Cơn bão số 3 đã gây hậu quả nặng nề đến ngành Nông nghiệp của tỉnh với hơn 17 nghìn ha lúa và cây rau màu bị ngập úng, gẫy đổ, chết trắng khi đang vào thời kỳ thu hoạch. Sau khi bão tan, lũ rút, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục nhằm sớm khôi phục sản xuất.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đi kiểm tra, chỉ đạo sản xuất ngay sau bão. |
Những ngày này tại vùng đồng màu ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực…, nhiều người dân đang tất bật thu dọn đồng ruộng trồng lại các loại rau, hoa màu theo khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Gia đình chị Bùi Thị Thiệp, thôn Trại Rước, xã Thành Lợi có hơn 1 sào rau đã bị phù sa bồi đắp mất trắng. Gia đình anh Nguyễn Văn Khiêm, thôn Xuân Dương, xã Nam Thái (Nam Trực) có hơn 7 sào lúa, chỉ hơn 20 ngày nữa là được thu hoạch, song mưa bão đã lấy đi tất cả. Là một trong những hộ trồng hoa lâu năm tại phường Nam Phong, ông Phạm Văn Sơn, xóm Mỹ Tiến, thôn Phụ Long cho biết: “Nhà tôi có hơn 3 sào trồng hoa cúc đang bắt đầu ra nụ, chuẩn bị thu hoạch và khoảng 2 sào cúc giống. Mưa, lũ trên sông Đào dâng cao đã khiến toàn bộ diện tích hoa bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng. Mưa, lũ đã gây thiệt hại không chỉ trong vụ này mà phải vài năm sau người trồng hoa chúng tôi mới khôi phục lại như trước khi bão xảy ra”. Ông Sơn cho biết thêm, hiện nay giá bán các loại cúc giống đắt gấp 2 lần so với trước nhưng người dân vẫn phải mua để khôi phục sản xuất. Cùng xóm, chị Nguyễn Thị Cúc cũng đang cố gắng cứu vườn hoa hồng bị ngập 7 ngày trong nước lũ. Chị Cúc chia sẻ: “Theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, tranh thủ 2 ngày nay nước rút, trời hửng nắng, tôi mua thuốc về phun vừa trị nấm, trĩ, vừa kích thích rễ hồng sinh trưởng. Hy vọng trời tạnh để cứu lấy 50% số gốc hồng có khả năng sống được để giảm bớt thiệt hại, có nguồn hoa cung cấp cho thị trường dịp cuối năm”.
Mưa lớn kéo dài, nước lũ sông Hồng dâng cao đã làm khoảng 230ha diện tích trồng hoa của các hộ dân ở vùng bối của xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) bị ngập sâu trong nước, địa phương đã phải sơ tán dân vào các trường học, nhà văn hóa, trạm y tế để bảo đảm an toàn. Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Hiện nay, nước lũ trên sông đang rút dần, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh nhà cửa, thu dọn đồng ruộng, tiến hành xới đất, xuống giống các loại hoa phù hợp để có hoa phục vụ mùa Tết Ất Tỵ.
Nhiều cánh đồng lúa ở Nam Trực bị ngập sâu trong nước mưa. |
Ngay sau khi bão tan, nước lũ trên hệ thống các sông rút dần, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng cùng lãnh đạo các ngành chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp đã trực tiếp đi kiểm tra tại các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ và có những chỉ đạo cụ thể các ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để tiêu nước cứu lúa, cây màu, bảo vệ sản xuất. Ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng ứng phó với cơn bão số 3 của các ngành, địa phương, nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT cần thống kê, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão, lũ gây ra. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, vụ mùa năm 2024, tổng diện tích gieo cấy lúa của tỉnh là 70.761ha. Các huyện Ý Yên, Hải Hậu, Giao Thủy… lúa mùa trỗ 70-75% diện tích; các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng lúa trỗ ít hơn được khoảng 20-25% diện tích. Mưa bão kéo dài đã làm khoảng 15 nghìn ha (20% diện tích) diện tích lúa ngập nặng (ngập trắng và ngập cổ đòng). Trong đó, huyện Nam Trực bị ngập nhiều nhất với 4.497ha (60% diện tích); thành phố Nam Định 1.600ha (50% diện tích); Ý Yên 3.040ha (23% diện tích); Trực Ninh 1.630ha (25% diện tích); Xuân Trường 1.183ha (22% diện tích); Vụ Bản 1.000ha (12% diện tích); Nghĩa Hưng 1.060ha (11% diện tích)… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 13/9 đến nay, các trạm bơm tập trung hoạt động bơm tiêu nước chống úng. Hiện nay, mực nước trên các sông: Hồng, Đào, Đáy, Ninh Cơ đã rút nhưng vẫn đang ở mức cao, gây khó khăn cho công tác tiêu úng, cứu lúa màu. Mực nước ngập trong ruộng lúa tiêu rút được từ 25-30cm. Các vùng trũng tiêu thoát chậm, nhất là ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, thành phố Nam Định… Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, diện tích lúa bị ngập từ ngày 9/9 đến ngày 15/9 (ngập 6 ngày) có khoảng trên 5.000ha bị mất trắng và trên 10 nghìn ha bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Đối với diện tích tiêu thoát nước tốt, cây lúa hồi phục, đòng vươn và bắt đầu trỗ bông, khả năng bị thiệt hại từ 30-40% năng suất. Cùng với cây lúa, diện tích cây rau màu hè thu cũng bị thiệt hại 2.236ha (25% diện tích). Diện tích bị thiệt hại trên 70% năng suất là 1.225ha; thiệt hại từ 30-70% năng suất là 1.012ha… Dự kiến tổng thiệt hại khoảng 370 tỷ đồng.
Nhiều ruộng hoa ở Nam Phong bị mất trắng do ngập sâu trong nước lũ. |
Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để khôi phục sản xuất, các địa phương tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc bơm tiêu úng cứu lúa, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng. Đối với diện tích lúa đã trỗ bông và bị đổ, cần buộc, dựng (buộc từ 3-4 khóm/cụm) để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc, chín. Diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trỗ bông thì khoanh vùng và ưu tiên tiêu thoát nước kịp thời không để thời gian ngập đòng lâu sẽ ung thối đòng. Đối với rau, màu, tập trung tiêu thoát nước, tranh thủ thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, đảm bảo năng suất và chất lượng. Những diện tích không có khả năng phục hồi, sau khi nước rút cần tiến hành thu gom tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế trỗ trú ngụ cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Gieo trồng những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá cung cấp rau kịp thời cho thị trường. Những diện tích thiệt hại nhẹ thì cắt tỉa các thân cành đã bị dập, gãy, xới xáo, vun gốc dựng cây. Các địa phương mở rộng phát triển cây vụ đông để bù lại thiệt hại. Mở rộng diện tích gieo trồng các cây: Bí xanh, ngô, cà chua, khoai tây, dưa chuột, đậu tương, rau ăn lá… UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tổ chức đánh giá, thống kê thiệt hại sản xuất lúa mùa và cây màu hè thu theo quy định; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Tranh thủ thời tiết hửng nắng, ông Phạm Văn Sơn, phường Nam Phong (thành phố Nam Định) xới đất xuống giống cúc để có hoa kịp phục vụ thị trường Tết Ất Sửu. |
Dự báo thời gian tới, thời tiết vẫn diễn biến khó lường; mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh, dịch hại phát sinh gây hại lúa, hoa màu. Vì vậy, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, phát hiện và khuyến cáo nông dân biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Hiện, giá bán các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang tăng, do đó các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát thị trường, hạn chế, ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, tạo sự khan hiếm giả và trà trộn kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, thu nhập của nông dân.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/no-luc-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-lu-53153a9/