗ quyên…
Đặc biệt, Vị Khê còn giữ được những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật quý hiếm, có độ tuổi hàng trăm năm, được coi là báu vật của quê hương. Ngày nay, nghề trồng hoa cây cảnh ở Vị Khê ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương. Hầu hết các hộ dân trong làng đều có vườn cây trưng bày những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh, kết hợp hài hòa giữa hoa, đá, cá, cây, mang hình dáng một công viên thu nhỏ. Cây cảnh Vị Khê rất phong phú, đa dạng với các xu hướng hoài cổ, tự nhiên và ngẫu hứng. Tất cả đều thể hiện khiếu thẩm mỹ, tính sáng tạo, niềm đam mê cái đẹp mà các nghệ nhân và những người tạo thế đã gửi gắm vào cây. Hoa, cây cảnh Vị Khê đã có mặt ở khắp các thị trường trong cả nước.
Có dịp đến làng hoa cây cảnh Vị Khê khi Tết Nguyên đán gần kề mới cảm nhận được hết không khí rộn ràng, náo nức. Trên những trục đường chính dẫn vào làng, những chuyến xe hối hả đi về mua hoa, cây cảnh. Khu vực bãi bồi màu mỡ ven đê, bà con nông dân tất bật với những cánh đồng trồng cỏ Nhật, cây lá màu trang trí, cây công trình và những vườn hồng khoe sắc rực rỡ. Từ trên đê nhìn xuống làng, du khách sẽ thấy không gian Vị Khê trải ra bát ngát với những mảng màu đẹp mắt đan xen. Trong các nhà vườn, cây cảnh, cây thế, cây bonsai đủ loại đua chen. Những gốc trà, chậu cúc, hoa giấy, đỗ quyên, mẫu đơn… sai trĩu nụ, chỉ chờ có mưa xuân là bung nở. Không chỉ phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống, với vị thế đầu mối cung cấp các sản phẩm hoa, cây cảnh của vùng và cả nước, nhiều người dân xã Nam Điền đã năng động nhập và tiêu thụ các sản phẩm của địa phương khác, hình thành nên các khu vực sản xuất, kinh doanh đa dạng như: khu vực cây cảnh truyền thống; khu vực bán các sản phẩm hoa, cây cảnh nhập từ nước ngoài và các tỉnh; khu vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng cây hoa, cây lá, cây bonsai mini; khu vực sản xuất các cây hàng lá trồng bồn, cỏ Nhật. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một số hộ phát triển mạnh các mặt hàng cây bóng mát, các loại cây trồng cho đường phố, biệt thự, resort, sân golf; một số hộ chuyên về sản xuất, kinh doanh hoa lan, gỗ lũa với số lượng lớn…
Còn tại phường Nam Phong (thành phố Nam Định), không khí trên những cánh đồng trồng quất cảnh và hoa đến thời điểm này đã rất nhộn nhịp, tưng bừng, náo nhiệt. Ô tô, xe máy từ khắp các nẻo đường tấp nập đổ về mua hoa, chọn quất. Từ lâu, nghề trồng hoa, cây cảnh được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân nơi đây. Từ những năm 2002, 2003, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quất. Đến nay, cây quất cảnh đã trở thành cây làm giàu chủ lực của nhiều hộ nông dân, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trên địa bàn phường đã xuất hiện mô hình cánh đồng lớn chuyên canh cây quất cảnh, đã hình thành chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hóa. Cùng với làng quất Vạn Diệp, làng hoa Phù Long có trên 90% hộ dân trồng hoa, trung bình từ vài sào đến hàng mẫu. Không chỉ được mệnh danh là “thủ phủ” của hoa cúc với rất nhiều loại như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh, cúc đỏ; những năm qua, nhiều người dân trong phường còn đầu tư nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trồng các loại hoa hồng, thạch thảo, vàng anh, ly, đồng tiền, tuylip, huệ, loa kèn, cát tường, lan hồ điệp… Nghề trồng hoa, cây cảnh đòi hỏi nhiều công phu, từ công đoạn làm đất đến kỹ thuật chăm sóc, phải đi sâu tìm hiểu đặc tính của từng loài hoa để có phương pháp phòng trừ dịch hại phù hợp. Bù lại, thu nhập từ trồng quất và hoa của người dân phường Nam Phong chiếm tới 70% tổng thu nhập, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động.
Với lợi thế của vùng đất bãi phì nhiêu, màu mỡ, từ lâu, trồng hoa đã trở thành nghề truyền thống của xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định). Trước đây, nghề trồng hoa tập trung ở làng Hồng Hà với khoảng 90ha. Đến nay, trồng hoa được xem là nghề chính của xã Mỹ Tân với khoảng 310ha, chủ yếu là cúc, layơn, hoa ly… Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đưa các giống hoa mới cho thu nhập cao như phi yến, cát tường vào trồng… Hoa ở Mỹ Tân thường cho bông to, nhiều cánh, màu sắc đẹp nên thương lái đến tận vườn thu mua để đưa đi bán tại các tỉnh, thành phố như: Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Điện Biên, Sơn La. Giá trị bình quân ước đạt 720 triệu đồng/ha hoa. Xác định hoa là cây trồng chủ lực, xã Mỹ Tân đã thực hiện các biện pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ các cây hoa theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Để trồng hoa cho vụ Tết, từ tháng Chín âm lịch, người dân đã xuống giống các loại hoa như cúc vàng pha lê, cúc trắng tuyết, cúc đỏ cờ, cúc ánh bạc; các giống hoa đắt tiền như hoa ly, hoa dơn, đồng tiền được các thương lái chở về từ Đà Lạt, Lâm Đồng…
Thời tiết năm nay thất thường, do ảnh hưởng của bão lũ cùng với khi nắng ấm, lúc rét sâu, thời điểm cuối tháng 11 âm lịch, các hộ trồng hoa đã tăng cường thắp đèn điện ban đêm bắt cho cây phải “thức” để phát triển, cho thu hoạch đúng thời vụ. Để có vườn cúc đẹp, ưng ý bán dịp Tết, người trồng hoa phải rất dày công chăm sóc; ngoài việc xuống giống đúng thời vụ còn phải thuần thục các kỹ thuật từ tưới nước, bón phân đến tỉa nhánh, bấm ngọn sao cho cụm hoa có dáng tròn trịa, nhiều nhánh, nhiều bông. Đồng thời đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, khung giàn thép, ni lông che phủ, kho lạnh bảo quản, áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt và phun sương… đảm bảo độ ẩm, mát cho vườn hoa. Giá giống năm nay khá cao nên người trồng hoa hy vọng giá hoa dịp Tết cao hơn mọi năm để người trồng có lãi.
Một mùa xuân mới lại về trên các làng hoa cây cảnh. Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu chơi hoa, cây cảnh tăng mạnh nên người dân ở các làng hoa càng thêm tất bật, bận rộn. Và đằng sau những vất vả là niềm vui, sự phấn khởi, mong ước của người dân về những vụ hoa, cây cảnh được mùa, được giá.
Bài và ảnh: Hồng Minh – Lam Hồng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/cac-lang-hoadon-tet-c6e13b7/