Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với bề dày hình thành, phát triển gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, quê hương văn hiến Thiên Trường – Nam Định có kho tàng di sản văn hóa (DSVH) đồ sộ, đa dạng. Các DSVH này đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục lịch sử, vun đắp niềm tự hào truyền thống tốt đẹp của dân tộc; dẫn dắt, quảng bá hình ảnh quê hương đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Việc bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH này không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn là sự nghiệp chung của cả cộng đồng.
Múa rồng trong lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). |
Về di sản vật thể, toàn tỉnh hiện có 1.348 di tích lịch sử – văn hóa, gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 328 di tích cấp tỉnh, 931 di tích trong danh mục kiểm kê; 5 bảo vật quốc gia cùng hàng nghìn hình ảnh, tư liệu, cổ vật có giá trị. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH thời gian qua đã góp phần gìn giữ bản sắc riêng của du lịch Nam Định trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh và các địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích; thực hiện số hóa di sản, di tích; phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị DSVH. Hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành tu bổ, cải tạo, mở rộng hơn 200 di tích đã được Nhà nước xếp hạng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; trong đó nổi bật là thực hiện các dự án: xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần (thành phố Nam Định); quy hoạch phân khu Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản); tôn tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); xây dựng, trùng tu, mở rộng Khu di tích Chùa Hổ Sơn (Vụ Bản), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường)… Ngoài kinh phí thực hiện một số dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa của Chính phủ và ngân sách của tỉnh, công tác xã hội hóa huy động nguồn lực để gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, danh thắng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân.
Ngoài di sản vật thể phong phú, các di sản phi vật thể đã trở thành “điểm nổi bật” khi nói về văn hóa của Nam Định. DSVH phi vật thể ở Nam Định đa dạng từ các loại hình nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian đến lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian… Về nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian có các loại hình dân ca, dân vũ như: hát chèo, ca trù, hát văn, hát chầu văn, múa rối nước, múa rối đầu gỗ, nhạc kèn, trống hội, múa lân – sư – rồng, cà kheo… Về lễ hội, tỉnh có hệ thống phong phú các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội văn hóa, lễ hội làng nghề. Toàn tỉnh có 236 lễ hội truyền thống tổ chức vào dịp “nông nhàn” đầu xuân và cuối thu; trong đó có 6 lễ hội cấp huyện, thành phố, 230 lễ hội cấp xã, thị trấn và 4 ngày hội văn hóa, thể thao cấp huyện. Nhiều lễ hội có quy mô lớn được tổ chức với các nghi lễ trang trọng và phần hội mang đậm bản sắc truyền thống địa phương, người dân, du khách kết hợp vãn cảnh, chiêm bái các công trình di tích, tham gia các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh. Đặc biệt, đến tháng 11-2023, tỉnh ta có 1 DSVH vật thể đại diện của nhân loại – “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kể từ khi di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là di sản đại diện nhân loại, vai trò của các đồng thầy, thủ nhang và những người giữ quyền sở hữu cơ sở vật chất của di tích thờ Mẫu ngày càng được nâng cao trong việc quản lý di sản, điều hành các nhóm bản hội. Các nghi lễ thờ cúng Thánh Mẫu diễn ra trang trọng, bài bản; huy động được nhiều tiềm lực xã hội để trùng tu, tôn tạo di tích, mở rộng không gian thực hành tín ngưỡng. Ở Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên), những năm gần đây, trong dịp lễ hội hoặc các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng còn có sự tham dự của nhiều giáo dân. Chính sự gắn kết, hòa đồng một cách tự nhiên này đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng và gắn kết sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng. Hội Bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định được thành lập năm 2020, đến nay đã thu hút, phát triển được gần 300 hội viên, tập hợp, đoàn kết cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu; tuyên truyền, bảo vệ giá trị di sản; đấu tranh, phê phán những hành động xuyên tạc bản chất di sản; ngăn chặn tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để truyền bá mê tín dị đoan…
Hát chèo trên sông trong lễ hội “Thái bình xướng ca”, làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản). |
Tại các địa phương trong tỉnh có di tích, đại diện cho cộng đồng đã thường xuyên cùng chính quyền địa phương, ngành VH, TT và DL các cấp trực tiếp đảm nhiệm việc tổ chức, điều hành, theo dõi, giám sát công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo vệ giá trị di sản. Các nguồn lực xã hội được huy động cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia bảo vệ, khai thác giá trị di sản chính là cơ sở tạo ra sự đồng thuận của cộng đồng để duy trì tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, văn minh, đem lại hiệu ứng tích cực trong việc phát huy giá trị DSVH bền vững. Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích, thời gian qua, các DSVH phi vật thể cũng được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Từ năm 2014 đến nay, Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho 13 cá nhân trong tỉnh đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy DSVH phi vật thể của dân tộc thuộc các loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội, tín ngưỡng; lễ hội truyền thống.
DSVH ở Nam Định được bảo vệ, gìn giữ, phát huy, đã và đang ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người phát triển toàn diện trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Trên phương diện kinh tế – xã hội, nhiều DSVH đã trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững. Thực hiện Luật DSVH, ngày 15-7-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị DSVH Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tiêu biểu, các công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc của quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng