Cuối tháng 10-2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Triển lãm “Non Côi Sông Vị” – triển lãm tranh đầu tiên, quy mô lớn của mỹ thuật Nam Định với sự tham gia của 25 họa sĩ Thành Nam.
Tác phẩm của các họa sĩ tham gia Triển lãm “Non Côi Sông Vị” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2023: “Góc quê” của họa sĩ trẻ Trần Hậu. |
Để ra mắt triển lãm, Bộ môn Mỹ thuật – Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã phối hợp cùng họa sĩ Vũ Tuấn Việt và nhà sưu tầm Lưu Danh Quang tuyển chọn 59 tác phẩm xuất sắc của các họa sĩ Nam Định tái hiện vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam sinh động, đa sắc màu với nhiều phong cách, thể loại. Các tác phẩm được đầu tư công phu, phản ánh trung thực quá trình lao động nghệ thuật, bước đầu định hình quan điểm sáng tác của mỹ thuật Nam Định thời kỳ mới. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Phong cảnh Đà Lạt” (Dương Quang Sắc); “Cổng làng Đường Lâm” (Lê Nguyên); “Đường làng” (Nguyễn Ngọc Châu); “Ban mai trên cao nguyên đá” (Nguyễn Văn Quý); “Bến sông quê” (Nguyễn Thị Nga); “Phố Bến Thóc”, “Nắng Báo Đáp” (Trần Văn Thăng); “Nghề làm bún” (Vũ Minh); “Một nhịp ký ức” (Vũ Tuấn Việt); “Chiều Tam Đảo”, “Chùa Cổ Lễ” (Vũ Xuân Dương); “Hội làng”, “Phố cũ” (Đặng Khắc Thiềm), chùm 3 tác phẩm của họa sĩ Trần Hậu: “Xóm chài Hải Lý” (sẽ tiếp tục tham dự Triển lãm hội hoạ Di sản Việt Nam), “Góc Quê” (tham dự Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Việt Nam) và “Đợi”… Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Dư, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: “Cùng với sự phát triển chung của mỹ thuật cả nước, mỹ thuật đương đại Nam Định đang có bước phát triển. Triển lãm mỹ thuật “Non Côi Sông Vị” là một trong những hoạt động quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của các thế hệ họa sĩ Nam Định giúp công chúng thêm hiểu và tự hào về non sông đất nước Việt Nam tươi đẹp”.
Tác phẩm của các họa sĩ tham gia Triển lãm “Non Côi Sông Vị” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2023: Tác phẩm tranh sơn dầu “Hội làng” của họa sĩ Đặng Khắc Thiềm. |
Hiện nay, Bộ môn Mỹ thuật – Hội VHNT tỉnh có hơn 40 hội viên, hoạt động chủ yếu trong 2 lĩnh vực: hội họa và điêu khắc; trong đó có 9 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thuộc Chi hội tỉnh Nam Định. Suốt quá trình hoạt động, Hội VHNT tỉnh luôn hướng tới việc kế thừa, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đến với công chúng qua các tác phẩm, công trình sáng tạo VHNT. Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Nam Định và Bộ môn Mỹ thuật – Hội VHNT luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, khuyến khích hội viên phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật; vận động hội viên tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi sáng tác mỹ thuật về các chủ đề như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc”…
Tác phẩm tranh sơn dầu “Phố Bến Thóc” của họa sĩ Trần Văn Thăng. |
Nhắc đến mỹ thuật Nam Định, văn nghệ sĩ quê hương luôn tự hào với những tên tuổi các họa sĩ thế hệ đi trước như: Trần Trung Kỳ, Bùi Ngọc Tư, Phạm Quyền, Dương Đức Điện, Phan Thăng, Lê Đức Biết, Lê Minh Châu, Nguyễn Ngọc Châu… Các lớp họa sĩ sung sức thế hệ sau như: Nguyễn Công Hiệp, Vũ Xuân Dương, Lê Minh Sơn, Trần Văn Thăng, Bùi Anh Tuấn, Đặng Khắc Thiềm, Doãn Ngọc Báu, Vũ Tuấn Việt, Phạm Quang Vinh, Trần Hậu, Đỗ Văn Tiệp, Nguyễn Quang Nhương, Trần Đình Tuyển,… Ngoài ra còn có nhà điêu khắc tài hoa Dương Quang Sắc và các nữ họa sĩ đầy nhiệt huyết: Vũ Thị Hường, Nguyễn Thị Nga, Trần Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Thủy; hay các họa sĩ rất tích cực trong sáng tác logo, biểu trưng, tranh cổ động như: Lương Văn Phương, Lê Anh. Với tình yêu nghề, hăng say lao động nghệ thuật, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình đã không ngừng khám phá, sáng tạo để cho “ra đời” những tác phẩm hội họa phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài, thể hiện chân thực cuộc sống, thiên nhiên, mảnh đất và con người quê hương Nam Định. Bên cạnh những họa sĩ gạo cội, nhiều kinh nghiệm, nhiều họa sĩ trẻ đã cho thấy phong cách riêng với bút pháp đầy tự tin, góc nhìn mới mẻ, sự biểu đạt mạnh mẽ, nguyên sơ và gồ ghề trên từng loại hình chất liệu như Trần Hậu, Đỗ Văn Tiệp, Nguyễn Quang Nhương, Trần Đình Tuyển, Vũ Tuấn Việt… Mỗi năm, các họa sĩ Nam Định đã sáng tác, giới thiệu tới công chúng hàng trăm tác phẩm mỹ thuật với các loại hình: hội họa (sơn dầu, sơn mài, bột màu, màu nước, tranh lụa), điêu khắc, đồ họa. Ngoài các đề tài truyền thống lịch sử như: chiến tranh cách mạng, công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, đề tài sáng tác của các họa sĩ Nam Định ngày càng đi sâu khai thác nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ những sinh hoạt thường ngày của người dân, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng vùng miền đến các thể loại chân dung, phong cảnh, lễ hội… Nhiều tác phẩm được giới thiệu trên Đặc san Văn Nhân (Hội VHNT tỉnh), Tạp chí Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và các ấn phẩm VHNT các tỉnh bạn. Nhiều tác phẩm được trưng bày tại các cuộc triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, triển lãm khu vực, toàn quốc, tham dự các cuộc thi do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Tác phẩm “Phong cảnh Phú Yên” (chất liệu bột màu trên giấy) của họa sĩ Vũ Xuân Dương. |
Để tăng cường quảng bá các tác phẩm mỹ thuật có giá trị tới công chúng, Bộ môn Mỹ thuật – Hội VHNT tỉnh đã phối hợp với Công ty KVH xuất bản cuốn “Vựng tập nghệ thuật thị giác Nam Định” tập 1 và tập 2 (ấn hành năm 2021, 2022) giới thiệu 230 tác phẩm của 38 họa sĩ Nam Định qua nhiều thời kỳ. Đây là dự án xã hội hóa do Chương trình Hành trình nghệ thuật KVH Arts Journey tài trợ thực hiện và sự hỗ trợ của cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yêu nghệ thuật trên toàn quốc. Ngay sau khi phát hành, cuốn “Vựng tập nghệ thuật thị giác Nam Định” được giới thiệu tới các nhà sưu tầm, phòng trưng bày, các tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nghệ thuật, giới phê bình nghiên cứu mỹ thuật và đông đảo công chúng yêu hội họa nhằm giúp các tác giả, tác phẩm có cơ hội tiếp cận, lan tỏa rộng rãi, lâu dài hơn tới công chúng trong và ngoài nước.
Nhiều năm qua, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Nam Định và Bộ môn Mỹ thuật – Hội VHNT tỉnh đã tích cực tổ chức các chuyến đi thực tế, mở trại sáng tác tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; tham dự trại sáng tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện cho các họa sĩ có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và chất lượng sáng tác các tác phẩm. Từ đầu năm 2023, các họa sĩ Nam Định đã chủ động tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác độc lập và theo nhóm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh như: kết hợp với các họa sĩ trẻ Thái Bình tổ chức khai bút đầu xuân tại Nam Định; vẽ trực họa tại các huyện Nam Trực, Hải Hậu; tổ chức sáng tác tranh sơn mài tại Hà Nội… Hội VHNT tỉnh đã mở Trại sáng tác VHNT chủ đề “Xây dựng nông thôn mới và biển, đảo quê hương” cho các hội viên thuộc 7 bộ môn chuyên ngành đi thực tế, trải nghiệm, sáng tác tại Khu sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ), Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường) và một số điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh tại các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ. Trong thời gian tham gia Trại sáng tác, các họa sĩ Nam Định dành nhiều thời gian khám phá, trải nghiệm, giao lưu, sáng tác các tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá con người, sự đổi thay, phát triển của quê hương. Để ghi nhận những đóng góp của các hội viên, năm 2023, Hội đồng nghệ thuật Bộ môn Mỹ thuật đã tổ chức họp xét, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật cho 21 tác giả, gồm 8 tác phẩm loại A1, 4 tác phẩm loại A2 và 9 tác phẩm loại B. Họa sĩ Vũ Tuấn Việt được vinh danh trong tốp 5 họa sĩ trẻ tại Lễ vinh danh “Hanoi Grapevine’s Finest 2022-2023” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) – sự kiện thường niên tôn vinh những đóng góp nổi bật của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có ảnh hưởng tới cộng đồng. Trong 5 năm qua, Bộ môn Mỹ thuật có 18 tác giả được trao Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VII và thứ VIII, gồm: 2 Giải A, 4 Giải B, 6 Giải C và 6 giải Khuyến khích.
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, các họa sĩ Nam Định tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của mỹ thuật Nam Định; dành nhiều thời gian, tâm huyết lao động nghệ thuật, tích cực sáng tác các tác phẩm hội họa mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật, nội dung, tư tưởng; giữ gìn và phát huy các giá trị mỹ thuật truyền thống trong dòng chảy giao lưu, hội nhập và phát triển./.
Khánh Dũng