Vương triều Trần (1225-1400) là triều đại rực rỡ, thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, 3 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII. Trong đó, Vua Trần Nhân Tông sớm nhường ngôi cho con rồi lui về đi tu, trở thành vị Tổ sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lập bao chiến công hiển hách trong cả 3 lần chiến đấu chống quân Nguyên – Mông, khi hóa đã được nhân dân suy tôn là bậc thánh. Các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần Hưng Đạo được các thế hệ người dân Việt Nam thờ phụng tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó Đền Trần – Chùa Tháp tại phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là một trung tâm lớn được khách thập phương tín ngưỡng.
Rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). |
Trong gần 300 lễ hội dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh được tổ chức hàng năm, Lễ hội truyền thống Đền Trần là Di sản văn hóa phi vật thể mang nhiều giá trị đặc sắc và ý nghĩa nhân văn. Từ lâu, dân gian đã truyền tụng câu ca “Tháng Tám giỗ Cha (Đức Thánh Trần), tháng Ba giỗ Mẹ (Thánh Mẫu Liễu Hạnh)”. Lễ hội tưởng nhớ “Cha” (tháng 8 âm lịch) đã đi sâu vào tâm thức mỗi người, trở thành tập tục văn hóa truyền thống thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xung quanh tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có các di sản văn hóa vật thể hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh; các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, phong tục cổ truyền; các cuộc tế lễ, dâng hương với các nghi lễ linh thiêng, huyền bí. Trong tâm thức của người Việt, Ngày giỗ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch) là lễ trọng trong năm. Trải qua hơn 700 năm, các truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành và phát triển khắp cả nước. Trong đó, nhiều hình thức tôn vinh mang tính phổ biến đã tạo nên sức sống trường tồn, bền bỉ, có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với con người.
Tại Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Phổ Minh/Chùa Tháp hàng năm, cứ vào dịp tháng 8 âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức kỷ niệm ngày kỵ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với nhiều nghi lễ quan trọng kèm theo các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đặc sắc phục vụ nhân dân. Vào ngày 20/8 âm lịch (chính hội), ngay từ sáng sớm, lễ rước kiệu được dân làng Tức Mặc tổ chức long trọng, có sự tham gia của hàng nghìn người, đầy đủ các cụ cao tuổi, nam thanh, nữ tú. Lễ rước diễn ra trang nghiêm, đúng nghi lễ truyền thống với trang phục, cờ quạt, chiêng trống cho đến những cỗ kiệu được sắp xếp, trang trí rực rỡ. Trước khi tiến hành lễ rước, các cụ cao tuổi vào Đình Tức Mặc thờ Thành Hoàng làng – Thục Côn Công chúa làm lễ rước lên chầu Đức Vua, Đức Thánh Trần. Đoàn rước kéo dài hàng cây số, đi đầu là đội múa rồng, múa sư tử, tiếp sau là kiệu Phật đình, kiệu quan sứ giả mở đường, kiệu bát cống, kiệu võng, phường hội… Đoàn rước từ Đình Tức Mặc dọc theo chiều dài thôn Tức Mặc lên Đền Trần. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn rước là Chùa Phổ Minh. Sau khi dừng kiệu trước chùa, các cụ cao tuổi vào thắp hương xin bái yết Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi làm lễ ở chùa, đoàn rước tiếp tục đi sang Đền Trần. Tại Đền Thiên Trường, nghi thức dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần được diễn ra trọng thể. Trong không gian linh thiêng, trước ban thờ Trung Thiên, các đại biểu của tỉnh, thành phố Nam Định, Ban quản lý di tích, chính quyền và nhân dân địa phương hàng ngũ chỉnh tề thành kính dâng hương tưởng nhớ các vị vua, liệt tổ, liệt tông nhà Trần. Sau đó đoàn sang dâng hương tại Đền Cố Trạch (xây trên nền nhà cũ của ông), nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Cùng với phần lễ được cử hành trang nghiêm, phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn. Một trong những trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách thập phương phải kể đến trò chơi cờ bỏi, không chỉ để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trí tuệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Hay trò chơi chọi gà vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Chọi gà du nhập vào Việt Nam từ thời Lý, trở thành thú vui của các bậc vương tôn, quý tộc, đến thời nhà Trần phát triển mạnh mẽ trong dân chúng. Qua chất lượng chọi, các “miếng đánh” của các chú gà chiến thể hiện trình độ, kiến thức cũng như “triết lý” nhân sinh của “huấn luyện viên” – chủ gà. Vì thế mà các cuộc chọi gà luôn thu hút đông đảo sự chú ý của người dân. Một bộ môn khác cũng thu hút đông đảo người xem là đấu vật. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng đã treo giải vật rất cao. Ngày xưa, giải thưởng có thể bằng tiền hoặc các vật dụng quý khác như mâm đồng, nồi đồng… Trống vật nổi lên, thu hút mọi người bao quanh sới vật. Người xem bình luận say sưa, khen, chê từng thế, miếng vật của mỗi đô vật. Cuộc thi đấu vật ngoài mang tính giải trí còn giúp động viên, khuyến khích thanh niên trai tráng các làng rèn luyện sức khỏe, nghị lực, ý chí. Ngoài ra, tại lễ hội Đền Trần ngày nay còn rất nhiều trò chơi dân gian khác như: múa rối nước, biểu diễn võ thuật, múa lân – sư – rồng cùng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc: hát chèo, hát văn, cải lương…
Hơn 10 năm qua, từ khi thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội Đền Trần (Lễ hội truyền thống vào dịp tháng 8 âm lịch và Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân), cùng với việc hạ tầng giao thông, các công trình tín ngưỡng tâm linh tại Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần được đầu tư xây dựng, nâng cấp; không gian lễ hội đã được mở rộng lan toả sang các điểm di tích nằm trong Hành cung Thiên Trường xưa. Lễ hội truyền thống Đền Trần, phường Lộc Vượng năm nay do UBND thành phố Nam Định chủ trì tổ chức. Thời gian quản lý lễ hội từ ngày 3/9 đến ngày 2/10 (tức là từ mùng 1 đến 30/8 âm lịch). Các hoạt động lễ hội chủ yếu diễn ra từ ngày 12/9 đến ngày 22/9 (tức từ mùng 10/8 đến 20/8 âm lịch). Theo kế hoạch, sáng 28/8/2024 (tức ngày 25/7 âm lịch), nhà đền tổ chức Lễ Thượng cờ; sáng ngày 3/9 (tức ngày 1/8 âm lịch), nhà đền tổ chức Lễ mở cửa đền (khai hội). Chính hội – ngày 22/9 (tức ngày 20/8 âm lịch) tổ chức các nghi lễ: rước kiệu, tế lễ, dâng hương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian.
Đồng chí Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định, Trưởng Ban tổ chức lễ hội truyền thống Đền Trần năm 2024 cho biết: Để lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, đúng nghi lễ truyền thống và quy định của Nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn và văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương về dự hội, Ban tổ chức lễ hội đã có kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, bảo vệ tài sản, đồ thờ tự của các công trình kiến trúc tại khu di tích; tổ chức thực hiện lễ rước, nghi thức tế lễ theo phong tục truyền thống… Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, lịch sử, ý nghĩa của lễ hội và giá trị di tích; nghiêm cấm các hoạt động cờ bạc dưới mọi hình thức…
Lễ hội truyền thống Đền Trần tháng 8 âm lịch là lễ hội mùa thu tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Hành hương về tham dự lễ hội để tìm về nguồn cội của Hào khí Đông A lẫy lừng; dâng hương, kính lễ tưởng nhớ, tri ân công lao của các Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Tháp và Lễ hội truyền thống Đền Trần đã trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử đấu tranh giữ nước sâu sắc, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba có công với dân, với nước.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/le-hoi-den-tran-noi-hoi-tu-nhung-gia-tri-van-hoa-lich-su-e6641b5/