Hàng trăm năm trước, cụ Nguyễn Văn Rao (tên thường gọi là cụ Hào Rao) đã mày mò sửa chữa những hỏng hóc trên các con tàu của ngư dân khắp nơi neo đậu về cửa Hà Lạn (Giao Thuỷ). Từ sửa chữa, cụ tự học đóng được những chiếc tàu gỗ trọng tải nhỏ, đặt “nền móng” cho nghề đóng tàu gỗ ở thị trấn Quất Lâm bây giờ. Kế thừa nghề xưa của cụ Hào Rao, hiện những thợ đóng tàu gỗ lành nghề Quất Lâm có thể đóng được những con tàu trọng tải lên đến trên 50 tấn, chịu được sóng to, gió lớn.
Một chiếc tàu du lịch vỏ gỗ được đóng tại Công ty Cổ phần Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC, thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. |
Ngoài 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Chử, tổ dân phố Ninh Tiến, thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) có tới 45 năm làm nghề đóng tàu gỗ. Ông hiện đang “đầu quân” cho Công ty Cổ phần Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC. Theo ông Chử, nghề đóng tàu gỗ ở Quất Lâm xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên của vùng: “Thị trấn nằm ở phía nam huyện Giao Thủy, giáp cửa Hà Lạn là nơi sông Sò hòa mình với Biển Đông. Trước đây, người dân trong thị trấn chủ yếu sinh sống bằng nghề làm muối và đi thuyền. Họ lênh đênh trên biển để khai thác tôm, cá hoặc ngược xuôi trên những nhánh sông buôn bán các loại hàng hóa. Tuy nhiên, do Nam Định không có rừng nên nghề đóng tàu gỗ không phát triển, những người biết nghề đều là dân lao động đi làm ăn xa, học được cách đóng tàu gỗ. Và do các tàu gỗ có thời gian sử dụng không dài, sau một thời gian ngâm trong nước biển một số tàu bị hở mối ghép phải kéo lên bờ để sửa chữa. Lúc này, những người như cụ Hào Rao bằng kinh nghiệm đã tự học nghề sửa, đóng tàu gỗ rồi truyền cho nhiều người dân khác trong vùng”.
Để đóng tàu gỗ, các thợ đóng tàu ở thị trấn Quất Lâm chọn các loại gỗ sến nhập từ Indonesia hoặc gỗ kiền, táu. Gỗ sau khi nhập về xưởng được xẻ thành tấm để đóng tàu, phần lõi chắc chắn nhất của cây gỗ được dùng để làm khung, sườn tàu hình xương cá. Nghề đóng tàu gỗ cũng theo ông Chử là nghề khó, đòi hỏi nhiều yếu tố như sự khéo léo và đầu óc biết tính toán các thông số kỹ thuật của người thợ. “Nói là nghề cần sự khéo léo bởi toàn bộ các công đoạn từ: phác thảo, pha chế nguyên liệu, uốn cong thành mạn và thi công sản phẩm đều làm hoàn toàn thủ công. Trong đó, khâu cần thận trọng, tỉ mỉ nhất là uốn các tấm ván từ dạng thẳng thành cong theo hình dáng con tàu; rồi ván tàu được ghép với nhau theo hình răng cưa, cố định bằng các loại đinh sắt (đinh thuyền). Ngoài ra, để đóng được một con tàu gỗ, người thợ cũng cần phải biết tính toán các thông số kỹ thuật để tàu có thể hoạt động “trơn tru” trên biển”, ông Chử cho biết thêm. Quá trình đóng tàu, do tàu được ghép bằng những tấm ván nên để tàu kín hoàn toàn, không bị ngấm nước, người thợ còn phải xử lý các công đoạn như: “xảm” (trát, bịt) các khe, kẽ, mạch hở. Theo đó, họ sẽ sử dụng một hỗn hợp làm từ phoi tre (tre bương dùng dao bào mỏng) vo với vôi củ và dầu trẩu (một loại cây họ thông) để “xảm” vỏ tàu. Hỗn hợp này khi khô vừa có tác dụng như keo chống nước, có thể kéo dài thời gian sử dụng của con tàu trong 7-8 năm liên tục. Trải qua hàng trăm năm, đến nay nghề đóng tàu gỗ ở thị trấn Quất Lâm gần như vẫn giữ nguyên những “công thức” đóng tàu của các thợ lành nghề xưa.
Có lịch sử hình thành gần 1 thế kỷ, nghề đóng tàu gỗ ở thị trấn Quất Lâm cũng trải qua nhiều thăng trầm. Trước những năm 1970 khi cụ Hào Rao còn sống có thể coi là thời điểm cực thịnh của nghề đóng tàu vỏ gỗ. Khi đó, các thợ nghề đóng tàu gỗ Quất Lâm sinh hoạt trong Hợp tác xã (HTX) Nghề cá Hải Tiến (xã Giao Lâm cũ). HTX cũng là địa chỉ “uy tín” nhất ở Giao Thuỷ có thể đóng mới và sửa chữa được các hỏng hóc của tàu thuyền nói chung. Tuy nhiên, từ những năm 1970-1980 nghề đóng tàu gỗ ở thị trấn Quất Lâm bị “chững lại”, thợ thuyền hầu như không có việc, nghề mai một ít nhiều. Năm 1997, nghề đóng tàu gỗ của người dân thị trấn được khôi phục và phát triển lại.
Đóng tàu gỗ tại Công ty Cổ phần Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC, thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ). |
Phát triển nghề, anh Nguyễn Văn Hùng đã quyết định mở xưởng rồi thành lập Công ty Cổ phần Đóng tàu và Thiết bị tàu thủy HTC. Hiện công ty chuyên đóng những loại tàu gỗ với công suất lớn từ 300-500CV. Đối với tàu từ 300-350CV, anh Hùng thường đóng tàu dài 15m; bề mặt rộng 4,1-4,2m; chiều cao gần 2m, trọng lượng khi hạ thuỷ đạt 27-30 tấn. Tàu công suất 500CV trở lên có chiều dài hơn 25m, chiều rộng 7m, trọng lượng 40-50 tấn. Để đảm bảo cho các con tàu gỗ có công suất lớn giữ được độ “bền” sau những hải trình dài, sau khi lắp ghép xong các bộ phận và vỏ tàu, công ty anh Hùng còn tiến hành các công đoạn bào sửa để đảm bảo độ cong đều và nhẵn; dùng hồ hoặc nhựa đường nóng chảy để bịt các đầu đinh, bu lông; thui đốt vỏ tàu bằng bổi, lá thông từ phần mớn nước trở xuống. Với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, các tàu, thuyền gỗ không cần phải thui đốt nữa mà thay thế bằng cách dùng sơn chống hà để sơn phủ.
Hiện cả thị trấn Quất Lâm có khoảng 40 thợ đóng tàu lành nghề, làm việc chủ yếu tại công ty của anh Hùng với mức lương từ 300-500 nghìn đồng/người/ngày. Trong đó, có những thợ nghề là “bàn tay vàng” trong làng đóng tàu gỗ như: Nguyễn Văn Tơn, Nguyễn Văn Nhượng, Nguyễn Văn Chử… Đặc biệt, từ nghề xưa, mỗi năm thợ đóng tàu nơi đây đã cho xuất xưởng hàng chục con tàu gỗ công suất lớn được các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đà Nẵng… đặt mua. Tàu vỏ gỗ của những thợ nghề Quất Lâm được thị trường yêu thích, đánh giá cao bởi tàu chạy đằm và nhẹ, bộ khung xương và kỹ thuật đóng tàu chắc chắn, tỉ mỉ. Chất lượng tàu tốt, có tính khả dụng cao khiến những tàu vỏ gỗ do thợ nghề thị trấn Quất Lâm đóng không những được ngư dân sử dụng cho mục đích khai thác, đánh bắt gần bờ mà còn khai thác xa bờ từ 25-30 hải lý.
Rời thị trấn Quất Lâm vào một trưa cuối thu nắng vàng rực rỡ, tôi vẫn thấy văng vẳng những tiếng búa, tiếng cưa xẻ của những thợ đóng tàu cần mẫn. Tuy nhiên, những thợ nghề đóng tàu vỏ gỗ lâu năm như ông Chử vẫn còn nhiều mối lo, bận tâm về nghề xưa: làng nghề ít đơn hàng đóng tàu mới; thiếu mặt bằng, không đủ trang thiết bị để tiếp nhận được những con tàu có trọng tải lớn; luồng lạch ngày càng bồi lắng khiến việc hạ thủy tàu lớn và tàu lớn ra vào sửa chữa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đang ngày càng cạn kiệt nên các cơ sở đóng tàu chủ yếu phải nhập gỗ từ Lào, châu Phi với chi phí đắt đỏ và tốn kém hơn. “Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo lắng hơn cả là ngày càng ít thợ trẻ theo nghề đóng tàu gỗ, thiếu nguồn lao động kế cận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có lẽ vì thu nhập từ nghề chưa đủ hấp dẫn”, người thợ cả đóng tàu lâu năm chia sẻ. Và để giải quyết được “căn cơ” những lo lắng trên, đồng thời giữ lửa, phát triển nghề xưa, thiết nghĩ cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành. Từ đó, tạo thêm cơ hội “tung cánh” cho những chiếc thuyền vỏ gỗ được ra khơi đến những vùng biển rộng hơn, xa hơn./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh