Di tích lịch sử – văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, là biểu trưng sinh động về quá trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của cha ông. Tồn tại qua nhiều thế kỷ, dưới tác động của thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, cần trùng tu, tôn tạo, phục dựng. Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) phối hợp các sở, ngành hữu quan và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động: nghiên cứu, kiểm kê, quản lý, bảo vệ hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn; tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội tu bổ di tích; thực hiện số hóa di sản, di tích; phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của quê hương Nam Định.
Công trình kiến trúc Đài Quan Âm thuộc khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Hàng năm, Sở VH, TT và DL đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tính nguyên trạng, chân thực của di tích khi trùng tu, tôn tạo; sử dụng nguồn kinh phí do các cá nhân, tập thể đóng góp để tôn tạo, trùng tu di tích bảo đảm đúng mục đích, đầy đủ, kịp thời, hài hòa giữa ý nguyện của người dân và quy định pháp luật. Năm 2024, Sở VH, TT và DL đã xây dựng hồ sơ trình Bộ VH, TT và DL ban hành quyết định đưa “Phở Nam Định” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian; đẩy mạnh công tác kiểm kê, khảo sát, nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng 3 hồ sơ công nhận: 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông gia đình” đêm Giao thừa ở làng Gạo, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản), 2 Bảo vật quốc gia đối với cụm bia đá Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng và bia đá thờ Lý Chùa Viên Quang, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Sở cũng triển khai thực hiện tốt công tác xếp hạng, bổ sung danh mục và tu bổ, tôn tạo di tích; trọng tâm là 2 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) và Đền Xám (Nam Trực), 4 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia, 16 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đã có 7 di tích được UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Cũng trong năm 2024, Sở VH, TT và DL hướng dẫn hoạt động chuyên môn đối với việc triển khai thực hiện Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo Cụm di tích quốc gia Đình – Chùa Ngô Xá, Chùa Nề, xã Tân Minh (Ý Yên). Dự án đang được khởi công với các hạng mục trùng tu tam bảo, nhà tổ, đại đình, tiền tế, gác chuông, nhà bia, nhà khách, tam quan, nghi môn và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ thuộc Đình – Chùa Ngô Xá; trùng tu tam bảo, nhà Mẫu, gác chuông, nhà bia, nhà khách và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ thuộc Chùa Nề. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 60 tỷ đồng từ ngân sách của Trung ương và của tỉnh.
Khu di tích – lịch sử văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp và Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy là những công trình văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu trong đời sống tâm linh của người Việt. Dự án đầu tư xây dựng “Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hoá thời Trần tại Nam Định” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nguồn vốn đầu tư thực hiện hơn 734 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Được khởi công xây dựng từ năm 2019 đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành những hạng mục công trình quan trọng. Tổng diện tích xây dựng 92,5ha quy mô bao phủ tại các di tích: Đền Trần, Chùa Tháp, Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố (thành phố Nam Định), chia làm 3 phân khu: khu công viên văn hoá Trần, khu trung tâm lễ hội, khu đệm. Đối với Quần thể di tích lịch sử – văn hoá Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), UBND tỉnh đã lập Quy hoạch phân khu tại hơn 20 di tích đình, đền, chùa, phủ, lăng trong quần thể di tích và những vùng phụ cận với kinh phí thực hiện tu bổ trên 80 tỷ đồng. Mục tiêu của các dự án nhằm xây dựng khu trung tâm lễ hội Trần và trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên cơ sở hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan và hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích trong bối cảnh xã hội mới; hình thành những điểm đến du lịch văn hóa – tâm linh đặc sắc cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Trần và tín ngưỡng thờ Mẫu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng trong các dịp lễ hội truyền thống lớn tại Nam Định như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng), Lễ hội Trần (tháng 8 âm lịch), Lễ hội Phủ Dầy (tháng 3 âm lịch).
Thời gian qua, các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên… đã làm tốt công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích đã được Nhà nước xếp hạng, kể cả các di tích trong danh mục kiểm kê. Trong đó phải kể đến Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), xã Yên Đồng (Ý Yên) do bà Trịnh Thúy Nga, Thủ nhang Phủ Quảng Cung làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn, phủ Mẫu, nhà thờ Trần triều, lầu Cô, lầu Cậu, miếu cô Chín và các công trình phụ trợ: nhà soạn lễ, nhà khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, lầu hóa vàng, cổng phụ, hàng rào, sân, vườn và hạ tầng kỹ thuật. Ở huyện Trực Ninh, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện ban hành văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn Ban quản lý di tích, xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; trong đó chú trọng gìn giữ, bảo tồn cổ vật, di vật có giá trị tại di tích, phát huy giá trị văn hóa lễ hội truyền thống; đồng thời đề ra các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng. Các xã, thị trấn: Cổ Lễ, Ninh Cường, Cát Thành, Trung Đông, Liêm Hải, Trực Nội, Trực Cường, Trực Tuấn… đã làm tốt công tác huy động nguồn lực tu bổ di tích. Tiêu biểu như Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cổ Lễ với kinh phí gần 25 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và nguồn xã hội hóa. Các hạng mục: tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, đền thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, công trình hành lang tả, hữu… được tu bổ, cải tạo kịp thời, giữ được nguyên trạng kiến trúc gốc.
Huyện Xuân Trường có 113 di tích trong danh mục kiểm kê; trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng gồm: 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt – Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng, 8 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, nhiều di tích tại huyện đã được trùng tu, đang trong quá trình tu bổ và chuẩn bị xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng; tiêu biểu như: Từ đường họ Vũ, xã Xuân Vinh kinh phí 4,7 tỷ đồng; Đền – Chùa Hoành Quán, xã Xuân Giang kinh phí 9,5 tỷ đồng; Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng kinh phí 4,6 tỷ đồng… Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tài sản vô giá của tiền nhân để lại, bồi đắp niềm tự hào và phát huy vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân trong việc sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, gắn kết cộng đồng. Ở huyện Hải Hậu, năm 2024, các xã: Hải Tây, Hải Tân, Hải Minh, Hải Nam đã huy động các nguồn lực xã hội, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp sức tu sửa, nâng cấp các công trình: tam bảo Chùa Quế Phương với kinh phí gần 10 tỷ đồng; Đền – Chùa Hải Tĩnh kinh phí hơn 7 tỷ đồng; gác chuông và một số hạng mục kiến trúc đá, gỗ, văn bia Chùa Phúc Hải kinh phí gần 1 tỷ đồng; tam bảo, nhà tổ, phủ Mẫu tại Chùa Hà Lạn kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, chính quyền các địa phương, Ban quản lý các di tích đã tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghệ thuật kiến trúc di tích, thân thế sự nghiệp của các nhân vật thờ tự. Nâng cao công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại di tích, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích.
Việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích đã phát huy được giá trị di sản văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu an, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch Nam Định.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202412/huy-dong-cac-nguon-luc-trung-tu-ton-tao-di-tich-lich-su-van-hoa-16b3069/