Kỳ I: Đánh thức một vùng quê
Kỳ II: Đột phá, sáng tạo trong huy động nguồn lực
Kỳ III: Ưu tiên phát triển hạ tầng chiến lược
Kỳ IV: Xây dựng các vùng kinh tế động lực
Môi trường đầu tư thuận lợi là điều kiện tiên quyết để gia tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Vấn đề này không thể chỉ dựa vào lợi thế tự nhiên mà yếu tố con người, công tác quản lý, cơ chế chính sách, sự ưu đãi… là hết sức quan trọng. Vì vậy, cùng với các nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ 2020-2025, để thể hiện quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển; xây dựng chính quyền hành động, thân thiện, nền hành chính chuyên nghiệp, tiến bộ, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, lan tỏa những giá trị lợi ích và thể hiện tối đa thiện chí của tỉnh dành cho nhà đầu tư (NĐT).
Đầu tháng 5-2023, thông tin về việc hoàn tất cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc,. vốn đầu tư 120 triệu USD được hoàn tất trong 1,5 ngày và chỉ sau 15 ngày ký thỏa thuận phát triển dự án không chỉ được báo chí trong nước hồ hởi loan tin mà còn xuất hiện cả trên báo chí nước ngoài. Tiếp sau đó, liên tục các nhà đầu tư, các dự án lớn quyết định dừng chân “làm tổ” tại Nam Định. Đó là kết quả tất yếu của một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thống nhất “trên dưới đồng lòng” thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, trong đó cải cách hành chính có bước chuyển nổi bật, nhất quán phương châm: coi thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của tỉnh.
Liên tiếp trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác cải cách hành chính, coi đây là một trong những trọng tâm cải thiện môi trường đầu tư. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16-7-2021 về đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 trong đó nhấn mạnh: coi nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong các phiên họp UBND tỉnh thường kỳ hàng tháng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đều trực tiếp kiểm điểm kết quả thực hiện các nội dung nhiệm vụ liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, công tác CCHC; duy trì gặp mặt, đối thoại định kỳ với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm kịp thời nắm bắt các vấn đề vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, bàn giải pháp tháo gỡ, tăng cường gắn kết, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Viết Dư |
Động thái quyết liệt là tỉnh đã thành lập các Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư. Từ tỉnh đến huyện thành lập Ban Chỉ đạo công tác GPMB phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2025 do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và đảm bảo tiến độ công tác GPMB các công trình trọng điểm.
Các cấp, các ngành được yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định được cho là rào cản gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí t cho doanh nghiệp. Nam Định là một trong 8 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia. Toàn tỉnh có 1.716 TTHC được niêm yết công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; trong đó có 1.248 TTHC, đạt 74%, được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; tỉnh xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh hoạt động hiệu quả, là đầu mối kết nối với 17/17 cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh. 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC…
Đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư |
Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông, đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông chia sẻ: “Kể từ khi tiếp cận, triển khai đầu tư xây dựng KCN đến nay, các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính đều được các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ tối đa trong tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN”. Ông Giang cũng đánh giá: “Các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng là điểm cộng hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Nam Định. Trong đó, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu đã giúp chúng tôi khai thông được đường dẫn từ KCN đến các cảng biển lân cận, rút ngắn thời gian đi lại tới các địa phương khác, góp phần giải quyết yêu cầu về logistics cho các doanh nghiệp”. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện thì đánh giá: “Ngay trong quá trình khảo sát đầu tư tại tỉnh, Tập đoàn đã nhận thấy Nam Định là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, kinh tế biển. Môi trường đầu tư hiện nay của tỉnh đã rất thông thoáng, cởi mở với sự tích cực tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm hướng dẫn NĐT”.
Ông Huang Chen-Tang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quanta computer Inc., doanh nghiệp vừa quyết định đầu tư dự án sản xuất máy tính với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại Nam Định cho biết: “Sau quá trình khảo sát đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển tại một số tỉnh trên toàn quốc, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất máy tính, Tập đoàn Quanta cảm nhận được sự nhiệt thành, tận tâm hỗ trợ tối đa cho NĐT của lãnh đạo tỉnh, cộng với vị thế địa lý của Nam Định tương đối thuận lợi nên Tập đoàn lựa chọn KCN Mỹ Thuận của Nam Định là địa điểm phát triển dự án sản xuất máy tính, sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao”. Ông Tống Kiến Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sunrise Material (Singapore), doanh nghiệp thuộc “top” 5 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất màng bọc thực phẩm polyme công nghệ cao cũng chia sẻ: “Thực sự cảm kích sự nhiệt tình, quan tâm hỗ trợ NĐT của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành chức năng; đối tác cung ứng hạ tầng cũng rất thân thiện. Mọi TTHC liên quan đến pháp luật NĐT đều có thể thực hiện thuận lợi, nhanh chóng. Vì vậy Công ty đã nhanh chóng quyết định chọn Nam Định để đầu tư dự án sản xuất màng bọc polyme trị giá 100 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận”.
Sau hơn hai năm nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư theo Nghị quyết 04-NQ/TU, Nam Định ngày càng có thêm nhiều NĐT lớn, quy mô hoạt động toàn cầu lựa chọn là điểm đứng chân để đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Từ năm 2021 đến hết tháng 6-2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 169 dự án (gồm 135 dự án đầu tư trong nước, 34 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 108.007 tỷ đồng và 261,5 triệu USD. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.636 doanh nghiệp và 169 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 41.194 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 12 nghìn doanh nghiệp và gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 110.886 tỷ đồng.
Toàn cảnh Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích Lịch sử – Văn hóa thời Trần tại tỉnh. Ảnh: Viết Dư |
Riêng năm 2021, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 90% mục tiêu tổng vốn thu hút đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 18-6-2021, của Tỉnh ủy; số vốn đăng ký đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020, lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, tiêu biểu là loạt 3 dự án lớn của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư có tổng mức đầu tư lên tới hơn 98 nghìn tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận 1.621 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, làn sóng NĐT nước ngoài dồn dập vào nghiên cứu tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư phát triển tại Nam Định. Trong đó, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các KCN, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Quanta về đầu tư tại KCN Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư 120 triệu USD, đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với MTĐT và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tiếp đó là dự án của Tập đoàn JiaWei (Đài Loan); Tập đoàn Sunrise Material (Sinhgapore) muốn đầu tư 100 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao, Hiệp hội Len Australia… Qua các cuộc khảo sát tổng thể cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao tính năng động, linh hoạt, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của các cơ quan chính quyền địa phương; tin tưởng cam kết đồng hành, sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, tạo thuận lợi trong thực thi quy định pháp luật, giảm tối đa “gánh nặng” phát sinh cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh buổi lễ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn thuộc Tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định. Ảnh: Thanh Thúy |
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Những kết quả kể trên không chỉ đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của riêng tỉnh mà còn là điểm nhấn mang tầm quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài”. Việc Tập đoàn Quanta Computer Inc., lựa chọn Nam Định để đầu tư nhà máy thứ 9 trên thế giới là minh chứng cụ thể nhất về sự tin tưởng của các NĐT lớn với môi trường đầu tư của tỉnh; ghi nhận nỗ lực thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kết quả này mở ra kỳ vọng mới cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm tiếp theo và là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh phấn đấu, tin tưởng sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Ảnh: Viết Dư |
Từng là một “câu hỏi” lớn, là nỗi niềm trăn trở của các thế hệ cán bộ, những người yêu và biết về mảnh đất Nam Định: Vì sao tỉnh nằm ngay ở trung tâm vùng đồng bằng Sông Hồng, giàu tiềm năng, có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào nhưng sự phát triển của Nam Định trong một thời gian dài rất “khiêm tốn”(?!) Đến nay, với việc đề ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng; chọn đúng khâu, lĩnh vực để đột phá với tinh thần lăn xả quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; Nam Định đã từng bước tháo được các nút thắt cản trở sự phát triển, khơi luồng cho các tiềm năng được khai phá, phát huy. Với những bài học kinh nghiệm “biến khó thành dễ” trong thời gian qua, có sự đồng thuận “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, có quyền hy vọng Nam Định sẽ trỗi dậy, lấy lại vị thế, trở thành một trọng điểm kinh tế ven biển của miền Bắc như niềm mong mỏi của Bác khi về thăm Nam Định cách đây tròn 60 năm./.
Vân Anh – Thanh Thúy
Xuất bản ngày 5-10-2023