Trong phát triển kinh tế, huyện Trực Ninh chú trọng phát triển đa ngành, lấy công nghiệp và dịch vụ thương mại là hướng phát triển ưu tiên. Huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đã từng bước đạt được những kết quả tích cực.
Chú trọng không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, giúp Trực Ninh hiện là một trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh về cải cách thủ tục hành chính. |
Huyện Trực Ninh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng lập quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đi đôi với tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện quan tâm phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng tính kết nối liên vùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, lưu chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển công nghiệp, kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đáng kể, đã triển khai xây dựng một số tuyến đường huyết mạch để đảm bảo giao thông thông suốt như tuyến tỉnh lộ 488B mới; đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển. Huyện tích cực hoàn thiện và khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp (CCN) đáp ứng nhu cầu về mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện có 3 CCN diện tích 48,7ha đang hoạt động (gồm CCN Cổ Lễ 9,83ha, CCN Cát Thành 26ha, CCN Trực Hùng 12,86ha) cung ứng mặt bằng sản xuất tập trung cho 49 doanh nghiệp cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Riêng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã tổ chức công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan; lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị và ý kiến đóng góp của các cá nhân, tập thể hoạt động sản xuất, kinh doanh trong huyện; chú trọng xử lý các cán bộ vi phạm quy trình giải quyết hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Trực Ninh hiện là một trong những đơn vị đứng tốp đầu tỉnh về cải cách thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại 15 làng nghề cũng được huyện tích cực hỗ trợ, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm; trong đó nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP nên ngày càng thuận lợi trong tiêu thụ.
Đồng chí Phạm Trọng Duy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tự thân các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng rất nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế. Hơn 530 doanh nghiệp (trong đó có 8 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp FDI) đang hoạt động trên địa bàn huyện đều duy trì sản xuất ổn định và có bước phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 46 nghìn lao động. Đáng kể, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện có quy mô lớn, doanh thu hàng năm cao, giá trị xuất khẩu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nộp ngân sách Nhà nước lớn. Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2023 giá trị xuất khẩu đạt 228 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn lao động. Công ty TNHH Dream Plastic (xã Trực Thái) sản xuất đồ chơi trẻ em doanh thu hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 22 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường An 9 tháng đầu năm 2023 đóng góp ngân sách trên 120 tỷ đồng. Hợp tác xã Lụa Cổ Chất đã tập hợp 11 hộ gia đình còn gìn giữ được kỹ thuật ươm tơ thủ công cổ truyền, tập trung sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống; không ngừng cải tiến nâng tầm chất lượng sản phẩm vải tơ tằm đạt chuẩn OCOP; từng bước đầu tư xây dựng thành công thương hiệu Chất Silk, góp phần đưa danh tiếng làng nghề ươm tơ Cổ Chất vươn tầm ra thế giới. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 10 tháng năm 2023 của huyện ước đạt 6.838 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; ước năm 2023 tăng 14,4% so với năm 2022, tốc độ tăng bình quân trong 3 năm (2021-2023) là 17,12%, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra 14%; ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp may, giày da chiếm tỷ trọng và lực lượng lao động lớn nhất so với các ngành công nghiệp khác.
Thời gian tới, huyện chú trọng thực tốt công tác quản lý, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng các CCN hiện có theo hướng phát triển bền vững và quy hoạch mở rộng (dự kiến đến năm 2030 mở rộng các CCN hiện có từ 48,7ha lên 77,7ha). Tăng cường thu hút đầu tư kinh doanh vào hạ tầng các CCN quy hoạch mới, đến năm 2030 trên địa bàn huyện quy hoạch mới 5 CCN, với tổng diện tích hơn 331ha (CCN Thanh Đạo 71ha, CCN Hưng Nội 56ha, CCN Hùng Thành 65ha, CCN Việt Hùng 72ha, CCN Trực Tuấn 67ha), trong đó CCN Thanh Đạo, CCN Trực Tuấn đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thông báo cho phép nghiên cứu khảo sát kinh doanh hạ tầng CCN. Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển quy hoạch về công nghiệp, thương mại, dịch vụ ven các tuyến giao thông quan trọng như đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển, đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, tuyến tỉnh lộ 488B tuyến mới… Ưu tiên phát triển ngành nghề mới, có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao trong các lĩnh vực như: Thiết bị máy móc, linh kiện điện tử, cơ khí, điện tử viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo (trong đó quan tâm đến các ngành công nghiệp chế biến, phục vụ các sản phẩm nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp).
Với các giải pháp thiết thực, huyện Trực Ninh hướng đến mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là ngành chủ lực, nhất là ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, xử lý chất thải, cơ khí đóng tàu; góp phần xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh về kinh tế./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý