Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Bắc Nam Định đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai tổ vay vốn (TVV) tại nhiều địa phương trên địa bàn các huyện, thành phố: Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, thành phố Nam Định nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả. Đến nay, mô hình TVV đã chuyển tải vốn tín dụng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, an toàn đến đông đảo người dân trên địa bàn nông thôn, góp phần tạo sức sống bền bỉ cho dòng chảy tín dụng tam nông.
Cán bộ Agribank Chi nhánh Nam Ý Yên kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn tại trang trại nuôi ếch của khách hàng.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
|
Đến đầu năm 2023, Chi nhánh cho vay qua 486 TVV với dư nợ đạt hơn 3.230 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tại 4 chi nhánh trực thuộc, số thành viên còn dư nợ là 12.771 thành viên. Nợ xấu chỉ chiếm gần 1% trên tổng dư nợ. 8 tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ cho vay qua 479 TVV đạt hơn 3.321 tỷ đồng với 32.901 thành viên còn dư nợ. Tại Agribank Chi nhánh huyện Vụ Bản, tổng số TVV đã thành lập và duy trì hoạt động (sau sáp nhập các đơn vị hành chính và sáp nhập của chi nhánh) là 101 tổ, với số thành viên được kết nạp 11.482 hộ. Dư nợ cho vay thông qua TVV đạt hơn 418 tỷ đồng, tăng 153 tỷ đồng so với đầu năm; chiếm 27,73% tổng dư nợ. Số khách hàng trong tổ là 2.822 khách hàng, tăng 482 khách hàng so với đầu năm, chiếm 71,55% tổng số khách hàng. Dư nợ bình quân theo tổ đạt 4,139 tỷ đồng/TVV, tăng 1,586 tỷ đồng/tổ so đầu năm; theo hộ đạt 148 triệu đồng/hộ, tăng 34 triệu đồng/hộ so với đầu năm.
Đánh giá về kết quả cho vay qua TVV, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Vụ Bản cho biết: “Có thể khẳng định, TVV là “cánh tay đắc lực” của Agribank Chi nhánh Vụ Bản giúp Ngân hàng thực hiện tốt các chính sách tín dụng, đặc biệt là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp chuyển tải nhanh nhất chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy trình nghiệp vụ, quy chế, thủ tục cũng như triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số hiện đại góp phần thúc đẩy người dân huyện Vụ Bản tiếp cận và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ”. TVV đã “ăn sâu, bám rễ” góp phần phát triển đời sống kinh tế – xã hội ở huyện Vụ Bản, thể hiện tính xã hội hoá cao, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các cấp chính quyền địa phương. Cho vay qua TVV có nhiều mặt tích cực, đồng vốn đến đúng địa chỉ và được sử dụng hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn. Mô hình TVV giảm thiểu cho khách hàng thời gian đi lại làm thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian vay, đặc biệt là những hộ ít giao dịch với ngân hàng yên tâm hơn khi giao dịch tiền bạc, không ngại phiền phức về thủ tục khi làm hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, khi có sự tham gia hỗ trợ của chính quyền, hội, đoàn thể, người dân yên tâm và tin tưởng hơn vào ngân hàng. Ngoài ra, thông qua các TVV, các hộ có điều kiện gắn bó, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, giúp nhau trong việc sử dụng vốn sao cho có hiệu quả để cải thiện thu nhập. Về phía Agribank Chi nhánh Vụ Bản, nhờ có TVV với sự giám sát của các hội viên tại chính địa bàn cùng với cán bộ ngân hàng, đã giúp cho đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp, tỷ lệ lãi thực thu cao, nhờ đó chất lượng tín dụng cũng được nâng cao.
Tuy vậy, hoạt động cho vay qua TVV của Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định cũng gặp không ít khó khăn. Hiện tại, số thành viên tham gia TVV chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 23% so với tổng số hộ tại địa bàn 3 huyện. Dư nợ tăng trưởng cho vay qua TVV bình quân hàng năm ở mức thấp từ 5-10%. Dư nợ cho vay bình quân trên thành viên vay vốn còn ở mức “khiêm tốn”. Nguyên nhân chủ yếu do những năm gần đây, cán bộ tại Chi nhánh được trẻ hóa nhiều, nên chưa hiểu cũng như chưa nắm bắt được hoạt động cho vay qua TVV, thiếu kinh nghiệm thực tế trong hoạt động triển khai TVV, chưa nắm rõ quy trình thành lập TVV, các bước tổ chức họp dân, sinh hoạt TVV. Thiếu sâu sát trong công tác phát triển tổ viên mới, phổ biến trách nhiệm và quyền lợi của thành viên TVV, tổ trưởng TVV, thiếu kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, giải đáp vướng mắc trong hoạt động của TVV… hạn chế trong giao tiếp, chưa bám sát gần gũi với chính quyền địa phương; ngại cho vay những món nhỏ, chưa nhận thức rõ về hiệu quả cho vay qua TVV. Chất lượng đội ngũ tổ trưởng TVV chưa đồng đều; quy mô dư nợ của một số TVV quá nhỏ dẫn đến mức hoa hồng được nhận chưa đủ khuyến khích tổ trưởng có trách nhiệm cao hơn trong việc phát triển khách hàng cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ khác. Hàng năm việc tổng kết đánh giá chất lượng hoạt động của TVV còn hạn chế. Chưa có chế tài khen thưởng những TVV hoạt động tốt, tổ trưởng nhiệt tình, có uy tín cũng như chưa tổ chức sắp xếp, kiện toàn lại TVV, tổ trưởng TVV hoạt động kém hiệu quả… Chưa gắn với các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh như tăng trưởng dư nợ, tăng trưởng khách hàng, huy động vốn, ABIC, SMS, nợ xấu… với kết quả hoạt động tín dụng của tổ để đánh giá chất lượng tổ gắn với việc chi hoa hồng, khen thưởng.
Với mục tiêu tỷ trọng cho vay qua TVV đạt 100% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân ở nông thôn; tăng trưởng dư nợ trung bình hàng năm từ 8%-10%; thời gian tới, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định sẽ tập trung rà soát, chấn chỉnh, củng cố kiện toàn tổ trưởng/tổ phó TVV yếu kém; đảm bảo hồ sơ thành lập của TVV đầy đủ đúng quy định. Tăng cường thúc đẩy thành lập TVV mới và kết nạp tổ viên mới; xem xét thành lập TVV đối với những hộ sản xuất, kinh doanh có quy mô dư nợ từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc có nhu cầu vay vốn từ 2 tỷ đồng trở lên. Tùy đặc thù từng chi nhánh, căn cứ vào các chỉ tiêu được giao của đơn vị mình, các chi nhánh loại II tổ chức giao chỉ tiêu khoán đến từng TVV cho phù hợp trên cơ sở các chỉ tiêu theo từng thời kỳ: Huy động vốn; tăng trưởng dư nợ; chất lượng tín dụng, tỷ lệ lãi thực thu trên số lãi phải thu, chỉ tiêu phát triển các sản phẩm bán chéo như: doanh thu dịch vụ bảo hiểm ABIC, tỷ lệ tăng khách hàng mới, mở tài khoản, mở thẻ ATM…, tính chất khoản vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm. Tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tốt với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc triển khai Nghị định 55, các thỏa thuận liên ngành và các văn bản liên quan thông qua nhiều hình thức khác nhau. Kịp thời tập huấn cho các tổ trưởng TVV, tuyên truyền quán triệt cho tổ viên những vấn đề thay đổi liên quan đến cho vay qua TVV thông qua những cuộc họp giao ban, họp TVV hàng tháng. Đôn đốc kiểm tra sát sao, đối chiếu nợ đối với những tổ viên TVV; đặc biệt đối với các tổ viên vay vốn thường xuyên có người trả nợ, trả lãi hộ. Hàng tháng, quý, năm tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của từng TVV, tổng kết việc phối hợp giữa Agribank với các tổ chức Hội, đoàn thể về cho vay qua TVV, kịp thời động viên, khuyến khích và nhân rộng những đơn vị, cá nhân có kết quả cho vay tốt. Khen thưởng và đề xuất các cấp khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân hoạt động tốt./.
Đức Toàn