Hạ tầng là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế đã được Trung ương xác định. Đối với tỉnh Nam Định, địa phương ven biển, không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, địa kinh tế thì đây càng là yêu cầu cấp thiết để có thể tạo ra thế và lực cho kinh tế địa phương bứt phá. Trong suốt 4 năm qua, điều này đã được chứng minh trên thực tế. Những chủ trương, quyết sách đúng và trúng của Thường trực, Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự đoàn kết, nhất trí thông suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cùng với các giải pháp về quản trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số đã tạo nên sức hấp dẫn đầu tư mới cho tỉnh. “Giao thông đi trước một bước”, mở đường đưa Nam Định tiến nhanh trên hành trình “trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Hệ thống hạ tầng giao thông khu vực Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng được đầu tư xây dựng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư. |
Kỳ I: “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”
Trong nhiều nhiệm kỳ qua, một “điểm nghẽn” lớn làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực, cản trở sự phát triển của tỉnh đã được chỉ ra là hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông chiến lược kết nối liên vùng. Là tỉnh đồng bằng châu thổ thuộc vùng hạ lưu sông Hồng, đặc điểm địa hình tự nhiên của tỉnh bằng phẳng song địa bàn bị chia cắt bởi các sông lớn: Đào, Ninh Cơ, Đáy, Hồng, trong khi hệ thống cầu cứng vượt sông còn ít; trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường tỉnh nhiều điểm vượt sông còn phụ thuộc vào các bến phà, bến đò ngang khiến giao thông đường bộ chưa thông suốt, thuận lợi, hạn chế năng lực vận tải. Nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Vật liệu thiên nhiên tự khai thác chỉ có cát đen (các sông Ninh Cơ, Đào), đất đắp tại một số mỏ với trữ lượng không lớn. Các vật liệu quan trọng như đá, cấp phối đá, vôi, xi măng, thép,… đều phải mua và vận chuyển từ các tỉnh lân cận. Địa bàn đất chật, người đông nên muốn mở rộng hay mở đường mới thì khối lượng diện tích và chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn; chưa kể những phức tạp nảy sinh trong quá trình giải tỏa… Các yếu tố trên dẫn đến suất đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) tăng cao, trong điều kiện ngân sách tỉnh hạn hẹp, nguồn vốn đầu tư vào xây dựng hạ tầng GTVT còn hạn chế. Vì thế, nhiều năm liền giao thông vẫn là “cái khó bó cái khôn” trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Theo đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, do quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, vì vậy nhiệm kỳ này, tỉnh phải bứt tốc huy động đầu tư phát triển giao thông để khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng các khu dân cư tập trung, dẫn đến khối lượng phải GPMB lớn… Bởi vậy, mục tiêu xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông…
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển mà tỉnh đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Để tạo sức bật mới thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cả hệ thống chính trị đã xác định mục tiêu xuyên suốt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm và các khu, cụm công nghiệp; tiến độ hoàn thành các quy hoạch; chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị khẳng định: Trong những năm qua, toàn tỉnh như một đại công trường (các dự án, công trình thuộc nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách), do đó GPMB là khâu quan trọng, quyết định tiến độ của các dự án. Công tác GPMB đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định trong GPMB được triển khai tích cực, tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận của đại đa số nhân dân trong vùng dự án. Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển đi qua 5 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường và Giao Thủy có tổng chiều dài khoảng 24,66km là một trong những dự án giao thông trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nên ngay từ khi được khởi công năm 2022, các huyện trong vùng dự án đã quyết liệt, tích cực triển khai công tác GPMB. Đồng chí Doãn Quang Hùng, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy cho biết: Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển đoạn đi qua huyện Giao Thuỷ có chiều dài 2,59km, diện tích dự án dự kiến chiếm dụng là 25,42ha thuộc địa phận 3 xã Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Yến. Xác định được tầm quan trọng của dự án sẽ mở ra không gian phát triển mới, là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương có dự án đi qua và của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Dự án này sớm hoàn tất sẽ khắc phục nhược điểm lớn về giao thông, giúp Giao Thủy kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm, năng động của cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác trong tỉnh. Vì thế thời gian qua huyện Giao Thủy đã tập trung quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB phục vụ thi công dự án. Trong quá trình thực hiện bồi thường GPMB huyện đã chủ động công khai dự án, các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của Nhà nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến các địa phương, huyện Giao Thủy đã hoàn thành công tác GPMB toàn tuyến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển với 25,42/25,42ha, đạt 100%, bàn giao mặt bằng sạch cho Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư huyện để bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng tiến độ đề ra.
Thi công hạng mục cầu sông Sò nối huyện Giao Thủy và Hải Hậu trên tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển. |
Không chỉ huyện Giao Thủy, thời gian qua công tác GPMB được các huyện, thành phố Nam Định triển khai tích cực, quyết liệt nên mặt bằng nhiều dự án quan trọng được bàn giao đúng tiến độ để kịp thời triển khai thi công, hoàn thành đúng kế hoạch đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Có thể kể đến các dự án như: Dự án đường dây 500kV (tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là một trong các địa phương bàn giao mặt bằng sớm nhất); Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với tỉnh Nam Định. Tại các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đều cho thấy rõ nét tinh thần “3 quyết” (quyết tâm, quyết liệt, quyết làm) của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; người đứng đầu các địa phương, đơn vị dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện các phần việc liên quan. Hàng tuần, UBND tỉnh đều họp, kiểm điểm và đốc thúc tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đang dần hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Hoàn thành công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (tỉnh lộ 490). Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Bệnh viện Đa khoa tỉnh,… Tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Dự án xây dựng cầu Bến Mới; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.
Giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế; “giao thông đến đâu làm giàu đến đấy”, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm cho thấy khi giao thông được khơi thông đảm bảo sự kết nối liên hoàn, thông suốt sẽ mang đến các nguồn lực và cơ hội phát triển mới.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung
Nguồn: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/Bai-du-thi-Giai-bua-liem-vang/202410/tac-pham-du-thi-giai-bua-liem-vang-lan-thu-ix-nam-2024-dot-pha-ha-tang-giao-thong-chia-khoa-phat-trien-79e2225/