Kỳ I: Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào đời sống
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ II: Đổi mới tạo nền tảng phát triển bền vững
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Nam Định đã thực hiện hiệu quả việc xây dựng các mô hình giáo dục mới, nhân rộng các điển hình, tạo không khí tích cực trong toàn tỉnh, qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Tiêu biểu như xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh – sạch – đẹp – an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu; xây dựng trường học thông minh tại các Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nguyễn Tất Thành (thành phố Nam Định); thư viện thân thiện tại các trường tiểu học huyện Trực Ninh; đẩy mạnh giáo dục STEM, lập trình Robotics tại các trường tiểu học huyện Nam Trực; phát huy thế mạnh thể dục thể thao tại các đơn vị huyện Xuân Trường…
Thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) trong một giờ học. |
Ngành GD và ĐT tập trung triển khai các chủ trương đổi mới các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với đối tượng, tâm lý lứa tuổi; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đảm bảo hài hòa các phẩm chất về đức, trí, thể, mỹ; phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tích cực của học sinh, giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực tự chủ, năng lực giao tiếp, hợp tác…; trong đó, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các câu lạc bộ môn học, thể thao, nghệ thuật, trải nghiệm, hướng nghiệp dạy nghề thông qua mô hình giáo dục STEM… ngày càng phát triển phong phú, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng, sở trường. Từ năm 2013-2023, đã có 436/728 đề tài khoa học kỹ thuật của học sinh THPT, THCS dự thi cấp tỉnh đạt giải; có 38/39 đề tài dự thi cấp quốc gia đạt giải.
Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra và đánh giá, xếp loại kết quả học sinh trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác thi và công nhận tốt nghiệp phổ thông từ năm 2013 đến nay có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của số đông phụ huynh, học sinh, làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Với những đổi mới đó, chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học đã được khẳng định vững chắc cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Ngành GD và ĐT giữ vững thành tích 28 năm dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Hàng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS đạt trên 99,9%; tốt nghiệp THPT trên 99%. Trong 9 năm (từ năm 2015 đến nay), có 6 năm tỉnh ta đứng đầu toàn quốc, 2 năm đứng thứ nhì toàn quốc về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục ở tốp đầu của cả nước với 671 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia; 12 học sinh đoạt giải quốc tế (3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 5 huy chương đồng).
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD và ĐT, tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút người giỏi về công tác tại các cơ sở giáo dục. Sở GD và ĐT, các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố thực hiện quy trình tuyển giáo viên theo chỉ tiêu được giao đúng quy định; chú trọng tuyển chọn xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi cho trường chuyên và các trường xây dựng chất lượng cao của tỉnh. Trong 10 năm qua, số lượng, cơ cấu nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp học được bổ sung, nâng cao tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định đối với từng cấp học đáp ứng yêu cầu đổi mới GD và ĐT và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ sở vật chất trường, lớp được các cấp chính quyền quan tâm tăng cường đầu tư, qua đó, hàng chục nghìn phòng học, phòng học bộ môn, nhà đa năng được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn ngày càng tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 668/728 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 91,76%); 553/728 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục (đạt 75,96%); 587/728 trường đạt xanh – sạch – đẹp – an toàn (đạt 80,63%).
Đổi mới công tác đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chú trọng thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm. Tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo được thực hiện tốt theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả. Kết quả đào tạo nghề tăng đều hàng năm. Nếu năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42% thì năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã đạt 48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5% (đạt 100% kế hoạch năm). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học và nhu cầu lao động của xã hội. Quá trình đào tạo, luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá uy tín, chất lượng đào tạo. Nhờ đó, chất lượng đào tạo nghề ngày được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, đặc biệt có những ngành nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc (hàn, may…).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều cách làm hiệu quả, xây dựng được những mô hình hay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như: Mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông – người học, nhà trường – người đào tạo, nhà sử dụng lao động – doanh nghiệp), trong đó tiêu biểu là Doanh nghiệp tư nhân Cao Cường tại xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”; phát triển mạnh các mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp và học nghề cho lao động nông thôn theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp. Hiện tỉnh đang chú trọng phát triển mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp Nhật Bản. Sự ra đời của mô hình sẽ góp thêm một hướng đi cho học sinh sau THCS lựa chọn phù hợp năng lực, sở trường bản thân và nhu cầu lao động của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước.
Như vậy, qua 10 năm thực hiện, Nghị quyết 29 đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD và ĐT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 29, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực GD và ĐT, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Minh Thuận