Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân xã Hải Đông (Hải Hậu) triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.
Mô hình chăn nuôi gà thịt của hội viên Nguyễn Văn Khuynh – một trong những nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Hải Đông. |
Anh Nguyễn Văn Luật ở xóm Tây Cát là một trong những nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Từ khi địa phương có chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi những diện tích trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hoá, khuyến khích phát triển mô hình VAC, anh Luật là người tiên phong phát triển kinh tế theo mô hình VAC tổng hợp, kết hợp trồng cây cảnh, cây đinh lăng với chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 2009, anh chăn nuôi gà, lợn và thả cá diêu hồng cho thu nhập cao, quy mô trang trại phát triển theo từng năm. Năm 2020, anh đầu tư xây mới 1 trang trại lợn với quy mô 800 con, nâng tổng đàn lợn lên 2.000 con và nuôi thả 6 trại gà khép kín với tổng đàn 45 nghìn con, cùng 5 ao cá và duy trì việc làm cho 15 lao động, sau khi trừ chi phí anh thu về 6,1 tỷ đồng. Năm 2021 anh đầu tư thêm 1 trại nuôi lợn với quy mô 1.000 con, nâng tổng đàn lợn lên 3.000 con và 6 trại gà 45 nghìn con, 5 ao cá; doanh thu đạt 37,5 tỷ đồng và thu về 6,9 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2022, mặc dù chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thời tiết và giá cả leo thang trong thời gian dài nhưng từ những kinh nghiệm trong phát triển mô hình chăn nuôi gà, lợn và cá; bản thân anh thường xuyên cập nhập thông tin, thời tiết nông vụ, khuyến ngư, trình độ quản lý, nâng cao trình độ tin học, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào chăn nuôi, làm tốt công tác vệ sinh môi trường; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của Hội Nông dân các cấp, anh duy trì tốt mô hình VAC, cho doanh thu trên 41 tỷ đồng và lợi nhuận trên 7 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh anh đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Zapp-compit thực hiện chăn nuôi lợn bảo hộ, công ty cung cấp giống, thức ăn, hỗ trợ về kỹ thuật. Qua đó anh đã cung cấp cho gần 20 hộ chăn nuôi gia trại ở các xã lân cận nuôi và bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định; tạo mối liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi. Với kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, mô hình VAC của anh đã đón tiếp gần 2.000 lượt người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm; tổ chức 16 hội nghị đầu bờ. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, gia đình anh đã tự nguyện làm 700m đường bê tông, rộng 2,5m đường ra đồng khu chuyển đổi trị giá 31 triệu đồng; cùng 6 hộ vùng chuyển đổi xây 1 cây cầu cho bà con đi lại và anh cũng đã ủng hộ nhiều tuyến đường trong xóm. Đến nay, số tiền anh đã ủng hộ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương là trên 500 triệu đồng. Ngoài ra anh được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình chăn nuôi ở một số nước trên thế giới như: Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan; ký hợp đồng liên kết với Công ty Cám Zapp-compit và Gzimpit để thực hiện chăn nuôi lợn bảo hộ, cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật, vốn cho trên 120 hộ. Với sự cố gắng của bản thân và gia đình, năm 2014 và 2015 anh Nguyễn Văn Luật đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen, được Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam tặng Giải thưởng nông dân ưu tú năm 2015 vì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới; năm 2016 được tặng giải thưởng Sao Thần nông. Năm 2017, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Hải Đông tiếp tục được duy trì và phát triển, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân được cải thiện. Hàng năm, qua phát động thi đua đã có 1.226/1.659 hộ đăng ký và 613 hộ đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 35,2% so với hộ nông dân. Tiêu biểu như gia đình các hội viên: Nguyễn Văn Luật, Nguyễn Văn Khuynh, Nguyễn Văn Cường, Đinh Văn Thuận… Phong trào tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững luôn được cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng. Hàng năm, Hội chỉ đạo mỗi chi hội giúp từ 1-2 hộ thoát nghèo. Trong 5 năm qua, Hội đã giúp 35 hộ thoát nghèo bằng các việc làm thiết thực như hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng, hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất và trên 30 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi; Hội đã nâng cấp 2 CLB nuôi trồng thủy sản lên tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản. Các tổ hội luôn đoàn kết và có cách làm sáng tạo, quảng bá tốt được sản phẩm, nhãn hiệu nông sản và liên kết, mở rộng được thị trường tiêu thụ, xây dựng được mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đã xuất hiện thêm một số mô hình sản xuất hiệu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi ngao, vạng, tôm nước ngọt, tôm thẻ chân trắng, thỏ Pháp, gà siêu trứng, lợn nái ngoại siêu nạc, chim yến, cây thìa canh, mứt đinh lăng… Bên cạnh đó, Hội thường xuyên đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân là 110 triệu đồng, đang cho 6 hộ vay để đầu tư dự án sản xuất, chăn nuôi. HND xã còn đứng ra tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 564 hộ vay, với dư nợ trên 161,9 tỷ đồng; phối hợp thẩm định dự án và đề nghị cho 4 hộ vay vốn đầu tư mua 4 máy gặt, máy cấy đưa vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Tổ chức tốt hoạt động ủy thác vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ 3,8 tỷ đồng cho 129 hộ vay thông qua 3 tổ tiết kiệm vay vốn. Các nguồn vốn do Hội quản lý đều duy trì và tăng trưởng ổn định, giúp giảm hộ nghèo, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Nguồn vốn của Nhà nước được bảo toàn, không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Ngoài ra, Hội tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 36 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 2.800 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trong xã. Trong đó có 3 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cây lúa, hoa màu và cây ăn trái; 33 lớp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị. Đến nay, tại địa phương đã có 2 hộ nuôi tôm công nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Hội còn phối hợp với Ban Nông nghiệp và HTX dịch vụ nông nghiệp tuyên truyền nông dân chuyển đổi trên 50ha cho 220 hộ tham gia từ cấy lúa thường sang cấy lúa giống TBR-225 cho năng suất từ 1,5-1,7 lần so với cấy lúa thường. Từ năm 2021 đến nay, tiếp tục thực hiện mô hình liên kết cấy giống lúa Thiên Trường 800 với diện tích trên 20ha, giá trị so với cấy lúa thường tăng thêm từ 400-500 nghìn đồng/sào. Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp huyện; các trường, các doanh nghiệp tổ chức chiêu sinh, mở 4 lớp dạy nghề may công nghiệp, cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản cho 315 hội viên. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 80% đảm bảo thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực khích lệ hội viên, nông dân xã Hải Đông hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tạo nền tảng cho kinh tế nông nghiệp phát triển đúng hướng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020./.
Bài và ảnh: Hồng Minh