Kỳ I: Mục tiêu rõ ràng, hành động quyết liệt
Kỳ II: Bứt phá trong những chuyển dịch lớn
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ III: Tạo nền móng phát triển toàn diện, bền vững
Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nam Định đã ưu tiên triển khai trước những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm để cải thiện vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh mới, không ngừng tăng sức hút với ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô, vị thế toàn cầu đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển nội tỉnh và toàn vùng theo đúng tinh thần, mục tiêu Nghị quyết.
Giới thiệu với các doanh nghiệp về nhu cầu thu hút đầu tư theo Quy hoạch tỉnh. |
Nam Định đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng, ban hành Quy hoạch tỉnh, phát triển hạ tầng, xúc tiến thu hút thành công các nhà đầu tư lớn giúp tỉnh không chỉ nâng cao vai trò của mình trong khu vực mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng ĐBSH.
Lồng ghép khai thác giá trị liên kết vùng vào quy hoạch phát triển tỉnh
Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra trong bối cảnh các chiến lược lớn của Trung ương được triển khai. Với mục tiêu trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế khu vực ĐBSH, Nam Định đã tận dụng cơ hội vàng này chủ động xây dựng Quy hoạch tỉnh đạt chất lượng cao, lồng ghép, thúc đẩy yêu cầu liên kết vùng ĐBSH, khai thác tối đa tiềm năng của tỉnh và kết nối vùng, quốc gia. Ngày 29/12/2023 Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg, trong đó đã xác định cụ thể tiến độ, nguồn lực, các giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội thực hiện các chương trình, dự án, phát triển các ngành, lĩnh vực. Nam Định đã có cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai khung định hướng phát triển, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các dự án trọng điểm, từ công nghiệp đến kinh tế biển, dịch vụ và đô thị hóa không chỉ ở quy mô tỉnh mà còn ở quy mô liên tỉnh, kết nối vùng và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị lớn của vùng ĐBSH”.
Đáng kể trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW là việc tỉnh đã tăng tốc, tạo đột phá trong đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế – xã hội lớn, nhất là các dự án hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các dự án giao thông, đang được đồng loạt triển khai, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Từ năm 2021 đến nay, Nam Định đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các KCN: Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận; các CCN: Thanh Côi, Giao Thiện, Thịnh Lâm, Yên Bằng, Yên Dương… tạo mặt bằng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp sản xuất đa dạng các ngành nghề. Việc phát triển các khu, CCN không chỉ tạo ra việc làm cho lao động địa phương mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm sự phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp truyền thống. Hiện Nam Định đang tập trung phát triển hệ thống các khu, CCN để đến năm 2030 nâng tổng diện tích các KCN trên địa bàn tỉnh lên 2.546ha và nâng tổng diện tích các CCN lên khoảng 3.178,5ha.
Được tỉnh Nam Định hỗ trợ, Tập đoàn Quanta Computer Inc., đã thuận lợi đẩy nhanh công đoạn đầu tư, sớm đưa nhà máy vào sản xuất, cung ứng sản phẩm máy tính ra thị trường. |
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đinh Xuân Hùng cho biết: “Tỉnh quyết liệt tháo gỡ nhanh “điểm nghẽn” về kết nối giao thông huyết mạch, liên vùng, tạo động lực phát triển để tăng nhanh lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nam Định giờ đây đang từng bước trở thành là một đầu mối giao thông quan trọng của toàn vùng với hàng loạt công trình tầm cỡ”. Trong đó, hạ tầng giao thông đường thủy đã đưa vào khai thác dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ (Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng) dịp cuối tháng 7/2023 góp phần kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang; tạo điều kiện cho tàu chở công-ten-nơ tải trọng 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải rút ngắn về thời gian 5 tiếng trong hành trình di chuyển từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại so với trước kia, đặc biệt là đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền đi qua kênh.
Các dự án giao thông đường bộ lớn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (Giai đoạn I); tỉnh lộ 487B, 488C; cầu Bến Mới. Đồng thời, Nam Định đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển với chiều dài toàn tuyến 33km, có 8 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng); phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị thủ tục khởi công xây dựng cầu Ninh Cường. Các công trình này cải thiện kết nối giữa Nam Định với các tỉnh trong khu vực và cả nước, rút ngắn thời gian vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ logistics. Tuyến cao tốc Hà Nam – Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến thành phố Nam Định và cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định) đang được khởi động đầu tư; khi hoàn thành và đi vào khai thác được kỳ vọng sẽ giúp Nam Định gia tăng năng lực kết nối liên vùng, thoát khỏi “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong suốt 2 thập kỷ qua. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các khu, CCN, các khu vực đô thị mới của tỉnh đến các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, nhằm thúc đẩy liên kết vùng và kích thích dòng vốn đầu tư đổ về.
Thu hút đầu tư bứt phá, đáp ứng kỳ vọng phát triển bền vững
Trong nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phải kể đến việc Nam Định không ngừng cải cách hành chính mạnh mẽ và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư. Tỉnh tập trung xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, minh bạch hóa quản lý Nhà nước và giảm thiểu thời gian, chi phí cho các dự án đầu tư. Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; Trung tâm hành chính một cửa các huyện, thành phố đã đảm bảo tốt các điều kiện, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước. Làm tốt việc hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước về thủ tục, cơ chế, chính sách khi tìm hiểu đầu tư vào tỉnh.
Cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định mới được hợp long, góp phần tăng thêm tính kết nối liên Nam Định với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Ảnh: Thanh Tuấn
|
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ công tác 874 chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, đề xuất phương án giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo giải quyết đối với những nội dung thuộc thẩm quyền các sở, ngành, các huyện, thành phố Nam Định; kiến nghị giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương. Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục pháp luật không có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiên phong vào cuộc trực tiếp, chủ động tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, thuế, đất đai, và tiếp cận vốn, bảo đảm tiến độ cho các dự án quan trọng. Với quan điểm coi sự thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh, Nam Định đã xây dựng được niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Điều này được minh chứng bằng việc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Tập đoàn Quanta Computer Inc., được cấp chỉ sau 1,5 ngày kể từ khi nhà đầu tư có văn bản đề nghị; chỉ 6 ngày sau được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và sau 20 ngày ký kết thỏa thuận phát triển dự án được ký kết. Kết quả này đã tạo dựng niềm tin, giúp các nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, lợi thế, và hiệu quả khi sản xuất, kinh doanh tại Nam Định. Từ đó, đã ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư quy mô, vị thế toàn cầu lựa chọn Nam Định là địa điểm đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Văn Quyết, chia sẻ: “Trong thu hút đầu tư, tỉnh đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, phát triển xanh, bền vững, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh, góp phần tăng nhanh quy mô kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Từ năm 2021, Nam Định không chỉ ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng dự án mà còn tạo ra cú hích lớn về chất lượng và quy mô, đáp ứng kỳ vọng phát triển bền vững; toàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 256 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 115.565 tỷ đồng và 635,8 triệu USD (tổng vốn đầu tư đăng ký đã vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025). Thu hút đầu tư FDI không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn mà còn tạo được làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, công nghệ cao, khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Nam Định. Hầu hết các dự án đều tiến hành triển khai xây dựng ngay sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư; nhiều dự án đã sớm hoàn tất xây dựng, lắp đặt máy móc, vận hành sản xuất, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh”.
Những cơ hội từ các chính sách và hạ tầng đang được đầu tư sẽ chính thức mở ra cơ hội mới để Nam Định vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế, vai trò cầu nối trong chiến lược liên kết vùng ĐBSH, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực và cả nước.
Năm 2023, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh đứng thứ 23/61 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố tăng 5 bậc so với năm 2022. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt tổng số 66,67 điểm, cao hơn năm trước 1,38 điểm; nằm trong nhóm tỉnh đạt điểm số trung vị của cả nước (66,66 điểm).
|
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202412/nghi-quyet-30-nqtwcua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoivung-dong-bang-song-hong-kim-chi-nam-duanam-dinh-tro-thanh-cuc-phat-trien-quan-trong-cua-vung-nam-dong-bang-song-hong-ky-3-af277aa/