Những năm qua, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, ngành chăn nuôi của tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao; tổng đàn lợn liên tục giảm do dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp diễn, khó khống chế, nhiều chuồng trại phải bỏ trống do người nuôi thua lỗ không có khả năng tái đàn. Việc thay thế đàn gia súc sang đối tượng nuôi mới, có sức đề kháng cao, nguồn thức ăn rẻ tiền, chủ động, dễ kiếm là một trong những giải pháp khắc phục mang tính bền vững cao được người chăn nuôi hướng tới. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) (Sở KH và CN) đang triển khai mô hình thí điểm nuôi hươu sao lấy nhung, bước đầu khẳng định được hiệu quả, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, thân thiện, an toàn với môi trường.
Qua chuyến tham quan, tìm hiểu các mô hình kinh tế ở tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình chăn nuôi có tiềm năng ứng dụng. Mặc dù chi phí đầu tư con giống ban đầu cao, nhưng bù lại có thể cho khai thác nhung kéo dài đến 20 năm. Nhung hươu là loại dược liệu quý, dùng để chế biến dược phẩm, cả trong sản xuất các loại thuốc đông y và tây y. Ngày nay, nhung hươu được sử dụng phổ biến trong nhiều gia đình như món ăn dùng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi… Do đó, đầu ra của nhung hươu rất ổn định và giá trị kinh tế cũng rất cao. Từ đánh giá đó, tháng 5-2023, Trung tâm đã nhập 3 cặp hươu sao trưởng thành về nuôi. Chuồng nuôi hươu chia thành các ô có kích thước 10m2 được ngăn bằng những thanh gỗ để nuôi tách biệt 2 cá thể/ô. Nền chuồng được sử dụng đệm lót sinh học, phù hợp với đặc tính sinh học của hươu, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Thức ăn của hươu sao chủ yếu là ăn các loại lá xoan, lá mít, lá chuối, cỏ voi, rau muống… và bắp chuối bào nhỏ cùng 10% tinh bột như cám ngô, cám gạo và nước sạch. Khác với mô hình nuôi phổ thông hiện nay, Trung tâm đã bổ sung chế phẩm sinh học EM, muối biển và khoáng chất vào thức ăn cho hươu nuôi khai thác nhung nhằm tăng hiệu quả kinh tế và mang lại sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá trị cạnh tranh trên thị trường. Với việc ứng dụng công nghệ sinh học, Trung tâm đã “kích” được hươu ra nhung trái vụ ngay sau 4 tháng đưa vào nuôi.
Chăm sóc hươu tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ. |
Việc bổ sung chế phẩm sinh học, muối, khoáng chất trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được áp dụng từ lâu song nước ta chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về phương pháp này cho hươu bố mẹ, hươu con hoặc hươu đực trưởng thành khai thác bởi đây là đối tượng nuôi mới, được chuyển hoang dã sang nuôi thuần hóa. Trung tâm đã tiến hành thí nghiệm “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của chế phẩm sinh học EM, muối biển và khoáng chất khi sử dụng trong nuôi hươu khai thác nhung”. Thí nghiệm được thực hiện trên 3 cặp, trong đó cặp hươu thứ nhất sử dụng thức ăn có bổ sung chế phẩm sinh học EM kết hợp muối biển, khoáng chất; cặp thứ hai chỉ sử dụng thức ăn và muối biển, khoáng chất; cặp thứ ba cho ăn theo phương pháp truyền thống. Sau 3 tháng thí nghiệm, cặp hươu sao thứ nhất bắt đầu mọc nhung và đến thời điểm hiện tại đã cho thu hoạch. Với kích cỡ khoảng 1kg, cặp nhung hươu được bán với giá gần 20 triệu đồng. Ở cặp thứ hai, hiện tại nhung bắt đầu “nhú” trong khi đó lô thứ ba chưa có dấu hiệu gì.
Chị Trần Thị Hải Bình, cán bộ Trung tâm cho biết: Qua trao đổi chuyên môn với Hiệp hội Nuôi hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh) và Hiệp hội Nuôi hươu Nghệ An cũng như tìm hiểu thực tiễn, hươu chỉ cho thu hoạch nhung 1 lần vào trước tết âm lịch, hiếm khi có thể cho thu hoạch vụ thứ 2 vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Và điều đặc biệt là chưa bao giờ hươu ra nhung sau tháng 5 cho đến cuối năm. Việc sử dụng kết hợp bổ sung đầy đủ chế phẩm sinh học EM, muối biển, khoáng chất giúp vật nuôi có khả năng đề kháng, chống chịu bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng và thúc đẩy việc tạo móng, sừng nhanh. Qua đó, không những giúp hươu ra nhung trái vụ mà còn rút ngắn thời gian từ lúc hươu mọc nhung đến lúc thu hoạch xuống chỉ còn 30 ngày so với 50 ngày theo phương pháp nuôi truyền thống. Nhung hươu lô nuôi thí nghiệm và lô đối chứng sẽ được lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu thành phần khoáng chất Ca, Se, Mg, Pr… để đánh giá chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu này là một hướng đi mới, mang ý nghĩa tiên phong, tạo ra một quy trình kỹ thuật nuôi hươu sao tiên tiến cho thu hoạch 3 vụ/năm thay cho 1-1,5 vụ/năm so với trước đây. Anh Phạm Văn Tuấn, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) có hơn chục năm kinh nghiệm nuôi hươu lấy nhung cho biết: “Hiện tôi đang nuôi 7 cặp hươu lấy nhung, cao điểm có lúc nuôi tới 15 cặp hươu nhưng chưa bao giờ cho hươu ra nhung được vào thời điểm mùa thu. Thành công của mô hình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi hươu lấy nhung nói riêng và chăn nuôi đặc sản nói chung để hướng tới tạo sinh kế bền vững cho người chăn nuôi”.
Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi hươu để cho nhung trái vụ tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở KH và CN). |
Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN đang tiếp tục nghiên cứu các lô thí nghiệm lặp lại để đưa ra công thức kết hợp giữa chế phẩm sinh học EM, muối biển và khoáng chất tạo thành một quy trình nuôi hươu lấy nhung ứng dụng công nghệ sinh học hoàn thiện. Dự kiến năm 2024, Trung tâm sẽ cho sinh sản đàn hươu hậu bị, được bổ sung chế phẩm sinh học EM kết hợp muối biển, khoáng chất để cho ra những thế hệ hươu con mạnh khỏe, có khả năng khai thác nhung 3 vụ/năm với chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời sẽ tổ chức tập huấn cho các trang trại nuôi hươu trong tỉnh để phổ biến kiến thức kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học này. Từ đó dần mở rộng quy mô, liên kết với các trang trại chăn nuôi, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ khâu cung ứng giống đến chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Hiện Trung tâm đã làm thủ tục, nộp hồ sơ đăng ký bằng độc quyền sáng chế sử dụng chế phẩm sinh học EM, muối biển và khoáng chất trong nuôi hươu khai thác nhung./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh