Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTCP của Thủ tướng Chính phủ, hội viên, phụ nữ tỉnh đã phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp về phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương (sản phẩm OCOP), qua đó khẳng định sự nỗ lực, “bứt phá” của chị em trên con đường làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hội viên phụ nữ huyện Giao Thuỷ giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp – OCOP của phụ nữ khu vực miền Bắc. |
Những người yêu thích món nem nắm trong và ngoài tỉnh từ lâu đã biết đến thương hiệu “nem nắm con dâu bà Thành” của chị Nguyễn Thị Chiên, xóm 2, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). “Kế thừa” nghề gia truyền của gia đình chồng, ngay từ khi mới về làm dâu, chị Chiên đã nhanh chóng bắt tay vào học nghề. Từ những nguyên liệu đơn giản như thịt, thính, tỏi, nước mắm, ớt… qua bàn tay khéo léo của chị Chiên đã biến nem nắm trở thành một món ăn ngon, “đặc sản” của quê hương. Làm nem nắm, theo chị Chiên không quá khó nhưng để món ăn hấp dẫn, lôi cuốn được thực khách phải có những “bí quyết” riêng. Đối với sản phẩm “nem nắm con dâu bà Thành” các bí quyết gồm: chọn được thịt tươi ngon và cách chế biến thính sao cho dậy mùi. Đối với thịt, chị thường chọn mua phần thịt mông ngon nhất của con lợn, lọc riêng nạc và da. Phần thịt nạc sau đó được chị luộc chín tái, thái thớ to và mỏng, dùng sống dao dần cho thịt thật mềm. Đối với phần bì lợn, chị sơ chế sạch rồi luộc qua nước sôi. Nước sôi đều, chị Chiên nhanh tay vớt bì ngâm vào nước lạnh, mục đích để giúp bì giòn và trắng hơn. Bì lợn nguội, chị tiến hành thái thật nhỏ thành các sợi đều nhau. Ngoài ra, để tạo hương vị thơm ngon, đậm đà cho món “nem nắm con dâu bà Thành”, chị Chiên cũng rất chú ý đến công đoạn làm thính. Để có thính làm nem thơm ngon, đậm đà, chị rất kỳ công từ khâu chọn gạo. Theo đó, chị chọn gạo tám thơm Hải Hậu ngâm nước qua đêm, để ráo rồi rang vàng và nghiền bột mịn làm thính. Cuối cùng chị trộn đều thịt, bì, thính, gia vị để làm nem nắm. Sử dụng nguyên liệu tươi ngon cộng thêm cách chế biến hấp dẫn, giá cả phải chăng, món nem nắm của gia đình chị Chiên dần thu hút được đông khách hàng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của nghề gia truyền, năm 2018, chị quyết định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thuê thêm thợ. Đến nay, xưởng làm nem nắm của gia đình chị Chiên tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, xưởng cung ứng cho thị trường 200-300 nắm nem, dịp lễ tết có thể lên tới 700-1.000 nắm nem. Trung bình hàng tháng, trừ chi phí, chị Chiên thu lãi 25-30 triệu đồng. Năm 2022, “nem nắm con dâu bà Thành” được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.
Hải Hậu vốn nổi tiếng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống như: mây tre đan, mộc mỹ nghệ, chiếu cói, bánh kẹo… Trong đó, bánh nhãn là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của huyện, “chinh phục” được đông đảo người tiêu dùng. Từ những nguyên liệu đơn giản như bột gạo nếp, trứng gà tươi, đường kính trắng, mỡ lợn… qua bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm nên món ăn vặt nức tiếng, thơm ngon, bổ dưỡng. Trải qua hàng trăm năm, nghề làm bánh nhãn ở Hải Hậu vẫn tiếp tục được người dân lưu giữ và phát triển. Hiện nay, thị trấn Yên Định, xã Hải Bắc là những nơi tập trung đông các hộ gia đình làm bánh nhãn. Và một trong những “thương hiệu” bánh nhãn được thị trường tin tưởng, yêu thích đánh giá cao là sản phẩm “Bánh nhãn tết vua” của gia đình chị Lưu Liên Phương, xóm Giáp Nội, xã Hải Bắc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về làm bánh nhãn, ngay từ khi còn rất nhỏ, chị Phương đã bị nghề “thu hút”. “Tôi thích nhất là được ngồi quan sát cách ông bà, bố mẹ làm bánh nhãn. Thời điểm ấy, để làm được một mẻ bánh, thợ bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn vì không có sự hỗ trợ của máy móc. Vất vả là thế, xong khi một mẻ bánh vàng ươm, thơm ngậy ra lò, tôi cảm nhận được sự sung sướng, hài lòng của cả gia đình”, chị Phương chia sẻ. Tâm huyết với nghề, chị Phương nhanh chóng mở cơ sở làm bánh và thu hút đông lượng khách hàng. “Bánh nhãn tết vua” của chị được những người sành ăn đánh giá cao bởi làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không sử dụng phẩm màu, hoá chất, giá cả phải chăng, bình quân khoảng 100 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, từ năm 2020, “Bánh nhãn tết vua” đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ nghề gia truyền còn giúp chị Phương trở thành “triệu phú”, tạo việc làm cho 10-15 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng.
“Nem nắm con dâu bà Thành”, “Bánh nhãn tết vua” chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình khởi nghiệp thành công của hội viên phụ nữ trong tỉnh gắn với Chương trình OCOP. Ngay khi Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP; chủ động kết nối với các cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng khởi nghiệp, phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã, quản trị cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm động viên chị em tham gia chương trình; hướng dẫn, hỗ trợ chị em viết các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khởi nghiệp, nhất là lựa chọn những hồ sơ chỉ rõ được thế mạnh, hướng phát triển của sản phẩm; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ đến với người tiêu dùng cả nước thông qua hội chợ, trang thương mại điện tử, mạng xã hội… Với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, Hội Phụ nữ các cấp đã động viên, khích lệ được nhiều cán bộ, hội viên tham gia và thành công từ Chương trình OCOP. Từ năm 2020 đến nay đã có hàng chục sản phẩm OCOP được hội viên phụ nữ phát triển gắn với các chương trình khởi nghiệp. Trong đó có những sản phẩm OCOP khởi nghiệp được UBND tỉnh, các cấp Hội đánh giá cao, trao giải thưởng tại các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” như: nấm đông trùng hạ thảo Phúc Khang, tỏi đen Khang Linh; tinh bột nghệ Hải Anh, ổi lê Hải Tân, kẹo vừng thanh Hồng Bắc, tương ớt, tương cà Yên Bằng, rượu men lá Thanh Xuân, các sản phẩm miến dong, bánh đa cua, nem, bánh nhãn… của chị em phụ nữ thành phố Nam Định, các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nam Trực…
Năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP, từ đó không chỉ giúp chị em làm giàu trên chính đồng đất quê hương mà còn góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên