Kỳ I: Những “điểm sáng” văn hóa nông thôn mới
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ II: Xây dựng môi trường văn hóa phát triển toàn diện
Với định hướng phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế – xã hội, giữa nông thôn và thành thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chủ trương, chính sách nhằm xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, văn minh.
Người dân xã Giao Thịnh (Giao Thủy) tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng.
Ảnh: Khánh Dũng
|
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhất là quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực cho phát triển kinh tế, phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, gắn nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng và đã đạt được những kết quả tích cực trên các phương diện.
Những chỉ tiêu chủ yếu, nội dung cốt lõi của Kết luận số 75-KL/TU đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và bền vững. Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có trên 93% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% xã, thị trấn có trung tâm/nhà văn hóa, 100% thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) có địa điểm sinh hoạt văn hóa; trên 94% thôn, xóm, TDP đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng “sáng – xanh – sạch – đẹp” được triển khai sâu rộng và ngày càng lan tỏa, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân, phát huy tinh thần đồng thuận xã hội và hình thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống con người, về văn hóa cộng đồng. Nhiều tập tục không còn phù hợp trong việc cưới, việc tang và lễ hội dần bị loại bỏ. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, hành vi tiêu cực, sai trái, chống phá của các thế lực thù địch gây hại đến môi trường văn hóa được đẩy mạnh. Xã hội hóa lĩnh vực văn hóa thu được nhiều kết quả; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động và đóng góp nguồn lực xây dựng văn hóa NTM ngày càng nhiều. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân, tạo sự gắn kết trong cộng đồng.
Huyện Giao Thủy là địa phương đi đầu trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Cùng với hoàn thiện xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, người dân trong huyện còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng gia đình văn hóa bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ… Chuyển biến trong xây dựng môi trường văn hóa NTM ở Giao Thủy có được nhờ nòng cốt từ cơ sở. Các xóm, TDP trong huyện đã bám sát tinh thần chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn của huyện, xã; làm tốt công tác dân vận; nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng xóm và đảng viên trong việc phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua khác như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”… Nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các khu dân cư được giữ vững ổn định, bộ mặt NTM ở các địa phương trở nên khang trang, sáng – xanh – sạch – đẹp… Đến nay, toàn huyện có 87 xóm, TDP được UBND huyện công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 8 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; trong đó, xã Giao Hải đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa.
Ở các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, xây dựng môi trường văn hóa NTM cũng đã đạt được những kết quả ghi nhận. Ở huyện Hải Hậu, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng huyện Hải Hậu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM cũng như vai trò văn hóa trong xây dựng NTM. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh; nhất là sự tham gia đóng góp sức người, sức của, chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 161 đơn vị cấp xóm đạt và duy trì đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 167 đơn vị cấp xóm cơ bản đạt và duy trì cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp xóm đạt chuẩn NTM nâng cao. Xã Hải An được UBND tỉnh công nhận đạt NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa; các xã, thị trấn còn lại cơ bản đạt các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh. Huyện Hải Hậu giữ vững thành tích 45 năm là điển hình Văn hóa – Thông tin cấp huyện của cả nước.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa NTM là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần làm phong phú nền văn hóa cộng đồng, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên cơ sở gìn giữ, kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, phù hợp với nếp sống văn minh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.348 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 328 di tích cấp tỉnh; 931 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Các di tích đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Nhiều năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhiều dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các khu, quần thể di tích, danh thắng đã và đang được triển khai thực hiện, tiêu biểu như: Dự án xây dựng Khu trung tâm Lễ hội Trần (thành phố Nam Định), Quy hoạch phân khu Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), Dự án cải tạo, nâng cấp Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); Dự án mở rộng di tích Chùa Hổ Sơn (Vụ Bản)…
Trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa NTM, các địa phương trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy sức mạnh văn hóa tinh thần của cộng đồng thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống và thực hành các phong tục tập quán đặc sắc. Toàn tỉnh hiện có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: 8 lễ hội truyền thống, 1 nghề truyền thống (Nghề Sơn mài Cát Đằng), 1 nghi lễ dân gian (Nghi lễ Chầu văn của người Việt). Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh ở tầm quốc gia và quốc tế là tài nguyên vô giá trong việc phát triển các hoạt động dịch vụ tại những điểm đến du lịch tâm linh, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Nam Định đến với du khách trong nước và quốc tế.
Việc xây dựng môi trường văn hóa NTM ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân, với khí thế thi đua sôi nổi, tạo nên những thành tựu nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần cải thiện vị thế địa lý kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế – xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 1%. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
(Còn nữa)
Khánh Dũng – Minh Tân