Xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) có hơn 78% người dân theo đạo Công giáo. Trên địa bàn xã hiện có 5 nhà thờ giáo xứ và 7 nhà thờ giáo họ đều là những ngôi thánh đường cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Trong đó, đặc sắc nhất là nhà thờ xứ Quần Liêu được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá từ năm 2003.
Cảnh quan di tích lịch sử – văn hoá nhà thờ Quần Liêu. |
Theo các ghi chép trong cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Sơn cùng các tài liệu lịch sử địa phận Bùi Chu, vào đời Vua Lê Cảnh Trị (1663-1671) có bốn người là Nguyễn Xuân Dương, Bùi Sĩ Lương quê ở Trà Lũ, Trần Đình Huy quê ở Hải Dương và Vũ Khắc Nhượng quê ở Thái Bình mang theo toàn bộ gia đình đến Cồn Liêu (còn gọi là Quần Liêu) khai hoang lập ấp. Năm 1763 có hai linh mục là Hoàng Thập và Matinhô thuộc giáo xứ Bùi Chu đến Cồn Liêu để truyền giáo. Một thời gian sau cuộc sống đi vào ổn định, các giáo dân đã cùng nhau đóng góp xây dựng nhà thờ với vách gỗ, mái lợp bổi, lập họ Quần Liêu thuộc giáo xứ Tân Lác. Năm 1842 họ Quần Liêu tách khỏi giáo xứ Tân Lác và thành lập giáo xứ Quần Liêu. Từ năm 1884 đến 1953, nhà thờ Quần Liêu tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện thêm các hạng mục. Năm 1996, nhà thờ được đại trùng tu, nâng hệ thống mái thành chồng diêm 2 tầng 4 mái, đắp tượng đài thánh Giuse và thánh Đa Minh trước sân, xây non bộ nổi giữa hồ tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình… Trải qua thời gian, hiện nay nhà thờ giáo xứ Quần Liêu còn giữ được phong cách nghệ thuật kiến trúc dân tộc như các mảng chạm khắc trên bộ vì gỗ truyền thống, mái lợp ngói nam, hệ thống cổng… Đây là nét đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc nhà thờ ở khu vực Nam Định vào thế kỷ XIX, XX.
Về tổng thể, khu di tích nhà thờ Quần Liêu được chia làm hai khu vực. Phía tây là khu nhà thờ rộng gần 9.400m2 bao gồm cổng vào, 2 gác chuông hai bên, tiếp theo là hệ thống sân được lát xi măng bằng phẳng, nhà thờ và hai dãy nhà hội quán. Phía đông là khu vực nhà xứ rộng hơn 11.400m2 bao gồm các hạng mục công trình: Hồ nước phía trước, nhà xứ, nhà hội quán và nhà bếp. Các công trình kiến trúc đều được xây dựng bám theo tâm điểm là nhà thờ. Xung quanh nhà thờ có nhiều cây lưu niên tạo nổi bật kiến trúc trọng tâm. Nhà thờ chính quay hướng nam, được xây dựng theo đồ án mặt bằng cây thánh giá. Nhà thờ xây chồng diêm 2 tầng 4 mái, lợp ngói nam, bờ nóc tạo ô vuông có điểm xuyến hoa thị để giảm trọng lượng cho mái. Phần cổ diêm cao 1,5m có lắp các ô kính hình vuông để lấy ánh sáng tự nhiên. Tường xây bằng gạch với hợp chất của vôi, mật muối. Trên mảng tường mật ngoài có đắp hoạ tiết trang trí các hình kỷ hà, hoa lá… bằng chất liệu vôi trộn giấy bản, đường nét hài hoà uyển chuyển. Nội thất nhà thờ chia làm 3 phần: Toà cuối, toà thánh đường và gian thánh. Khu vực thánh đường gồm 9 gian dọc với 9 bộ vì bằng gỗ lim theo kết cấu “thượng mê hạ cốn” xen lẫn có chồng rường. Hai bên thánh đường có treo 14 khung ảnh chạm gỗ sơn son thếp vàng lộng lẫy, mô tả cuộc đời của Chúa Giêsu. 9 gian có 32 bộ cánh cửa sổ và 4 cửa chính đóng mở dễ dàng nhằm tạo sự thông thoáng cho thánh đường. Toàn bộ gian thánh đường bao gồm có 36 cột gỗ lim chia làm 4 hàng chân. 18 cột cái chia làm 2 hàng với đường kính 50cm, 18 cột quân với đường kính 35cm. Các cấu kiện gỗ trên bộ vì mái đều được gia công với một tỉ lệ thích hợp. Các đề tài chạm khắc trang trí trên bộ vì mái mang phong cách kiến trúc Việt Nam thế kỷ XIX. Trong nhà thờ, gian thánh được xây cao hơn thánh đường khoảng 1m. Từng cấu kiện, từng mảng điêu khắc của gian thánh đều được gia công, sơn thếp với các đề tài như: hình ảnh cây thánh giá, một số hoa lá mang phong cách châu Âu kết hợp những mô típ quen thuộc trong kiến trúc cổ Việt Nam như đề tài hoa lá, tứ quý, rồng phượng… trên các xà, kẻ. Hệ thống vì kèo gian thánh được làm theo kết cấu thượng mê hạ kẻ trường. Đặc biệt trên kẻ trường, xà dọc đều chạm nhiều ô nhỏ, trong mỗi ô đó đều chạm khắc các đề tài hoa văn khác nhau như: cuốn thư, hoa văn chữ thọ, tùng, cúc, trúc, mai hoá long… được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trải qua hơn 100 năm, đến nay nhà thờ xứ Quần Liêu đã được bảo tồn, tôn tạo bề thế khang trang hơn. Các yếu tố gốc trong công trình kiến trúc thể hiện phong cách Á Đông đã hoà quyện cùng với cảnh quan xung quanh các hạng mục công trình khác để tạo tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh.
Hàng năm, tại di tích nhà thờ Quần Liêu diễn ra 11 lễ trọng, tiêu biểu như: lễ Chúa giáng sinh (25/12), lễ Chúa hiển linh (tháng 3), lễ Thánh Guise (tháng 3), lễ Phục sinh (tháng 4), lễ Đức Mẹ lên trời (tháng 8), lễ Đức Mẹ vô nhiễm (tháng 12)… Các dịp lễ trọng là ngày hội lớn của giáo dân với những hình thức sinh hoạt phong phú. Ngoài những lễ nghi được tiến hành trang trọng theo quy định của giáo hội, giáo dân, trong mỗi dịp lễ còn có trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật: leo cây mỡ, bịt mắt đánh trống… Đặc biệt, nhà thờ Quần Liêu là nơi sinh hoạt của các hội nhạc kèn, trống cà rùng. Tiếng nhạc kèn cùng âm hưởng hùng tráng của trống cà rùng từ lâu đã vượt khỏi khuôn viên sinh hoạt tại nhà thờ để tham gia vào các hoạt động văn hóa và các sự kiện chính trị của xã, của huyện. Hiện nay, các giáo họ thuộc giáo xứ Quần Liêu ở xã Nghĩa Sơn đều có hội trống cà rùng. Mỗi hội có từ 40-60 thành viên, trong đó tiêu biểu nhất là giáo họ Ngòi Voi. Thành lập từ năm 1916, lúc đầu có 40 người, hiện nay hội có trên 70 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Các thành viên của hội thường xuyên biểu diễn ở các lễ trọng của nhà thờ Quần Liêu và lễ hội ở các di tích địa phương. Tiếng trống cà rùng, tiếng kèn vang vọng đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hoá của người dân Nghĩa Sơn, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tôn giáo, cùng hướng một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.
Để phát huy giá trị lịch sử – văn hoá di tích nhà thờ Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ công trình văn hoá tín ngưỡng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các vị chức sắc Giáo xứ Quần Liêu tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện phương châm “Kính Chúa, yêu nước”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, tham gia các phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phát động, góp phần cùng bà con các tôn giáo khác đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Bài và ảnh: Viết Dư
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202407/gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-nha-tho-quan-lieu-67e0d28/