Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, qua đó khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, nhất là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.
Sản phẩm mắm tôm đạt chuẩn OCOP 3 sao của cơ sở Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). |
Sau khi tốt nghiệp Khoa Du lịch của Viện Đại học mở Hà Nội năm 2012, được sự ủng hộ của gia đình, chị Bùi Thị Nhàn thành lập Doanh nghiệp lữ hành Ecosea với hoạt động chính là đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2014, Ecosea triển khai mô hình lưu trú (homestay) tại huyện Giao Thủy. Qua hoạt động của đơn vị, chị Nhàn nhận thấy, nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng, ở tại nhà của người dân tăng cao. Trong khi đó, Nam Định vốn là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, với những phong tục tập quán văn hóa mang đặc trưng của văn minh lúa nước sông Hồng, là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Vì vậy chị Nhàn quyết định xây dựng ý tưởng về một loại hình lưu trú cao cấp, xây dựng và triển khai mô hình du lịch Ecohost Hải Hậu, trở thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách đến với Nam Định. Năm 2018, chị Nhàn thành lập Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Ecohost, thực hiện ý tưởng Ecohost với định vị mô hình du lịch cộng đồng chất lượng cao nên được khách hàng đánh giá và tín nhiệm. Đây là mô hình kết hợp với gia chủ để đón khách, du khách không chỉ tham quan, khám phá những điểm nổi bật quanh khu vực họ lưu trú, mà còn cùng gia đình người dân chế biến, thưởng thức những món ngon của địa phương; đồng thời những đặc sắc về văn hóa được tái hiện, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm. Trong quá trình làm du lịch, chị Nhàn lên ý tưởng xây dựng các dòng sản phẩm khác nhau cho từng đối tượng khách. Đối với khách du lịch nước ngoài, công ty tập trung vào gói trải nghiệp như đạp xe tham quan làng quê, thưởng thức ẩm thực, giao lưu với các nghệ nhân. Đối với khách du lịch nội địa, công ty chú trọng sản phẩm cho khách check-in tại các nhà thờ lớn, các ngôi chùa cổ, các bãi biển và thưởng thức những đặc sản của tỉnh. Sau thời gian xây dựng và phát triển mô hình, tới nay lượng khách về với mô hình du lịch Ecohost ngày một tăng. Công ty đã xây dựng bộ sản phẩm tour du lịch Khám phá Nam Định bao gồm 5 tour: “Lạc bước giữa trời Âu”, “Đường về xứ đạo”, “Ngỡ ngàng Nam Định”, “Con đường di sản Nam Định”, “Xích lô thành phố Nam Định”. Với 5 tour du lịch này, du khách sẽ được tham quan các nhà thờ, đền chùa nổi tiếng, các điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái cùng việc thưởng thức các món ăn đặc trưng của Nam Định. Thông qua các sản phẩm du lịch của mình, Ecohost đã thu hút một lượng khách hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và cộng đồng tham gia vào mô hình. Hiện, đơn vị đang liên kết với 10 hộ dân ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu thực hiện mô hình này, trung bình, doanh thu mỗi hộ gia đình liên kết đạt từ 20-40 triệu đồng/tháng. Năm 2023, Ecohost Hải Hậu là sản phẩm duy nhất được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá đạt trên 90 điểm, đủ điều kiện để trình cấp trên đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao.
Dù đã ngoài 60 nhưng bà Đỗ Thị Cúc ở khu 3 thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vẫn mạnh dạn khởi nghiệp, kinh doanh lạc đỏ truyền thống. Tận dụng lợi thế địa phương có truyền thống trồng lạc đỏ bởi loài cây này phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương, nhất là nắm bắt tâm lý người tiêu dùng có xu hướng thích sản phẩm lạc đỏ, bà Cúc đã thu mua lạc của người dân trong thị trấn, đầu tư máy bóc lạc tự động và nhân công bóc thủ công, sơ chế, đóng gói, cho ra sản phẩm lạc đỏ truyền thống được khách hàng ưa chuộng. Hiện trên địa bàn thị trấn có khoảng 270ha lạc đỏ, với hơn 10 hộ chuyên thu mua, chế biến sản phẩm này, tuy nhiên chỉ có sản phẩm “Lạc đỏ Thịnh Long” do cơ sở của gia đình bà Cúc đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình, bà Cúc cho biết: Gắn bó với vùng đất Thịnh Long, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giàu lên trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhận thấy, ở quê hương có giống lạc được người tiêu dùng ưa chuộng, tốt cho sức khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, giá thành hợp lý nên tôi tìm hiểu thị trường và quyết định kinh doanh. Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, thị trấn Thịnh Long đang rất quan tâm phát triển các sản phẩm chế biến nông nghiệp đặc trưng của địa phương để giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đây chính là cơ hội để tôi thực hiện ý tưởng chế biến loại lạc đỏ của quê hương”. Với sự chú trọng đến chất lượng cũng như tiếp thị sản phẩm, sản lượng lạc của gia đình bà làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện mỗi năm gia đình bà Cúc tiêu thụ khoảng 20 tấn lạc đỏ ra thị trường, tạo việc làm cho 7-10 lao động địa phương.
Để xây dựng và bảo đảm cung ứng các sản phẩm OCOP của các địa phương, những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ, hỗ trợ các tổ chức kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thêm các điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động các tour, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh, để nông sản chất lượng của tỉnh ngày càng vươn xa ra thị trường. Các đơn vị đạt tiêu chuẩn luôn tìm cách để ngày càng nâng hạng cho sản phẩm, chú trọng nguyên liệu đầu vào, tuân thủ nguyên tắc sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được kiểm soát kỹ chất lượng, đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy trình sản xuất. Nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành, đồng thời tăng cường liên kết lẫn nhau giữa các khâu, công đoạn từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến nền kinh tế thị trường, đem lại uy tín về sản phẩm và thương hiệu, từng bước cải thiện mức sống cho người dân tại vùng nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Từ những nỗ lực trên, chương trình OCOP đã khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202407/no-luc-vuon-tamsan-pham-dia-phuong-a4f10b6/