Kỳ I – Dấu ấn khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là giải pháp then chốt để thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các loại nông sản, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, các đề tài, sáng kiến để giải quyết những vấn đề bức thiết từ thực tiễn sản xuất, xây dựng và hình thành nhiều mô hình có hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Nông dân xã Giao Thiện (Giao Thuỷ) thu hoạch lúa mùa. |
Xác định KHCN là giải pháp then chốt để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các loại nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với Sở KH và CN, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo định hướng phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó là tập trung tiếp thu, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào, cơ giới hóa trong sản xuất giống và trong thâm canh để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) được công nhận là doanh nghiệp KHCN và 25 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lúa tại Công ty TNHH Cường Tân” đã hỗ trợ Công ty xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, công trình thuỷ lợi nội đồng phục vụ sản xuất lúa giống trên cánh đồng lớn với diện tích 70ha. Nhờ đó, Công ty đã sản xuất và nhân rộng thành công 2 giống lúa thuần chất lượng cao mang thương hiệu của tỉnh là M1-NĐ và CS6-NĐ được Bộ NN và PTNT công nhận đưa vào sản xuất trên quy mô hàng hoá với sản lượng cung ứng cho thị trường mỗi năm trên 2.000 tấn lúa giống. Sản phẩm lúa giống được thu hoạch và bảo quản trong kho bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật để cung cấp cho bà con nông dân trong tỉnh (khoảng 300 tấn giống mỗi vụ) và các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Yên Bái, Thái Nguyên… Cũng thông qua thực hiện các nhiệm vụ KHCN, tỉnh đã đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành nông nghiệp như: Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây sạch bệnh cấp giống gốc trong nhà khí canh; đầu tư xây dựng trại thực nghiệm công nghệ cao giống gia súc, gia cầm, đặc sản Hải Sơn. Nhiệm vụ KHCN được “đặt hàng” của các sở, ngành đảm bảo tính thực tiễn và khả thi trong quá trình thực hiện như: các nhiệm vụ KHCN phục vụ chương trình xây dựng NTM, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn… Trong giai đoạn từ 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 28 nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực NN và PTNT với tổng kinh phí là hơn 167 tỷ 326 triệu đồng, trong đó kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp 107 tỷ 228 triệu đồng; từ nguồn sự nghiệp khoa học 21 tỷ 422 triệu đồng, nguồn sự nghiệp kinh tế 4 tỷ đồng và các nguồn khác.
Thông qua triển khai thực hiện các dự án, nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao về địa phương, đồng thời đã huy động đồng bộ nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện công tác chuyển giao KHCN vào vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể đã tiếp nhận các quy trình công nghệ mới trong sơ chế, sấy, đóng gói, bảo quản lúa giống; công nghệ mới trong bảo quản chế biến khoai tây thương phẩm; công nghệ trồng, chế biến các sản phẩm từ cây sen; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá vược… Việc triển khai thực hiện các dự án đã và đang mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội tích cực và tác động đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành các chuỗi sản xuất và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành, duy trì và phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm: lúa giống, lúa thương phẩm, khoai tây, tôm, ngao. Nhiều mô hình ứng dụng KHCN, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ có tính thuyết phục cao, có tác dụng cụ thể làm thay đổi tập quán sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Mặt khác đào tạo được đội ngũ cán bộ tại chỗ, nâng cao trình độ dân trí và sự hiểu biết về KHCN của lực lượng cán bộ, người nông dân có thể tiếp nhận và thực hiện việc chuyển giao công nghệ cũng như chủ động tìm kiếm công nghệ mới, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả. Hàng trăm nghìn lượt nông dân được tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật công nghệ giúp tăng khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, Sở NN và PTNT đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu như đánh giá thực trạng tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xây dựng bản đồ đất nông nghiệp trực tuyến có thể tra cứu phục vụ hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh và đề xuất hướng đầu tư, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tuyển chọn và phát triển một số dòng, giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao cho tỉnh, đã lựa chọn được 2 giống có triển vọng là Thiên Trường 900 và ĐH11; xây dựng quy trình thâm canh lúa theo hướng hiệu quả kinh tế cao, cải thiện môi trường; nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nông hộ an toàn dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với hoạt động ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, Sở NN và PTNT đã tập trung chuyển đổi sang nhóm cây trồng có năng suất, chất lượng cao và khả năng thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu với các giống lúa: Lộc Trời 183, Dự Hương 8, Đài Thơm 8, BC15 kháng đạo ôn, TBR225, Bắc Thơm kháng bạc lá; giống khoai tây Solara, Diamant, cà chua, dưa chuột, các loại rau ăn lá… Khảo nghiệm, đánh giá, trình diễn những giống cây trồng ngắn ngày, năng suất và chất lượng cao; các loại thuốc bảo vệ thực vật mới; kỹ thuật che phủ ni-lon chống rét cho mạ, sản xuất lạc, cấy máy – mạ khay, sản xuất rau theo công nghệ Nhật Bản, tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp nhận, chuyển giao quy trình sản xuất nhân tạo cá Hồng Mỹ cho nông dân huyện Nghĩa Hưng. Hoàn thiện quy trình sản xuất cá Koi Nhật; nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp; nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc… Các mô hình, dự án được triển khai thành công đã cung cấp nguồn giống tôm, cá một cách chủ động, ổn định với số lượng và chất lượng cao cho vùng nuôi, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các địa phương, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo việc làm, thu nhập cho người nuôi.
Thực hiện Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh, thông qua các đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh đã hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm truyền thống của các địa phương như: Nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu”, “Mật ong rừng sứ vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”; nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến”, “Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định”… Hỗ trợ tài chính cho hơn 120 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn quy định. Các dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua các Đề án của tỉnh và các nhiệm vụ KHCN thuộc chương trình nông thôn mới nhiều mô hình chuỗi sản xuất đang dần được hoàn thiện. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đạt trên 2,7%/năm, sản lượng lương thực đạt gần 900 nghìn tấn, giá trị canh tác đạt 134 triệu đồng/ha tăng 1,4 lần so với năm 2015, sản lượng thủy sản đạt gần 190 nghìn tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 197 nghìn tấn, rau màu đạt trên 360 nghìn tấn… Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trong tỉnh không những đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh mà còn cung cấp một lượng lớn nguồn lương thực, thực phẩm cho các tỉnh và nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Có thể nói, phát triển KHCN ngành Nông nghiệp giai đoạn vừa qua đã góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, làm tăng năng suất, chất lượng nông sản thực phẩm, từng bước thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại