Cùng với việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa nghề mới về cho người dân, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Người dân thị trấn Lâm (Ý Yên) phát triển nghề mộc truyền thống. |
Về thị trấn Qũy Nhất (Nghĩa Hưng) không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân quây quần trong nhà, ngoài xóm cùng nhau đan lát. Tiếng cười nói rộn ràng cùng nhịp điệu lao động, sản xuất. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các nghề mây tre đan truyền thống như đan nơm, rổ, rá, thúng, nia, nẹp, dần, sàng, túm bắt tép, lờ cáy, lờ rạm, lờ rốc, đó… vẫn được người dân trong xã gìn giữ và phát triển. Ngoài những lúc nông nhàn, bà Nguyễn Thị Sinh, ở tổ dân phố số 5 lại tranh thủ ngồi đan lát. Chia sẻ với chúng tôi, bà Sinh cho biết: “Trước đây nghề đan cói, mây, tre… chỉ là nghề phụ ở địa phương. Những lúc mua tre giá cao mà giá thành sản phẩm rẻ, việc tiêu thụ chậm nhưng hầu như không ai muốn bỏ nghề vì muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Để tạo ra những sản phẩm thủ công sắc nét, ngoài sự tỉ mỉ kiên nhẫn, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, người thợ còn gửi gắm vào đó cả tâm huyết của mình trong từng mối đan để mỗi thành phẩm mây tre đan của làng khi bán ra thị trường không bị lẫn với các sản phẩm của những địa phương khác”. Ban đầu nghề mây tre đan chỉ là nghề phụ trong những lúc nông nhàn nhưng hiện nay đã trở thành công việc tạo ra nguồn thu nhập chính của người dân. Nghề tập trung nhiều nhất ở tổ dân phố số 5 với hàng trăm lao động. Thu nhập trung bình của mỗi người từ 400 nghìn đồng/ngày trở lên, trong đó lao động chủ yếu là người già, những phụ nữ chưa có công việc ổn định và trẻ nhỏ cũng có thể làm thêm.
Cũng như bao làng nghề khác, trước đây, nghề sơn mài ở làng Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) cũng chỉ là nghề phụ của người dân trong những lúc nông nhàn. Trải qua thời gian, hiện nay nghề sơn mài của làng đã được nâng tầm và trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Hiện tại xã đang có trên 30 doanh nghiệp với quy mô từ 50-60 lao động tập trung trở lên; có 3.000/3.587 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm thuộc nhiều ngành nghề như: sơn mài – tre, nứa chắp; mộc mỹ nghệ, hộ ít thì có từ 1-2 lao động thường xuyên; hộ nhiều thì có từ 3-5 người nhận sản phẩm gia công tại nhà cho các doanh nghiệp trong xã. Ước tính, mỗi ngày người dân Yên Tiến sử dụng từ 150 tấn nguyên liệu tre, nứa và hàng chục khối gỗ các loại để phục vụ sản xuất. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Với các sản phẩm sơn mài trên gỗ, chủ yếu là các loại ngai, ỷ, kiệu, tượng, tranh… phục vụ sinh hoạt tôn giáo; người dân làng nghề còn phát triển nhiều mẫu mã sản phẩm tiêu dùng, sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm sơn mài của làng nghề đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố và được xuất khẩu ra một số nước.
Từ nhiều năm trước, người dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đã mở mang nghề trồng hoa trên vùng đất bồi nhưng khá vất vả, sản lượng, chất lượng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Đến nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, việc phát triển trồng hoa tại địa phương đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây. Để nâng cao giá trị nghề trồng hoa, người dân đã mạnh dạn đưa nhiều giống hoa mới về trồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, tạo ra thị trường hàng hóa sôi động. Từ sự thành công của nhiều mô hình đã giúp người nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Từ vùng bãi bồi bị ngập úng, hiện nay trên nhiều cánh đồng đã hình thành được những cánh đồng hoa bát ngát, mang giá trị kinh tế cao. Với gần 600 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh, trên tổng diện tích hơn 90ha; trong đó thôn Hồng Hà 1 với khoảng 200 hộ trồng trên tổng diện tích 40ha; thôn Hồng Hà 2 với khoảng 210 hộ với tổng diện tích 40ha; thôn Bình Dân với khoảng 180 hộ trồng hoa… Diện tích trồng hoa cúc chiếm khoảng 80%, còn lại là các hoa ly, lay ơn, cát tường, hồng tỷ muội, loa kèn… Nghề trồng hoa mang lại thu nhập khá cao, ổn định. Bình quân mỗi sào hoa cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/vụ. Để nâng cao giá trị nghề trồng hoa, xã Mỹ Tân đã quy hoạch và xây dựng vùng trồng hoa trọng điểm tại thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trên diện tích canh tác cho người dân, đưa nghề trồng hoa trở thành nghề chính cho thu nhập ổn định.
Hiện nay, toàn tỉnh có 142 làng nghề, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu với 41 làng nghề, huyện Ý Yên 25 làng nghề, huyện Nam Trực 21 làng nghề… Nhóm làng nghề truyền thống của tỉnh có 29 làng nghề truyền thống, với các sản phẩm như: cây cảnh, đồ đồng, đồ gỗ, mây tre đan… Số đơn vị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong làng nghề có 143 doanh nghiệp, trên 18.100 hộ cá thể, thu hút trên 48 nghìn lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở từng địa phương. Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt gần 6.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm hàng chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm 1,94%; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 10,78%; nhóm hàng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan… chiếm 48,04%; nhóm gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh 37,3%; nhóm xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn chiếm 1,92%. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn đạt từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển các nghề truyền thống cùng với truyền dạy nghề mới phù hợp, coi đây là nghề đem lại thu nhập chính không chỉ giải quyết việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, các làng nghề còn góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi địa phương./.
Bài và ảnh: Hồng Minh