Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển trên địa bàn liên huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1720/QĐ-UBND, ngày 13/8/2024.
Quang cảnh thị trấn Lâm – trung tâm văn hóa, kinh tế – xã hội của huyện Ý Yên. |
Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 505km2, gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 2 huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên. Khu vực quy hoạch có bờ biển dài khoảng 26,3km đã được xác định là vùng động lực kinh tế của tỉnh về phát triển kinh tế biển. Đây là vùng có các dự án đang được triển khai và đầu tư xây dựng như: Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông; 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện (Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện, Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Khu kinh tế (KKT) Ninh Cơ nằm trên địa bàn hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Với vị thế đó, tầm nhìn đối với vùng liên huyện Ý Yên – Nghĩa Hưng đến năm 2030 sẽ là khu vực phát triển năng động theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm và chuyên sâu về đô thị, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn đến năm 2040, phát triển kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái sông, biển và nông nghiệp công nghệ cao) theo chiều sâu. Tầm nhìn đến năm 2050, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với hệ thống các đô thị phát triển bền vững, môi trường sống chất lượng cao.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên có định hướng phát triển không gian thành 3 khu vực gồm: khu vực phát triển đô thị; khu dân cư nông thôn và khu chức năng. Khu vực phát triển đô thị: định hướng đến năm 2030, huyện Nghĩa Hưng phát triển 1 đô thị loại IV là thị trấn Rạng Đông mở rộng (sáp nhập thêm các xã Nam Điền, Nghĩa Lợi, Phúc Thắng) và 3 đô thị loại V là thị trấn Liễu Đề mở rộng (sáp nhập thêm xã Nghĩa Trung), sáp nhập thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Tân, Nghĩa Bình thành thị trấn Quỹ Nhất, đô thị Nghĩa Minh (sáp nhập từ các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh); Huyện Ý Yên phát triển 1 đô thị loại IV là thị trấn Lâm và 2 đô thị loại V là đô thị Bo (sáp nhập với các xã Yên Bình, Yên Chính) và đô thị 4 xã. Định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Huyện Nghĩa Hưng nâng cấp thị trấn Quỹ Nhất mở rộng thành đô thị loại IV; xây dựng toàn huyện Nghĩa Hưng đạt các tiêu chí đô thị loại IV, hướng đến thành lập thị xã trong tương lai; Huyện Ý Yên quy hoạch 2 đô thị loại V là đô thị Yên Đồng, đô thị Yên Lộc – Yên Cường. Khu vực dân cư nông thôn tiếp tục phát triển theo cấu trúc mạng như hiện nay và tuân thủ định hướng của các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã đã được phê duyệt.
Khu chức năng của vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên gồm phát triển KKT Ninh Cơ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; phát triển các KCN. Đến năm 2030, huyện Nghĩa Hưng thành lập KCN Minh Châu quy mô giai đoạn 1 là 100ha; huyện Ý Yên quy hoạch hình thành KCN Hồng Tiến 114ha và KCN Trung Thành 200ha. Đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Huyện Nghĩa Hưng mở rộng KCN Minh Châu thêm 200ha, quy hoạch KCN Hồng Phú 200ha; huyện Ý Yên quy hoạch thêm 3 KCN: Yên Chính 150ha, Yên Khang 150ha, Yên Nghĩa 150ha. Quy hoạch bổ sung KCN Phong Hưng Khánh quy mô 300ha tại huyện Ý Yên và KCN Nghĩa Sơn quy mô 120ha tại huyện Nghĩa Hưng (theo định hướng tại Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt) nhưng chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, được thực hiện khi có chỉ tiêu sử dụng đất được cơ quan chức năng có thẩm quyền phân bổ.
Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt. Trong đó, đường bộ của vùng gồm đường cao tốc Bắc – Nam quy hoạch mặt cắt ngang 6 làn xe; cao tốc CT.08 (Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng) quy hoạch đạt quy mô 4 làn xe, đề xuất làm đường gom 2 bên các đường cao tốc qua địa phận tỉnh Nam Định, quy mô tối thiểu cấp III đồng bằng; các Quốc lộ 21B, 38B, 37B, 37C (nâng cấp từ đường tỉnh 485) quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (các đoạn qua khu vực đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt); các tuyến đường tỉnh 485, 487, 488B, 488C, 490C quy hoạch đạt cấp III đồng bằng, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 10 quy hoạch đường cấp I đồng bằng, tuyến tránh Quốc lộ 38B với quy mô đường cấp III đồng bằng; tuyến đường bộ ven biển quy hoạch toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng; trục cảnh quan đặc thù Đông Bắc – Tây Nam (theo Quốc lộ 10) dự kiến quy hoạch mặt cắt từ 4-6 làn xe; xây dựng 3 tuyến đường vành đai xanh đô thị, bao quanh 3 vùng đô thị trên địa bàn, thiết kế với tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng. Về các tuyến đường huyện, giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục triển khai thực hiện theo các dự án đã được duyệt, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V đồng bằng; sau năm 2030 sẽ mở mới kết hợp nâng cấp cải tạo hệ thống đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV đồng bằng.
Về giao thông đường thủy bổ sung quy hoạch các bến phao tại vị trí phù hợp trên các sông có tuyến du lịch đường thủy đi qua như sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão sông Đáy tại xã Yên Quang. Quy hoạch cảng thuỷ nội: Cảng hàng hoá Hải Long (tại Yên Bằng), cảng Yên Quang, cảng thủy nội địa Nghĩa Hưng, cảng Hoàng Vinh; các cảng hàng hoá tổng hợp đề xuất: Cảng Nghĩa Sơn, cụm cảng Thịnh Long (từ phà Thịnh Long cũ đến cống Thanh Hương), cảng tổng hợp Nghĩa Bình, cảng Bến Mới. Cảng chuyên dùng: Cảng thủy nội địa Nghĩa Hưng; Quy hoạch bổ sung cảng cạn trung tâm logistics Cao Bồ tại huyện Ý Yên, Quy hoạch 1 cảng nội địa tại khu vực bãi Thanh Hương, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện một số bến thủy nội địa: Bến Trần Văn Chiến, bờ phải sông Đào, xã Yên Lộc, huyện Ý Yên; bến Bảo Trâm, đê hữu Đào, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên; bến An Đức Phát, bờ phải sông Ninh Cơ, xã Nghĩa Phong, Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Hưng. Xây dựng cảng hàng hoá Rạng Đông, giai đoạn đến năm 2025, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng cho cỡ tàu trên 1.000 tấn ra vào; cảng biển Hải Thịnh – Cửa Đáy; cảng biển tổng hợp gắn với nhà máy thép và KKT Ninh Cơ, quy mô đến năm 2030 đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn; bến cảng phục vụ KKT Ninh Cơ, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ khi có yêu cầu, phục vụ các loại tàu có tải trọng đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; bổ sung quỹ đất phục vụ hậu cần cảng, logistics tại các vị trí thuận lợi kết nối hạ tầng kỹ thuật. Về giao thông đường sắt nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu; xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.
Để quản lý, thực hiện đúng quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh chủ trương ưu tiên các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Ưu tiên các dự án hạ tầng khung, các công trình đầu mối đảm bảo kết nối các khu vực công nghiệp – dịch vụ, phát triển đô thị và nông thôn; các dự án đầu tư phát triển cho khu vực đô thị giữ vai trò chủ chốt (đô thị mới 4 xã Ý Yên, thị trấn Lâm, thị trấn Liễu Đề, đô thị Rạng Đông) khu vực có KCN, cụm công nghiệp, khu di tích lịch sử quốc gia; các dự án phục vụ cho đề án nâng loại đô thị, các dự án chỉnh trang, nâng cấp công trình hạ tầng xã hội; các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên.
Bài và ảnh: Thành Trung
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/quy-hoach-xay-dung-vung-lien-huyen-nghia-hung-y-yen-kien-tao-khong-gian-thuc-day-thu-hut-dau-tu-5ab3e56/