Từ kết quả tổ chức thí điểm mô hình tuyến phố thanh toán trực tuyến (TTTT) không dùng tiền mặt tại xã Trực Cường (Trực Ninh), Viettel Nam Định đang tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) và trong năm 2024 sẽ nhân rộng ra mỗi huyện một xã trước khi nhân rộng ra toàn tỉnh. Đây là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng công dân số, tạo dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong nhân dân của Viettel Nam Định.
Nhân viên Viettel Nam Định tư vấn, hỗ trợ người dân xã Trực Cường (Trực Ninh) sử dụng dịch vụ Viettel Money. |
Xã Trực Cường là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Viettel chọn làm điểm xây dựng tuyến phố TTTT. Xã có nhiều lợi thế triển khai dịch vụ TTTT Viettel Money như có 9 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 1 chợ dân sinh và 375 hộ tổ chức sản xuất, kinh doanh; chính quyền xã luôn nỗ lực thực hiện lộ trình Chuyển đổi số (CĐS); người dân năng động nhạy bén tiếp cận với kỹ năng số. Để tạo thói quen TTTT cho người dân, xã đã phối hợp với Viettel đưa dịch vụ Viettel Money thanh toán số toàn diện vào việc chi trả lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách; đóng học phí, thanh toán tiền điện trực tuyến. Hỗ trợ người dân thanh toán bằng mã QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; thiết lập tài khoản Viettel Money cho người dân ở độ tuổi trưởng thành và áp dụng các giải pháp doanh nghiệp số của Viettel cho các đơn vị, đoàn thể tại địa phương như chữ ký số, thư mời điện tử SMS, hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa. Viettel Nam Định thiết lập điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money để người dân có thể nạp, rút, chuyển tiền và sử dụng các dịch vụ tài chính khác; xây dựng thí điểm tuyến phố thanh toán số giúp người dân thuận tiện sử dụng dịch vụ, nhận biết thương hiệu Viettel Money. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các đơn vị và người dân các kỹ năng thực hiện thanh toán số toàn diện trên địa bàn.
Sau hơn 1 tháng triển khai, có gần 100 hộ kinh doanh trên địa bàn xã đã đăng ký sử dụng phương thức TTTT và đều phát sinh giao dịch. Anh Hoàng Điệp, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại, thiết bị di động, xã Trực Cường cho biết: “Cửa hàng tôi đã có nhiều app chuyển tiền của các ngân hàng khác nhau nhưng khi Viettel giới thiệu về Viettel Money tôi đã tìm hiểu, đăng ký và khuyến khích khách hàng khi đến mua bán tại quầy hàng sử dụng dịch vụ thanh toán này bởi tính an toàn, thuận tiện. Ưu điểm vượt trội là không phải mở tài khoản ngân hàng vì nhiều người dân khu vực nông thôn còn tâm lý “ngại” mở tài khoản ngân hàng bởi các khoản tiêu dùng nhỏ. Ngoài ra, thanh toán bằng tiền mặt, vào lúc cao điểm khách mua hàng đông, việc tính toán và chuẩn bị tiền lẻ để thanh toán, trả lại cho khách cũng mất thời gian, nhiều khi còn nhầm lẫn”. Tại một cửa hàng tạp hóa trên trục đường chính gần UBND xã, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thắm đến quầy quét mã QR ứng dụng Viettel Money để trả tiền mua hoa quả, bánh kẹo cho con. Chị cho biết: Tôi làm công nhân cho Công ty TNHH May Tân Thái. Công ty trả lương hàng tháng qua thẻ ATM. Như trước kia, sau khi lĩnh lương lại đi rút hết tiền mặt để chi tiêu. Tuy nhiên số máy ATM ở xã ít, xếp hàng chờ rút nhiều hôm mất vài tiếng đồng hồ rất phiền phức. Trong tháng 10 vừa qua, Viettel triển khai hàng loạt điểm TTTT Viettel Money cho các cửa hàng kinh doanh rất thuận lợi cho chúng tôi khi mua bán. Không chỉ cửa hàng tạp hóa, nhiều cơ sở kinh doanh khác từ bách hóa, hàng chuyên doanh đến các sạp hàng đồ khô, tươi sống, quán ăn sáng, café và hầu hết các tiểu thương ở các thôn, xóm, chợ dân sinh đều trang bị mã QR để thanh toán rất tiện lợi cho chúng tôi. Mỗi cửa hàng đều in sẵn mã QR, để ở vị trí thuận tiện nhất cho khách hàng thanh toán.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp đơn vị cung ứng dịch vụ công dễ dàng quản lý, tạo sự minh bạch trong các khoản chi mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế rủi ro khi mang theo nhiều tiền mặt bên người… do đó góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương về chuyển đổi số; đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Từ đó giúp người dân tích cực sử dụng nền tảng công nghệ số; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương