Theo Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh tháng 10-2023 ước đạt 251 triệu USD, tăng 37,6% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.112 triệu USD. Trong đó, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng hoá xuất khẩu của tất cả các khu vực doanh nghiệp đều bị sút giảm. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 36 triệu USD, giảm 19,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 559 triệu USD, giảm 21,7%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.517 triệu USD, giảm 7,0%. Kết quả này cho thấy, dù các doanh nghiệp xuất khẩu đang lấy lại đà hồi phục nhưng tính chung 10 tháng đầu năm của tỉnh xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng trưởng âm, nằm trong bối cảnh chung của xuất khẩu cả nước là chuỗi suy giảm dài nhất trong hơn một thập kỷ qua, kéo tới gần hết năm. Với kết quả kể trên, cùng nhiều khó khăn vẫn tiếp tục phải đối mặt, tỉnh dự kiến tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn năm 2023 ước đạt 3.000 triệu USD, tuy tăng 4,6% so với năm 2022, song chỉ bằng 90,1% kế hoạch năm.
Dù chịu nhiều tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế, nhưng Công ty Cổ phần May Sông Hồng vẫn chủ động phương án sản xuất, sẵn sàng bứt tốc xuất khẩu khi các thị trường nước ngoài gia tăng sức mua. |
Nguyên nhân của tình trạng kể trên là do sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều nhà bán lẻ trên thế giơi ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó có tỉnh ta, đã đặt mua quá nhiều sản phẩm với kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch. Nhưng thực tế, kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, thay vì mua nhiều hàng tiêu dùng hơn người dân ưu tiên chi tiêu cho các dịch vụ thiết yếu như ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Để giải quyết lượng hàng tồn kho quá cao, các nhà bán lẻ nước ngoài đã cắt giảm đơn đặt hàng sản xuất mới trong năm 2023 làm cho xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm cả tỉnh ta giảm mạnh. Ngoài ra, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chuyển dịch chuỗi cung ứng đến gần với thị trường tiêu thụ nên đã đầu tư nhà máy sản xuất tại nhiều thị trường phân phối lớn như Ấn Độ, Mexico, Brazil… Với xu hướng đầu tư này, tại Việt Nam, cùng với việc đón nhận làn sóng đầu tư FDI chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang thì cũng khiến các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với việc gia tăng đối thủ cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần xuất khẩu hàng hoá tại các thị trường xuất khẩu chính, đơn hàng vì thế bị giảm sút.
Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu cũng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước. Hàng năm, mặt hàng may mặc và giày dép thường chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này, thậm chí các doanh nghiệp quy mô lớn, có vị thế toàn quốc, thương hiệu đã chiếm thị phần tại nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng. Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ từng có tốc độ tăng trưởng ở mức cao so với các mặt hàng khác vào năm 2022, nhưng năm nay cũng giảm mạnh, doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, trước đây, khách hàng thường đặt đơn cho cả năm, nhưng năm nay đơn hàng thường bị chia nhỏ theo quý; đơn hàng nhỏ, ngắn hạn kéo theo mọi công đoạn sản xuất bị bó hẹp quy mô, làm gia tăng chi phí sản xuất. Chỉ có doanh nghiệp ngành hàng nông sản đạt kết quả xuất khẩu khả thi hơn cả nhưng do chiếm tỷ trọng không cao trong tổng kim ngạch so với nhóm hàng dệt may, da giày nên cũng hạn chế tác động đến mức tăng trưởng chung.
Theo ngành Công Thương, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu tiếp tục chịu nhiều thách thức từ việc thiếu đơn hàng. Tuy vậy, giai đoạn từ nay đến cuối năm vẫn được xác định là thời điểm “vàng” để gia tăng xuất khẩu do các thị trường nước ngoài thường có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cao trong các dịp lễ lớn cuối năm. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đã có xu hướng hạ nhiệt; hàng tồn kho của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đang dần chạm đáy. Mặc dù thời gian còn lại không còn nhiều nhưng đây là những tín hiệu được kỳ vọng tiếp thêm sức cho các doanh nghiệp nỗ lực tìm tiếp cận cơ hội bứt tốc xuất khẩu ngay khi các thị trường có dấu hiệu khơi thông, gia tăng sức mua.
Để thúc đẩy xuất khẩu ngành Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên thị trường quốc tế; tận dụng các cam kết, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Tập trung vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Bằng sự nỗ lực tới cùng, các doanh nghiệp và ngành chức năng của tỉnh hướng đến kết quả cao nhất so với mục tiêu đã đề ra trong năm 2023. Về lâu dài, ngành Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp để gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư; đẩy mạnh liên kết kinh tế do đây vừa là giải pháp ứng phó với bất ổn, vừa là công cụ để cạnh tranh chiến lược, nâng cao năng lực và khả năng thích ứng trước biến động khó lường của kinh tế thế giới. Mặt khác, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung đã giúp Nam Định đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư có quy mô lớn, vị thế toàn cầu, sản xuất và xuất khẩu đa dạng các ngành hàng với những sản phẩm quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, chắc chắn sẽ mở ra cơ hội nâng cao giá trị tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý