Điện năng là ngành kinh tế, kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đối với địa bàn Nam Định, phát triển năng lượng luôn có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời góp phần tạo sự ổn định về chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp từ đô thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh.
Vận hành hệ thống điện nông thôn trên địa bàn xã Thành Lợi (Vụ Bản). |
Hệ thống lưới điện trên địa bàn Nam Định hiện gồm 4 cấp điện áp, trong đó lưới điện đầu nguồn 220kV cung ứng vào tỉnh do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia quản lý vận hành; hệ thống lưới điện từ 110kV trở xuống do Công ty Điện lực Nam Định quản lý vận hành. Cụ thể, lưới điện đầu nguồn 220kV cung ứng vào tỉnh thông qua 2 trạm biến áp lớn đặt tại các huyện Mỹ Lộc và Trực Ninh, tổng công suất 1.000MVA. Ngoài ra, một phần phụ tải ở 2 huyện Ý Yên và Vụ Bản được cấp điện 220kV từ các tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng cao của các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống cơ khí, đúc nơi đây. Đối với lưới điện 110kV, khu vực Nam Định được cấp từ 17 trạm biến áp, tổng công suất 1.136MVA; lưới điện trung áp gồm 22kV và 35kV có 122 xuất tuyến, tổng chiều dài đường dây là 2.700km; lưới điện phân phối 0,4kV gồm 4.465 máy biến áp, tổng công suất 1.808.383kVA, tổng chiều dài đường dây 14.706km, dẫn điện đến từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình dùng điện.
Đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nam Định đang tập trung nhiều giải pháp, huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy sự bứt phá nhanh, bền vững nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, vì thế nhu cầu sử dụng điện rất cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp (KCN) và 26 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, cơ bản được ngành Điện cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh triển khai mở rộng 1 KCN, thành lập mới 10 KCN và 44 CCN. Tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài; tập trung hỗ trợ, triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng với các tổ hợp dự án: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông Xuân Thiện, Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định… với tổng mức đầu tư gần 100 nghìn tỷ đồng. Dự kiến trong giai đoạn từ 2023-2025, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh cần trên 3,7 tỷ kWh; đến năm 2030, điện thương phẩm của tỉnh tiếp tục tăng đạt trên 5,7 tỷ kWh nhằm phục vụ nhu cầu của các thành phần kinh tế, sinh hoạt, đời sống của người dân.
Đồng chí Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, tỉnh Nam Định đang tích cực phối hợp, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc nhằm từng bước đầu tư, mở rộng hệ thống điện. Trong đó đối với nguồn điện 220kV, theo quy hoạch tỉnh Nam Định đến năm 2025, nhu cầu công suất đạt 1.100MW, đến năm 2030 đạt 1.650MW; vì thế ngành Điện đang tập trung xây dựng trạm biến áp 220kV Hải Hậu để đóng điện vào năm 2024; triển khai đầu tư, mở rộng gấp đôi công suất trạm biến áp 220kV tại huyện Mỹ Lộc và xây dựng mới trạm biến áp 220kV Nghĩa Hưng đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2027… Đối với lưới điện 110kV, trong giai đoạn 2016-2020, các máy biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh mang tải bình quân gần 70% định mức. Từ năm 2021 đến 2023, Nam Định có thêm 5 trạm biến áp 110kV: Liễu Đề, Trực Đại, Nam Điền, Hiển Khánh, Yên Thắng, tổng công suất các máy biến áp tăng thêm 203MVA, đưa tỷ lệ mang tải bình quân giảm xuống còn 61%. Từ nay đến năm 2025, ngành Điện tiếp tục đầu tư 10 dự án điện 110kV trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 1.135 tỷ đồng. Ngoài ra, ngay trong năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Rạng Đông dự kiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới đường dây và trạm biến áp 110kV tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) để bảo đảm cấp điện nội bộ nơi đây với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng… Ở lưới điện trung áp từ 22kV đến 35kV và lưới điện hạ áp 0,4kV, trong giai đoạn 2021-2023, ngành Điện đã đầu tư 117 công trình, tổng mức đầu tư 1.295 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2025, ngành Điện tiếp tục đầu tư 104 tỷ đồng để thực hiện mở rộng các dự án điện trung áp, hạ áp trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, thời gian tới tỉnh Nam Định đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, nhất là đối với các khu vực có nhu cầu điện lớn như các KCN, CCN, các làng nghề truyền thống. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ ngành Điện trong triển khai các thủ tục dự án. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng đúng tiến độ. Các sở, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tiếp tục phối hợp với ngành Điện trong công tác kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện để người dân chấp hành nghiêm các quy định, ngăn chặn sự cố điện và giảm thiểu tối đa tai nạn điện có thể xảy ra./.
Bài và ảnh: Xuân Thu