Kỳ I: Khi chức sắc tôn giáo là đại biểu dân cử: Hòa hợp tôn giáo với chính quyền
(Tiếp theo)
Kỳ II: “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm” trong sắp xếp đơn vị hành chính
Nam Định là một trong ba tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Với tinh thần “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm” của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về sắp xếp ĐVHC góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, để Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn “Xã mạnh góp phần huyện mạnh, huyện mạnh góp phần tỉnh mạnh, mỗi tỉnh mạnh thì góp phần cho Trung ương và cả nước mạnh”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tháng 10/2024. |
Xã, huyện mạnh thì tỉnh mạnh,
đất nước hùng cường
Trên địa bàn huyện Xuân Trường có Tòa Giám mục Bùi Chu là trung tâm điều hành hoạt động Công giáo 6 huyện phía nam tỉnh và một phần thành phố Nam Định; dân số trên 21 vạn người, trong đó có khoảng 30% dân số là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Thực hiện Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 (Nghị quyết 1104) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định, huyện Xuân Trường có 9 xã thuộc diện sắp xếp sáp nhập thành 3 ĐVHC mới. Trên 93% cử tri được lấy ý kiến đồng thuận với chủ trương sáp nhập và tên gọi của ĐVHC mới. Sau khi sắp xếp, huyện Xuân Trường có 14 ĐVHC cấp xã, gồm 13 xã và 1 thị trấn
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư chi bộ 6, Đảng bộ xã Xuân Giang (Xuân Trường) cho biết: Xóm 6 có trên 80% người dân theo đạo Công giáo, ngoài trồng lúa, bà con đi làm ăn xa tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Xuân Giang được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Xuân Đài, Xuân Phong, Xuân Thủy. Với trách nhiệm là Bí thư chi bộ, đảng viên Công giáo, bản thân tôi cùng đảng viên và thành viên Ban công tác Mặt trận xóm 6 đến các gia đình thông báo cho những người đi làm ăn nơi xa sắp xếp công việc, thời gian có mặt tại địa phương thực hiện quyền, nghĩa vụ cử tri trong việc lấy ý kiến về sáp nhập ĐVHC mới.
Nhân dân xã Hải Trung (Hải Hậu) hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. |
“Ngày 7/12/2023, Ban công tác Mặt trận xóm 6 tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp HĐND xã cuối năm và để tuyên truyền về đề án sáp nhập xã tới các tầng lớp nhân dân trong xóm. Nhìn chung, nhân dân, nhất trí cao; song, vẫn còn một bộ phận người dân băn khăn về chủ trương này, nhất là những người đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương. Tôi đã cùng tổ công tác đến tận các gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích về chủ trương lớn của Đảng đối với việc sáp nhập ĐVHC; xin số điện thoại để liên hệ trực tiếp với các hộ đang ở xa quê. Với tinh thần trách nhiệm cao của từng thành viên trong tổ công tác xóm 6, của mỗi đảng viên trong chi bộ nên khi lấy ý kiến cử tri thì đại đa số cử tri đã đồng thuận, nhất trí cao với đề án sáp nhập, thành lập xã Xuân Giang, đạt tỷ lệ 99%”, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Thị trấn Cồn (Hải Hậu) hoạt động từ 1/9/2024 trên cơ sở sáp nhập từ các xã Hải Chính, Hải Lý và thị trấn Cồn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cồn cho biết: Thị trấn Cồn sau sáp nhập có diện tích tự nhiên 11,58km2; quy mô dân số 27.896 người, 7.496 hộ dân; có 7 giáo xứ, 12 giáo họ, 1 chùa Cồn; hơn 70% dân số theo đạo Công giáo. Đảng bộ thị trấn có 803 đảng viên sinh hoạt tại 40 chi bộ. Sau 2 tháng sáp nhập, thị trấn thực hiện sắp xếp giải quyết chế độ, chính sách trên cơ sở tự nguyện của cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và cán bộ đoàn thể chính trị – xã hội cấp xã dôi dư khi kiện toàn tổ chức bộ máy. Tập trung cao trong công tác giải phóng mặt bằng khu đô thị Cồn – Văn Lý; điều chỉnh quy hoạch chung tạo ra không gian phát triển lâu dài, tầm nhìn đến năm 2050.
Thượng tọa Thích Thanh Trường, đại biểu HĐND thị trấn Cồn nhiệm kỳ 2021-2026 nêu: Việc lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp ĐVHC thị trấn Cồn diễn ra rất thuận lợi, 100% cử tri đồng thuận với chủ trương sáp nhập. Sau sáp nhập, HĐND thị trấn tổ chức 2 kỳ họp: Bầu chức danh lãnh đạo HĐND, UBND; thông qua đề án đổi tên xóm thành tổ dân phố. Thị trấn Cồn thành lập và đi vào hoạt động đảm bảo yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, đảm bảo quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Trần Minh Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hậu cho biết: Là huyện trọng điểm về tôn giáo của tỉnh với 42% dân số theo đạo Công giáo, thực hiện Nghị quyết 1104, huyện xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập 15 ĐVHC cấp xã thành 5 ĐVHC mới trình cấp có thẩm quyền; tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân; đã thống nhất được tên gọi của ĐVHC cấp xã mới và địa điểm đặt trụ sở làm việc của xã mới với đồng thuận cao của nhân dân (đạt trên 99%, trong đó 3 đơn vị đạt 100%). Sau khi sắp xếp, huyện Hải Hậu có 24 ĐVHC cấp xã, gồm 21 xã và 3 thị trấn đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, bình thường, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Các xã, thị trấn mới thành lập tập trung thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Hệ thống chính trị quyết liệt,
nhân dân đồng thuận
Tại địa bàn huyện Giao Thủy có 3 tôn giáo được công nhận là: Đạo Phật, Thiên chúa giáo (27% dân số) và Đạo Tin lành với 42 chùa, 23 giáo xứ, 87 giáo họ; có 98 tăng, ni; 30 linh mục và 1 mục sư. Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.
Ngày hội Văn hóa, thể thao truyền thống mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của huyện Hải Hậu. |
Từ 1/9/2024, thị trấn Giao Thủy (Giao Thủy) đi vào hoạt động trên cơ sở nhập xã Hoành Sơn, Giao Tiến, thị trấn Ngô Đồng, có diện tích tự nhiên là 17,33km2 và quy mô dân số là 36.881 người. Theo Hòa thượng Thích Tâm Thiệu, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Giao Thủy, đại biểu HĐND huyện Giao Thủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026: Tỷ lệ cử tri đồng thuận với chủ trương sáp nhập và tên gọi của ĐVHC mới là thị trấn Giao Thủy rất cao (đạt tỷ lệ 99,55%). Việc sáp nhập ĐVHC cấp xã là phù hợp, tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Giao Thuỷ, tạo điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã; sắp xếp hợp lý nguồn lao động sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Toàn tỉnh Nam Định sau khi sắp xếp, tỉnh có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 1 thành phố và 8 huyện; 175 ĐVHC cấp xã, gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn; là một trong 3 địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chủ trương, quyết sách lớn của Quốc hội. Các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, bình thường, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 được nâng lên.
Tháng 8/2024, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” và yêu cầu về “xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó, việc sắp xếp ĐVHC là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Xã mạnh góp phần huyện mạnh, huyện mạnh góp phần tỉnh mạnh, mỗi tỉnh mạnh thì góp phần cho Trung ương và cả nước mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực cố gắng, những kết quả nổi bật trong việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định. Việc sắp xếp ĐVHC là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tư tưởng, tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán hình thành từ lâu đời của nhân dân mỗi địa phương.
100% cử tri đồng thuận với chủ trương sáp nhập thành lập thị trấn Cồn (Hải Hậu) trên cơ sở sáp nhập các xã Hải Chính, Hải Lý và thị trấn Cồn. |
Trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định trên tinh thần đoàn kết đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển và phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ “Vừa qua, tôi được biết đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc, gặp gỡ với các đối tượng chịu sự tác động để cùng với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, tiến hành bài bản, khoa học, chắc chắn từng bước theo trình tự, thủ tục, hướng dẫn của Trung ương và đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng kế hoạch đã đề ra; tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân”.
“Năm 2017, khi về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những dặn dò, chỉ đạo hết sức sâu sắc và vô cùng thấm thía là: Tỉnh ủy Nam Định đoàn kết hơn nữa, phấn đấu vươn lên, không được thua kém tỉnh khác; đặc biệt là phải làm thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ. Đảng không trong sạch, vững mạnh, không lãnh đạo sáng suốt, nội bộ không đoàn kết, ý thức kỷ luật không nghiêm sẽ không thể lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng: Với vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Nam Định trong vùng đồng bằng sông Hồng, với truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng và những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; với khát vọng ý chí vươn lên mạnh mẽ và sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Nam Định giữ vững và duy trì sự ổn định để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, toàn diện, bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước, là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm Nam Định: “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc”.
|
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Việt Thắng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202411/tac-pham-tham-du-giai-dien-hong-lan-thu-iii-nam-2025-phat-huy-hieu-qua-thuc-thi-luat-tin-nguong-ton-giao-gop-phan-cung-co-khoi-dai-doan-ket-vi-que-huong-thinh-vuong-ky-2-b106f53/