Giao mùa, tiết trời đã dần chuyển sang thu. Sắc vàng mềm mại của ánh nắng quyện vào cơn gió thoáng bay bên góc phố nhỏ. Đâu đây, thoảng hương cốm mới như gửi gắm cả trời thu…, gợi cho tôi nhớ đến bà nội và những thức quà dành cho những đứa cháu yêu từ những ngày thơ ấu.
Ảnh minh họa/ Internet |
Trong ký ức của tôi, hình ảnh về bà là người phụ nữ đáng kính, đẹp nhất. Đó là hình ảnh của mẫu người phụ nữ truyền thống: nhanh nhẹn, mẫu mực, đảm đang, chịu thương, chịu khó, vun vén cho gia đình; dành hết tâm sức nuôi dạy con, cháu thành người. Không biết từ bao giờ, chắc khoảng chỉ mới hai tuổi, tôi đã nhớ và biết bà nấu ăn chu đáo, khéo ngon. Với cảm nhận của đứa trẻ hồi đó thì tôi chỉ nghĩ đến những thức quà mùa nào thức ấy vô cùng hấp dẫn, càng không thể thiếu hương vị cốm tươi.
Thuở ấy, cứ mỗi độ lúa nếp “vào mẩy” chuẩn bị cho một mùa chín rộ thì bao giờ bà cũng đi cắt sớm một bó nếp to về làm cốm để “chiều” con, cháu. Lúa mới, sau các công đoạn tỉ mỉ, bà đã “ra mùa cốm”. Từng hạt cốm xanh non, mỏng manh, mùi thơm thoang thoảng, mát dịu, ngọt bùi của lúa nếp, cảm giác như vị sữa hạt hương đầu mùa. Thức quà của bà từ vụ lúa nếp này đến vụ nếp khác đã bồi đắp “vị nhớ thương”; cho dù thời gian trôi qua nhưng chẳng thể phai mờ trong ký ức của mỗi thành viên gia đình.
Thời các cô, chú tôi đang là sinh viên, sau mỗi kỳ học, dịp nghỉ lễ, tết, hoặc cuối tuần, bạn bè cùng học thường kéo về thăm nhà. Một trong nhiều thức quà của bà đãi khách là “cốm mới”. Ngày nay, mặc dù đã ngoài ngũ tuần nhưng khi gặp, bạn của các cô, chú vẫn nhắc lại là: không thể quên được món quà cốm hương của bà. Thức quà mộc mạc ấy thấm đẫm tình cảm; là nét văn hóa của gia đình nhiều thế hệ: ông nội, các bác, bố, các cô, chú tôi.
Xưa, nhà ai cũng khó khăn, thiếu thốn, nấu cơm phải độn thêm khoai để ăn cho no. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được tại sao, mặc dù bà là người phụ nữ khắc kỷ, nghiêm ngặt nhưng lại hào phóng, tận tâm chăm con, cháu; tự tay chế biến thức quà “hương cốm đầu mùa” cho cả gia đình. Và, cũng đã qua bao mùa lúa mới, người thân được thưởng thức hương cốm do chính bà làm và sau năm tháng, thức quà đã trở thành nếp nhà.
Mỗi khi xong một “mẻ” cốm, bà nâng niu thành quả, cho vào lọ sạch bảo quản để làm quà sau đó rồi mới chia cho con, cháu. Tôi còn nhớ như in, bàn tay của bà thon gầy, cẩn thận đặt vào tay cháu bát cốm nhỏ rủ rỉ dặn dò: Cháu ăn từ từ kẻo rơi ra. Ăn cũng phải học. Và cũng chỉ ăn chút thôi còn để phần cho mọi người. Ăn hôm nay nhớ dành cho ngày mai…
Tôi chẳng hiểu bà nói gì nhưng vâng lời, nhấm nháp từng hạt cốm mới dẻo thơm, giòn tan, ngon ngọt trong miệng, thi thoảng lại ngẩng lên nhìn xem bà có hài lòng khi tôi ăn thêm không. Sau này lớn lên tôi mới hiểu ý tứ sâu xa của bà dặn năm xưa. Rồi bà hướng dẫn cách làm cốm phải nên chọn lúa nếp cái hoa vàng sáu tháng, vụ mùa, thường từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Cốm nếp thành phẩm phải có màu xanh non, mềm, dẻo, thơm, ngọt mát mới là hương vị cốm ngon…
Có lẽ, hương lúa nếp, tình yêu thương con, cháu của bà đã cho tôi ký ức tuổi thơ ấm áp bằng thức quà cốm mới “gợi nhớ, gợi thương” để rồi trở thành “Miền cổ tích” trong veo nuôi dưỡng, vun đắp tâm hồn tôi. Ngày xưa, bà chăm các con; sau này còn khoẻ chăm các cháu; khi bà về với tổ tiên là đến thế hệ mẹ tôi. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ lúa nếp vào mùa, người phụ nữ của gia đình tôi lại ngóng trông, đón đợi anh, em, con, cháu về nhà bằng tất cả tình yêu thương, cùng những thức quà thơm ngon, càng không thể thiếu hương vị cốm mới ngọt ngào, dẻo thơm để sẻ chia, gắn bó./.
Minh Anh