Được mệnh danh là “vựa cá” phía bắc tỉnh, càng cận kề Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ thị trường tết ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) ngày càng sôi nổi. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị sắp xếp nhân lực, lưới để tát ao với hy vọng tràn trề về vụ cá bội thu.
Giáp tết, người dân Mỹ Hà tập trung tăng lượng thức ăn, vỗ béo cho đàn cá Koi, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài tỉnh. |
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn xã Mỹ Hà hiện nay đạt 87,83ha, trong đó có 10 trang trại nuôi cá trắm đen và cá Koi, còn lại các hộ nuôi cá truyền thống như trắm, trôi, chép, cá rô đồng;… chủ yếu tập trung ở các thôn Rõ, Chợ Giữa, Nội An, Cửa Đông. Theo UBND xã Mỹ Hà, cách đây gần chục năm, xã chuyển đổi 50ha ruộng trũng, không chủ động được tưới tiêu tại các cánh đồng Ngút, Lướt trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Đồng thời, xã tạo điều kiện để các hộ làm nghề nuôi thủy sản mở rộng diện tích, vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kiến thiết hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn kỹ thuật giúp các hộ nuôi thủy sản áp dụng nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn nhận đất ở vùng chuyển đổi, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp nuôi thủy sản. Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hầu hết các hộ nuôi đã nắm vững kiến thức và áp dụng vào chăm sóc, phòng bệnh cho cá, đầu tư kè bê tông bờ ao chống sạt lở, thẩm lậu nước; lắp đặt máy sục khí, máy đo độ pH để kiểm soát chất lượng nước. Ao nuôi cá đều được các hộ nuôi thường xuyên kiểm tra môi trường nước, duy trì tốt theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng về phòng bệnh, chữa bệnh, lắp đặt hệ thống máng cho ăn tự động nên đàn cá khoẻ; sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thịt cá ngon. Nhiều loại cá của Mỹ Hà, đặc biệt là cá trắm đen, được thị trường ưa chuộng, săn đón bởi nuôi lâu nên cá to, thịt dai ngon.
Vừa tranh thủ cho cá ăn, ông Trần Văn Loan ở thôn Rõ chia sẻ: “Năm nay thời tiết nắng nhiều, lạnh ít nên đàn cá truyền thống nuôi trong 1 mẫu ao hơn 1 năm vẫn khỏe mạnh, tăng trọng đều. Dự kiến vụ tết này sẽ thu hoạch được 1,2-1,3 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí, gia đình tôi sẽ có lãi khoảng 30-50 triệu đồng”. Được biết, trước đây, ít người nuôi nên khá thuận lợi và hiệu quả kinh tế khá, nhưng nay nhiều hộ trên địa bàn cùng nuôi cá trắm đen nên giá xuống thấp, trong khi giá cám thức ăn cứ theo đà tăng cao, khiến người nuôi cá thường xuyên rơi vào cảnh éo le “được mùa mất giá”, tư thương chèn ép. Nhất là từ năm 2020 trở lại đây, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho giá cá trắm đen không còn đạt đỉnh như nhiều năm trước. Nhiều gia đình đã năng động mở rộng diện tích ao nuôi sang các loại cá khác phù hợp với xu thế thị trường. Trên diện tích trang trại 6 mẫu ông Trần Đăng Văn ở xóm 8, thôn Rõ đã thiết kế 7 ao nuôi, trong đó có 2 ao nuôi cá trắm đen và 4 ao nuôi thả cá Koi, 1 ao nuôi cá rô đồng. Ông Văn cho biết: “Cá trắm đen có thời gian nuôi dài, hiện chi phí cám lớn nên nhiều hộ dè dặt không dám nuôi nhiều. Ngược lại, nuôi cá rô đồng và cá Koi chi phí thấp hơn, vốn quay vòng nhanh có thể tái đầu tư cho ao nuôi cá trắm đen. Tính ra, nuôi cá rô đồng trong vòng 3-4 tháng có thể thu hoạch 1 tấn cá, trừ chi phí về mỗi lần thu nhập từ 11-12 triệu đồng. Cá Koi có thể thu hoạch rải rác trong cả năm tùy vào nhu cầu của khách hàng nên nguồn thu cũng khá đều đặn giúp giảm tải áp lực chi phí mua cám. Bình quân mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ nuôi cá Koi”. Anh Trần Văn Giang ở thôn Chợ Giữa cũng chia sẻ: “Cá Koi hiện được thị trường khá ưa chuộng. Gia đình tôi đã thu hoạch 3 ao nuôi cá Koi với sản lượng khoảng 2 tấn, tổng doanh thu hơn 400 triệu đồng”.
Kiểm tra chất lượng đàn cá rô đồng tại ao gia đình ông Trần Đăng Văn, thôn Rõ trước khi xuất bán ra thị trường. |
Cùng với chuyển đổi linh hoạt, đa dạng các con nuôi thủy sản để tránh thị trường bất lợi về giá, các hộ cũng tập trung đầu tư phát triển chế biến sâu sản phẩm từ cá. Tiêu biểu là hộ anh Trần Văn Khoa ở thôn Nội An với 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: cá nướng hun khói, cá cắt khúc và ruốc cá. Bắt đầu nuôi cá từ năm 2003, qua nhiều năm lăn lộn với con cá trắm đen, anh nhận thấy tư duy làm ăn theo kiểu “bán non”, “ăn xổi” không đem lại hiệu quả lâu dài. Năm 2018, anh quyết định đầu tư xưởng chế biến cá; mua lò nướng, máy xao ruốc, máy hút chân không, tủ đông. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cá trắm đen, anh rất chú trọng công tác vệ sinh môi trường, khử trùng ao nuôi bằng vôi bột và chế phẩm vi sinh; thường xuyên thay nước; tận dụng nguồn thức ăn sạch như: ngô, don, ốc bươu vàng. Điều đặc biệt, cá trắm đen dùng để chế biến đều có thời gian nuôi từ 3 năm trở lên để đạt chất lượng thịt săn chắc, ngon. Năm 2021, sản phẩm cá trắm đen của gia đình anh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, gồm cá nướng hun khói, cá tươi cắt khúc và ruốc cá, có mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm cá trắm đen của anh khẳng định được thương hiệu, chất lượng, giá trị, đem lại niềm tin với người tiêu dùng; đồng thời tạo ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản bền vững của địa phương. Hiện tại, anh đang tích cực quảng bá thương hiệu trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook, zalo, cửa hàng thực phẩm sạch, hội chợ thương mại, mở rộng quy mô nhà xưởng, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong tương lai.
Lại một vụ cá đong đầy hy vọng đang đến thật gần với người dân xã Mỹ Hà. Trên khuôn mặt ai cũng đầy phấn khởi, kỳ vọng “được mùa, được giá” để xua tan những nỗi lo lắng về kinh tế trầm lắng, thắp lên động lực và hy vọng về một mùa xuân mới thêm đủ đầy, ấm no./.
Bài và ảnh: Đức Toàn