Những năm gần đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh tăng nhanh với nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu, điểm dân cư tập trung… ra đời, đòi hỏi hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước đồng bộ, bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh được thiết kế xây dựng và khai thác sử dụng từ lâu, thiếu đồng bộ, không bảo đảm thoát nước hiệu quả, thậm chí một số khu vực nước ngập sâu, thời gian tiêu thoát chậm sau những trận mưa lớn, kéo dài. Để giải quyết tình trạng trên, trong Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 31-5-2023 của UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng và quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, “cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu với mục tiêu đến năm 2030, cơ bản giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ tại các đô thị trên địa bàn tỉnh”.
Thi công cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường Minh Khai (thành phố Nam Định). |
Theo đánh giá của tỉnh, hệ thống thoát nước thải ở hầu hết các đô thị hiện có của tỉnh đều chung với thoát nước mưa, mạng lưới còn thiếu đồng bộ; chỉ có các dự án mới như các khu đô thị: Dệt may Nam Định, Thống Nhất, Mỹ Trung trên địa bàn thành phố Nam Định, các khu đô thị mới tại thị trấn các huyện đã được đầu tư xây dựng tách riêng hệ thống thoát nước thải và nước mưa. Tại khu vực nông thôn, ở các thị tứ hoặc khu dân cư sống hai bên đường, nước thải sinh hoạt được xử lý sơ bộ qua bể phốt quy mô hộ gia đình, sau đó được thoát trực tiếp vào hệ thống cống hộp hoặc mương bê tông thoát nước mưa, rồi xả ra các lưu vực thoát nước tự nhiên. Tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung; thoát nước chủ yếu theo hệ thống cống rãnh dọc hai bên đường hoặc chảy ra ao, hồ, kênh và sông. Hệ thống thoát nước, kiểm soát úng ngập đã được xây dựng từ lâu, không đồng bộ, qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp…
Thành phố Nam Định – đô thị loại I và là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của toàn tỉnh hiện đang sử dụng hệ thống thoát nước chung có kết cấu hỗn hợp với các đường cống chính đã được kín hóa, tổng chiều dài gần 50km. Thành phố có hệ thống 2 trạm bơm gồm: Trạm bơm Kênh Gia công suất 43 nghìn m3/giờ và Trạm bơm Quán Chuột có công suất 57 nghìn m3/giờ; có 60ha hồ điều hòa, gồm các hồ: Vị Xuyên, Vị Hoàng, Truyền Thống, Sơn Nam, An Trạch, Bảo Bối, Năng Tĩnh, Đầm Đọ, Đầm Bét, Hàng Nan… Từ sự giúp đỡ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thành phố Nam Định đã lập được quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế, thành phố đã tích cực tìm kiếm, bố trí các nguồn kinh phí để từng bước cải tạo, đầu tư mới, đảm bảo hệ thống thoát nước thải được xây dựng theo quy hoạch; trong đó ưu tiên cải tạo trước các trọng điểm ngập úng. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình góp phần nâng cao năng lực thoát nước gồm: Cống thoát nước đường Kênh (đoạn từ đường Đông A đến cống Quán Tây); cống thoát nước Mạ Điện đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Song Hào và hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè, hệ thống cống thoát nước trên các tuyến đường, phố nội đô như: Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Minh Khai… Nhờ đó, theo đánh giá của nhiều hộ dân ở các khu vực, mặc dù vẫn còn nhiều điểm bị ngập, úng cục bộ khi mưa lớn, kéo dài tuy nhiên thời gian ngập đã được rút ngắn đáng kể so với trước. Anh Vũ Khắc Hiếu, số 89 đường Văn Cao cho biết: trước đây, khu vực ngã sáu Năng Tĩnh là trọng điểm ngập mỗi khi trời mưa; sau khi mưa tạnh, thời gian nước thoát hết cũng phải từ 3-4 tiếng nhưng gần đây tình trạng ngập ở khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Mưa nhỏ, thời gian ngắn thì hầu như không ngập; còn mưa lớn sau khi tạnh khoảng 1-2 tiếng là nước rút hết. Thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục rà soát các quy hoạch thoát nước bảo đảm hướng tuyến, lưu lượng thoát nước làm cơ sở triển khai nghiên cứu, thực hiện các dự án đầu tư nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thoát nước mưa, nước thải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, ưu tiên kiểm soát ngập cho khu vực trọng điểm, có giải pháp ứng phó với mưa lớn. Thực hiện tốt công tác duy tu hệ thống thoát nước, có giải pháp thoát nước kịp thời không để tồn tại úng ngập cục bộ.
Không chỉ trên địa bàn thành phố Nam Định, ở các đô thị khác trên địa bàn các huyện cũng quan tâm chỉ đạo chú trọng hoạch định phương án nâng cao năng lực thoát nước ngay từ khâu lập quy hoạch, quản lý thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tại thị trấn Lâm (Ý Yên), theo Quyết định số 1654/QĐ-UBND ngày 22-8-2023 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030 xác định cụ thể các phương án thoát nước đối với khu vực dân cư cũ; các dự án đã và đang thực hiện trong khu quy hoạch; khu vực xây dựng mới; khu vực sản xuất công nghiệp và định hướng quy hoạch xây dựng 2 trạm xử lý nước thải với công nghệ hiện đại. Trong đó, khu xử lý nước thải thứ nhất giáp khu đất công nghiệp phía nam thị trấn, công suất 2.000m3/ngày đêm; khu xử lý nước thải thứ hai tại vị trí đông bắc tổ dân phố số 9 (đường đi xã Yên Ninh), công suất 2.000m3/ngày đêm.
Để chủ động nâng cao năng lực thoát nước cho các đô thị, trong dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định hoàn thiện phương án phát triển mạng lưới thoát nước theo hướng: Trong các đô thị sẽ xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung; đối với thành phố Nam Định, ưu tiên xây dựng các trạm xử lý nước thải với dây chuyền công nghệ hiện đại như công nghệ aeroten bùn hoạt tính; các thị xã, thị trấn, thị tứ sẽ sử dụng phương pháp sinh học tự nhiên xử lý nước thải (bằng hồ sinh học, cánh đồng tưới, cánh đồng lọc). Tuỳ thuộc vào quy mô/cấp đô thị, hiện trạng của đô thị sẽ dự kiến sử dụng các loại hình hệ thống thoát nước như: Khu vực xây dựng mới hoặc chưa xây dựng sử dụng hệ thống thoát nước riêng có cống riêng, trạm bơm, trạm xử lý nước thải; Khu vực đã có hệ thống thoát nước chung cần cải tạo thành hệ thống thoát nước riêng có cống riêng, trạm bơm, trạm xử lý nước thải. Vị trí, công suất, diện tích và số lượng các trạm xử lý sẽ được xác định cụ thể trong các đồ án quy hoạch chung xây dựng của các đô thị. Nước thải sinh hoạt của từng đô thị phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường QCVN 14:2008/BTNMT, TCVN 7222-2002 trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ nước thải sinh hoạt của các đô thị được thu gom và xử lý đạt 60-80%; đến năm 2050 đạt 80-90%; nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp phải được xử lý 100% đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả ra hệ thống thoát nước đô thị hoặc nguồn tiếp nhận.
Thoát nước tốt là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ, chất lượng phát triển, sự quan tâm chăm lo đời sống cho người dân của chính quyền các đô thị. Với sự chủ động khắc phục các điểm yếu về thoát nước đô thị hiện trạng cũng như việc quản lý thực hiện đúng quy hoạch về thoát nước đô thị sẽ góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải thiện điều kiện sinh hoạt của dân cư đô thị ở Nam Định, đảm bảo cho các đô thị ngày càng hướng tới văn minh, hiện đại./.
Bài và ảnh: Thành Trung