Có lần tôi hỏi bố: “Bố sợ gì nhất?”. Bố tôi bảo: “Thủy, hỏa, đạo, tặc”. Đúng thế, bão gió, hỏa hoạn là những cái mới nghe đã chết khiếp. Cơn bão số 7 mà tôi chứng kiến ở vùng quê dạo xưa, cứ nghĩ đến đã giật mình thon thót.
Ảnh minh họa/ Internet |
Có như vậy thật! Ai ngờ sang tháng 9 rồi mà còn có bão to. Từ chiều, trời trở heo may, người ta lại tưởng là thu. Nghe cái đài điện thông báo thời tiết, chẳng mấy ai để ý. Rồi, đêm đến, gió mỗi lúc một to, lại mưa. Mưa xối xả. Gió hung hăng giật liên hồi. Đến gần sáng, cái nhà tre đã giật kêu răng rắc. Gió bốc từng mảng rạ ném ra đường. Cành mít bị gió bẻ gãy, rơi xuống sân. Bố khoác chiếc áo mưa, chèn hết chỗ này đến chỗ khác, người xiêu xiêu, vẹo vẹo. Gió giật tung cả chiếc nón. Trời vẫn tối. Không đèn đóm nào chống lại nổi với mưa, với gió. Gió vẫn hồng hộc, man dại…
Qua hai ngày đêm, bão tan dần. Mưa cũng tạnh. Cả cánh đồng trắng xóa nước mênh mông như biển. Cảnh đổ nát ghê gớm. Hàng phi lao bên bờ mương đổ la liệt. Trong vườn, biết bao gốc chuối gãy gục, có cây bị chẻ ra làm đôi, lá tướp như xơ mướp. Cây bưởi góc vườn sai chi chít mà bây giờ chỉ còn vài quả, cành gẫy, treo lơ lửng. Bụi tre cạnh ngõ rũ rượi, kiệt sức, bão đã tuốt đi của chúng biết bao nhiêu lá… Cái chuồng lợn mới làm đận trước đổ ụp xuống, mái trống huơ trống hoác. Sân ngập nước mưa, cống rãnh thi nhau chảy… Những con giun đất màu đen to bằng ngón tay út nổi lềnh bềnh. Mặt ao rụng đầy các thứ lá. Cây sắn thuyền nằm chắn ngay trên mặt ao, gốc bật tung. Ngổ dại, bèo tây mắc ở đó. Cả tảng bèo bị nước đẩy ra nhưng không sao đẩy được… Bố tôi phải lội xuống ao chặt cây, phát cành, vớt lá rụng gần một ngày trời. Người mệt lử. Công việc cứ ùn lên, chưa hết việc này đã đến việc khác. Mẹ lo lắng cho con lợn trong chuồng, lo nắm rơm, nắm rạ đun bếp… Mưa gió đã làm ướt sũng, đống rạ bị bốc đi quá nửa. Nhưng cái lo nhất của cả nhà, cả làng là cánh đồng lúa sắp vào mùa gặt hái. Lúa đổ ập xuống mặt nước. Người ta phải ra đồng buộc túm từng khóm lúa để hạt lúa khỏi bị thối, bị mộng. Trong xóm ngõ, họ thăm hỏi, sang nhà nhau, xem nhà ai bị hư hại nhiều. Tình làng nghĩa xóm được đong đầy, được chắt chiu qua cơn hoạn nạn.
Có lẽ vùng quê tôi chịu cảnh tàn phá của thiên nhiên khắc nghiệt nhất nên sau nửa ngày đã thấy đơn vị bộ đội ở trên tỉnh về giúp dân cứu lúa, dựng lại nhà cửa. Nhà cụ Nhạn neo người, có cậu con trai vừa nhập ngũ đầu năm, lại ở xa nên được sửa sang trước tiên. Họ gom lại từng đon rạ, thay lại cái cột, cái kèo. Gian buồng đắp bằng đất, tường cũng nứt ra, bây giờ được đắp lại. Vườn tược, ao chuôm… được nạo vét, thu dọn. Thửa ruộng nhà nào ngập nước cũng được các anh bộ đội gặt giúp, đem về tận sân nhà. Giờ giải lao, họ lại chụm đầu cùng nhau hút điếu thuốc lào hay uống ngụm nước vối quê. Câu chuyện xa gần đã làm ấm tình quân dân cá nước.
Nhà tôi cũng được các anh bộ đội giúp lợp lại cái mái nhà. Công việc chạy ào ào. Mái rạ xiêu vẹo, rách nát được gỡ ra. Cây bưởi, cây mít được dựng lên và buộc vào một cái cọc tre. Hàng cau trước cửa cũng uốn lại cho thẳng. Tôi lăng xăng giúp bố mẹ, giúp các anh bộ đội tìm con dao, cái lạt hay đun ấm nước nóng. Rạ ướt, khói cay nồng cả sống mũi. Nhưng thích nhất là nhặt được cả thúng bưởi non xếp chật cả chái hè để đá bóng hay chơi chuyền, chơi chắt…
Đứng trước nhà nhìn ra ngoài, mẹ tôi xót ruộng vườn như xót thương những con vật sống. Đôi mắt mẹ ngấn nước. Mẹ thương cây cối, thương hạt thóc như thương chính mình. Biết bao mồ hôi, công sức tháng tháng, ngày ngày! Mấy hôm trước còn nguyên vẹn, bây giờ đã mất sạch sành sanh…
Sau trận mưa đền cây, vạn vật dường như thay đổi hẳn. Cây cối như được hồi sinh, đường ngõ đã tạm sạch sẽ, quang đãng. Cây hoa dại đã kịp trổ hoa vàng, hoa trắng. Di chứng của trận bão chỉ còn là những đống lá, đống củi xếp ở hồi nhà hay ở góc vườn. Chúng tôi lại tung tăng đi học, trên tay đứa nào cũng cầm một quả “bóng” bưởi. Người lớn lại tiếp tục ra đường gặt hái… Công việc chộn rộn, bộn bề…
Ấy thế mà đã mấy chục năm. Từ dạo còn là một cậu bé lúc nào cũng bám áo mẹ, giờ đây, tóc tôi đã điểm hoa râm. Ký ức xa xưa dội về, vui buồn lẫn lộn… nhưng những tháng ngày sau trận bão ấy, tôi mới thấy hết sức mạnh bền bỉ, tiềm tàng của người dân quê tôi, họ vượt qua giông bão, thách thức với thiên nhiên… Mỗi dịp về quê thăm họ hàng, thăm vườn cây mà cha tôi để lại, tôi vẫn thấy hơi thở của cành lá, của hoa trái thân quen… Xe đã chạy, làng quê tôi đã khuất dần… mà tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Mảnh đất lam lũ, cọc cằn này sao có sức cuốn hút và hấp dẫn tôi đến thế?
Lưu Thị Hoà