Thời điểm này, người chăn nuôi tại các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm (GSGC) để chuẩn bị xuất bán, phục vụ nhu cầu thị trường những tháng cuối năm. Bên cạnh những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng con nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cùng với các huyện, thành phố đang tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.
Công tác kiểm dịch sản phẩm thịt lợn được các lực lượng chức năng thực hiện ngay tại cơ sở giết mổ, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngành chăn nuôi 10 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đàn lợn (không tính lợn con theo mẹ) ước đạt 587.021 con, tăng 4,9%; đàn trâu, bò ước đạt 36.598 con, tăng 1.537 con (tương đương tăng 4,4%); đàn gia cầm ước đạt 1,448 triệu con, tăng 571 nghìn con (tương đương tăng 5,8%) so với năm 2023. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông thông suốt. Đến ngày 26/11/2024, Sở NN và PTNT đã cấp 2.566 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; trong đó kiểm dịch vận chuyển động vật trên cạn được 199.401 con lợn; hơn 1,1 triệu con gia cầm giống; 786.656 con gia cầm thịt; 9.600 con thỏ; kiểm dịch động vật thủy sản được 1,6 triệu con ngao hai cùi; 112 nghìn chùm hàu; 4 triệu con vẹm xanh; 2 triệu con sò huyết; 80 thùng trứng cá hồng mỹ và 56,7 nghìn con cá các loại; kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật được 1.000 tấn.
Tuy nhiên, hiện trên cả nước đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát tại các tỉnh tiếp giáp với Nam Định khiến nguy cơ lây lan và bùng phát bệnh cao; thời tiết đã chuyển sang đông, dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại làm GSGC không kịp thích nghi, sức đề kháng suy giảm… Hơn nữa những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán năm 2025, nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ trà trộn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Vì vậy, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi, chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Đồng chí Nguyễn Duy Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nên lãnh đạo các đơn vị luôn tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ các kiểm dịch viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phát triển giúp cung cấp kịp thời những thông tin về lô hàng đến cơ quan thú y nội địa nơi đến. Hệ thống phát hành biên lai điện tử cho mỗi cán bộ làm kiểm dịch nhanh, thuận tiện giúp kiểm dịch viên dễ dàng cập nhật và làm các thủ tục chứng từ thanh toán phí, lệ phí kiểm dịch cho các tổ chức, cá nhân đăng ký làm kiểm dịch. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được các kiểm dịch viên thực hiện đúng quy định. Cụ thể, trước khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh, chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục Chăn nuôi và Thú y qua email của cán bộ đầu mối. Căn cứ vào tình hình, số lượng đăng ký làm kiểm dịch thực tế trong ngày, cán bộ đầu mối sẽ phân công cho cán bộ làm công tác kiểm dịch được ủy quyền trực tiếp đến cơ sở thực hiện việc kiểm dịch. Trong quá trình kiểm tra có thể lấy mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định tại phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, ngày 30/6/2016, Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT và Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT). Tiến hành niêm phong, kẹp chì phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật; hướng dẫn, giám sát chủ hàng thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; thông báo cho cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến qua thư điện tử hoặc chuyển fax các thông tin: Số giấy chứng nhận kiểm dịch, ngày cấp, số lượng hàng, mục đích sử dụng, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển. Thực hiện thông báo ngay sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật vận chuyển để làm giống; tổng hợp thông báo theo tuần đối với động vật vận chuyển để giết mổ; trường hợp động vật không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và tiến hành xử lý theo quy định.
Huyện Ý Yên là địa phương tiếp giáp với 2 tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, chăn nuôi GSGC với số lượng trang trại, gia trại lớn, vì vậy luôn chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, bảo đảm vệ sinh thú y đối với nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, giết mổ sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán con giống. Trong quá trình kiểm tra đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cho động vật và phòng lây nhiễm một số bệnh từ động vật sang người; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật; yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, theo Luật Thú y hiện nay không còn quy định kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến hiện nay quy định này ảnh hưởng đến việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tiềm ẩn mối nguy mất an toàn thực phẩm và gia tăng nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Do địa bàn rộng, có nhiều đường ngang, ngõ tắt sang các địa phương khác nên công tác kiểm soát việc vận chuyển động vật nhập vào tỉnh còn hạn chế gặp nhiều khó khăn do không có đủ nguồn nhân lực. Sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác kiểm dịch, Công an, Quản lý thị trường trên địa bàn được giao phụ trách kiểm dịch còn hạn chế.
Để bảo đảm an toàn cho sản xuất chăn nuôi và đàn vật nuôi trong thời gian tới, đặc biệt dịp cuối năm, cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật Thú y, nhất là việc kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định từ tỉnh ngoài vào địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng về điều kiện vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại nơi xuất phát. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tích cực kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh, trong đó chú trọng việc kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật nhập lậu trái phép.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202411/tang-cuong-kiem-dich-dong-vatva-san-pham-dong-vat-dip-cuoi-nam-e127c48/